xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tai nạn giao thông: Nỗi đau suốt đời

Bài và ảnh: Thu Hồng

LTS: Số ca nhập viện do tai nạn giao thông trên cả nước cứ tăng từng giờ, số người chết cũng tăng chưa có điểm dừng. Người may mắn sống sót thì thân thể không nguyên vẹn, cuộc sống rơi vào chuỗi dài những ngày tháng bi kịch không lối thoát. Những trường hợp mà phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận được thật sự là những nỗi đau, không chỉ của bản thân, gia đình họ mà là của cả xã hội.

Khốn cùng của một gia đình

Mất nhà, tốn hàng trăm triệu đồng và trải qua 15 lần phẫu thuật vẫn không thể trả lại cho người đàn ông ấy sức khỏe để làm việc nuôi sống gia đình mình

Những ngày gần đây, một người đàn ông trên đôi nạng gỗ thường xuyên đứng khép mình cầu nguyện ở một góc giáo xứ Tân Đông (quận 12-TPHCM). Anh mong có phép mầu đến với mình để có thể tiếp tục cuộc phẫu thuật lần thứ 15 đưa phần hậu môn nhân tạo vào ổ bụng.

Đêm định mệnh

Qua những con hẻm ngoằn ngoèo đầy sình đất, chúng tôi đến căn nhà trọ không số của anh Bùi Quốc Phú (SN 1971) nằm sâu trong ruộng đồng thuộc ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn - TPHCM. Căn nhà lá ẩm thấp, u tối, bên trong có 4 người đang ngồi bên mâm cơm. Chị Ngô Thị Thúy Hồng, vợ anh Phú, lót tấm ván mời khách ngồi rồi phân trần: “Tôi mới đi bán về…”.
Mâm cơm vỏn vẹn có hai món: canh và thịt xào. Đôi lần đưa muỗng vào tô canh nhưng rồi anh Phú rụt tay lại. Khách hỏi, anh chỉ cười: “Thèm mà không dám ăn. Bởi nếu ăn thì vợ con tốn tiền thay túi nhân tạo, mỗi cái túi hết 11.000 đồng, ngày nào thay ít cũng 3 túi; nếu ăn canh, uống nước thì thay 5 – 6 túi”.
Ngồi kế bên chồng, chị Hồng mắt ngân ngấn nước: “Tại khổ quá nên phải tiết kiệm từng chút, chứ nhìn chồng thèm mà không dám ăn, tôi rớt nước mắt’’. Chị bắt đầu kể lại cái đêm định mệnh mà với gia đình chị, cả cuộc đời này sẽ không bao giờ quên.
img
Là lao động chính trong gia đình nhưng giờ đây anh Phú đành ngồi một chỗ do tai nạn giao thông đã cướp đi đôi chân
22 giờ ngày 11-12-2009, đã trễ hơn 3 giờ so với thường lệ nhưng vẫn chưa thấy chồng về, chị sốt ruột gọi điện. Bên kia có người nghe máy nhưng không phải giọng của anh mà của một người lạ, báo tin chồng chị bị tai nạn trên Quốc lộ 1A, chưa biết sống chết thế nào. Còn người bạn đi cùng bị chiếc xe tải chở gạch cán qua người chết tại chỗ.
Buông vội chiếc điện thoại, chị tức tốc lên xe máy đi tìm chồng. Đến giao lộ Quốc lộ 1A – Tô Ngọc Vân (quận 12), nơi xảy ra tai nạn, chị bàng hoàng khi nhìn thấy xác người bạn đồng nghiệp của chồng, cách đó không xa là một vũng máu - nơi chồng chị gặp nạn.
Một người tốt bụng đã thuê taxi chở anh vào bệnh viện. Run rẩy, chị chạy đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thấy chồng nằm bất động, chị giở tấm khăn trắng ra và ngất xỉu. Anh bị dập nát 2 đùi, gãy xương chậu, xương bánh chè và bể bàng quang.   
Bác sĩ bảo phải mổ, nuôi thịt da trên đùi và sắp các xương đã gãy, đặt hậu môn nhân tạo. Họ ngần ngại cho biết chi phí rất lớn, mất nhiều thời gian, chưa kể thương tật vĩnh viễn suốt đời. Chị tức tốc bán căn nhà vợ chồng đang ở được 170 triệu đồng, đủ lo cho anh hơn 5 tháng nằm viện.
Hết tiền, chị được gia đình chồng tiếp sức bằng cách cho bán luôn căn nhà của má chồng để lại tại quận Gò Vấp được 350 triệu đồng, cộng thêm tiền vay mượn, họ hàng, cơ quan anh ủng hộ, được gần 800 triệu đồng đổ hết vào cứu chữa cho anh.
Tổng cộng hơn 900 triệu đồng cho hơn một năm rưỡi điều trị; thịt, da đã ửng hồng nhưng chằng chịt ngang dọc không thứ tự, còn phần hậu môn nhân tạo đặt ngoài chờ lần mổ thứ 15 tốn khoảng 20 triệu đồng nhưng đến đây vợ chồng chị đã kiệt sức nên chưa thể phẫu thuật để đưa vào ổ bụng.

Mất cả tương lai

Sau tai nạn, vợ chồng chị được một cán bộ Công an quận 12 đứng ra thương lượng giúp chủ xe bồi thường, hỗ trợ gia đình chị 51 triệu đồng. Từ đó trở đi không thấy ai đến bệnh viện thăm hỏi.
Anh Phú buồn bã kể: “19 giờ hôm đó, anh Khóm chở tôi về. Từ đường Tô Ngọc Vân, chúng tôi rẽ phải vào Quốc lộ 1A, đi đúng làn đường thì đột nhiên xe tải chở gạch phía sau tông vào, cán qua người anh Khóm, còn tôi bị bánh xe cán lên đùi, bụng… Thương tật như vầy nhưng người ta chỉ bồi thường có bấy nhiêu. Mạng người sao rẻ quá!’’.
Tiếp lời chồng, chị Hồng nói: “Vì ít chữ nghĩa, lại đang trong cơn túng quẫn, bệnh viện liên tục kêu đóng viện phí để vô máu cho anh, tôi nhắm mắt chấp nhận số tiền ít ỏi đó”.
Bây giờ, nhà cửa không còn, lại mang nợ gần 50 triệu đồng, vợ chồng chị Hồng tìm vào con hẻm thật sâu mướn căn nhà đủ để 4 người ở với giá thật rẻ. Chị thôi không may nón nữa mà đội chuối chiên đi khắp chợ bán để có tiền đắp đổi qua ngày.
Đứa con lớn Bùi Ngô Quốc Huy đang học lớp 9 phải nghỉ học để làm phụ hồ, đứa nhỏ Bùi Ngô Quốc Phát chưa biết sẽ nghỉ học ngày nào. Cầm xấp giấy khen của con trên tay, chị rưng rưng: “Huy học giỏi, mê vi tính lắm… Đắn đo gần tháng trời mới quyết định cho con nghỉ học, vậy mà nó vẫn khóc mấy đêm liền’’.
Anh Phú ngồi gần đó, quay mặt vào trong cố giấu những giọt nước mắt đang chực trào ra. Tai nạn không chỉ cướp đi đôi chân, sức khỏe và vai trò trụ cột gia đình của anh mà còn nhẫn tâm lấy đi nụ cười hồn nhiên được đến trường mỗi ngày của các con. Giờ đây, mọi thứ còn lại trong gia đình nhỏ ấy chỉ là nỗi đau và sự lo toan cho ngày mai…
 
img
Chị Luận giờ không thể làm việc nặng, chỉ biết trông chờ vào sức lao động của người mẹ già 82 tuổi

Gánh nặng đời mẹ

Khắp hẻm chợ Phước Thạnh từ lâu đã quen với hình ảnh cụ Trần Thị Hương (còn gọi là bà Bảy Đá, ngụ 794 Quốc lộ 22, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi-TPHCM) hằng ngày đẩy xe ba bánh chứa đầy nước đá đi bỏ mối. Cụ Hương là mẹ liệt sĩ Phan Thị Lợi. Ở tuổi 82, lẽ ra cụ phải được an hưởng tuổi già nhưng hiện cụ lại là lao động chính trong gia đình để nuôi đứa con bị tai nạn giao thông và cháu ngoại.

Xòe đôi bàn tay chai sần, có 4 ngón còng queo ở đốt xương, cụ cho biết: “Già rồi, mắt kèm nhèm, chặt đá cứ chặt trúng ngón tay hoài, chảy máu xong thì đau nhức nhưng không có tiền chữa trị nên cứ để vậy’’.
Đôi bàn tay ấy không chỉ chẻ đá, đẩy xe mà để có thêm tiền cho cháu đi học, bà phải rửa chén thuê cho quán cơm gần nhà, mỗi ngày được 30.000 đồng. Cộng thêm tiền bán nước đá được 20.000 đồng đủ bữa cơm non chén cho ba bà cháu.
Chị Phan Thị Luận (44 tuổi, con gái cụ Hương) 3 lần bị tai nạn giao thông. Lần đầu, giữa tháng 5-2006, khi đang đi bộ trên đường thì bị xe máy từ phía sau tông thẳng vào khiến chị bị chấn thương cột sống.
Không có tiền chữa trị, chị đành nằm ở nhà. Vài tháng sau, chị lại bị xe máy đụng làm gãy chân trái, bác sĩ bảo phải mổ sắp xương nhưng cũng không có tiền, chị bó bột rồi về. Cách đây không lâu, đang đi bộ, chị lại bị xe máy đụng lần nữa, văng ra đường.
“Ba lần bị tai nạn đã cướp đi sức khỏe của tôi, bây giờ ngày nào vết thương cũng gây đau ghê gớm. Để mẹ đi làm nuôi tôi và con, tôi khổ tâm lắm nhưng đành bất lực ngồi nhìn!”- chị Luận nói.

Hải Phong

Kỳ tới: Chết dần trên giường bệnh
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo