xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàu cá chở khách gây tai họa

DUY NHÂN - THỐT NỐT - CÔNG TUẤN

Vụ chìm tàu đi Lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu ngày 6-4 đã khơi lại ký ức kinh hoàng về những vụ tai nạn thảm khốc từng xảy ra trên vùng sông nước miền Tây Nam Bộ

Vào lúc 10 giờ ngày 6-4, tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), một chiếc tàu cá chở 39 người đến Lễ hội Nghinh Ông đã lật úp làm 2 nữ sinh thiệt mạng và 12 người bị thương.

Xem thường tính mạng

Chiếc tàu gặp nạn mang biển số BL 93322, do bà Nguyễn Thị Lời làm chủ, tài công Doãn Thanh Nam (SN 1982, ngụ thị trấn Gành Hào, con bà Lời) điều khiển. Trong số những người trên tàu có rất nhiều học sinh THPT.

Xuất phát từ cảng Gành Hào, tàu đi được khoảng 2 km thì gặp sóng to, gió lớn nên bị lật úp. Nhiều tàu đi cùng đã phát hiện và khẩn trương tiếp cận nhưng vẫn không thể cứu hết người gặp nạn.

Chiếc tàu cá chở 39 người bị chìm ở cửa biển Gành Hào Ảnh: CÔNG TUẤN.
Chiếc tàu cá chở 39 người bị chìm ở cửa biển Gành Hào Ảnh: CÔNG TUẤN.

Những hình ảnh trước khi bị chìm cho thấy tàu chở rất nhiều người nhưng không ai mặc áo phao. Nhiều người đứng, ngồi lộn xộn khiến con tàu nhiều lần chao đảo. Lúc tàu chìm, nhiều người bám víu nhau trong hoảng loạn. Cạnh đó, một tàu khác cũng chở đầy ắp người, hành khách leo cả lên mui tàu nhảy múa, bất chấp hiểm nguy...

Theo ông Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu được xác định là do tàu chở quá tải gặp phải sóng to, gió lớn và tài công có dấu hiệu không chấp hành nghiêm các quy định an toàn giao thông đường thủy. Chiếc tàu gặp nạn không nằm trong đoàn tàu của ban tổ chức lễ hội.

Đến tối cùng ngày, các cơ quan chức năng xác định vẫn còn một cô gái mất tích. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ gia đình có nạn nhân tử vong 16,5 triệu đồng, gia đình có người bị thương 8 triệu đồng. Công an tỉnh Bạc Liêu đã tạm giữ lái tàu.

Bài học đau xót bị lãng quên

Những năm qua, trên vùng sông nước miền Tây từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chìm tàu thảm khốc cũng vì chủ tàu không chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, chủ quan và xem thường tính mạng của hành khách.

Đã 13 năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở Cà Mau vẫn chưa thể quên vụ chìm tàu Diễm Tính làm chết 49 người. Đau đớn hơn, có đến 10 nạn nhân không thể tìm thấy xác.

Là người sống sót sau vụ chìm tàu Diễm Tính vào ngày 30-4-2004, chị Cao Thị Quế, giáo viên Trường THCS Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho biết hơn 10 năm qua, mỗi khi nghe ai nhắc lại chuyện chìm tàu, chị vẫn chưa thôi hoảng sợ.

“Khi đó, tôi 29 tuổi, cùng 3 đồng nghiệp nữ mới về trường công tác đón tàu ra đảo Hòn Khoai tham quan trong kỳ nghỉ lễ 30-4. Gần 3 giờ sau khi xuất bến, hơn 150 người đi trên tàu hoảng hốt vì hay tin tàu bị phá nước. Lúc này, chủ tàu đưa máy bơm ra khởi động nhiều lần nhưng máy không nổ. Nhiều thanh niên vội cởi áo và quần dài vo lại trám vào lỗ thủng trong tuyệt vọng. Tàu chìm nhanh, tôi nghĩ mình khó sống được giữa biển khơi nhưng may mắn bám được vào cột cờ của tàu nhô lên mặt nước cho đến khi được vớt vào bờ. Hai đồng nghiệp của tôi đã chết...” - chị Quế buồn bã.

Một nạn nhân vừa được cứu thoát chết Ảnh: DUY NHÂN
Một nạn nhân vừa được cứu thoát chết Ảnh: DUY NHÂN

Sau vụ tai nạn, chủ tàu bị khởi tố. Cơ quan điều tra xác định tàu Diễm Tính được ông Trần Văn Khải sử dụng nhiều năm, chủ yếu dùng chở nước mặn ở đảo Hòn Khoai về bán cho các cơ sở sản xuất tôm giống. Chiếc tàu cũ kỹ lại chở quá tải, ông Khải phải tìm cách né trạm biên phòng để đưa tàu về phía biển và gây tai nạn nghiêm trọng.

Một vụ khác, chuyến đò tang thương chìm xuống sông Thạnh Mỹ (xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) vào năm 2008 làm chết 6 người vẫn còn là vết thương đau đớn đối với chủ đò Nguyễn Văn Triều. Trong số nạn nhân có cả vợ và con gái ông Triều. Chuyến đò này hằng ngày chở khoảng 40 học sinh đến trường nhưng người điều khiển không có giấy phép.

Gần đây, vụ lật ca nô vào tối 8-2 trên vùng biển Nam Du (tỉnh Kiên Giang) đã làm 14 người rơi xuống biển. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, chiếc ca nô này do một nhóm du khách tự thuê để đưa một phụ nữ bị thương về TP Rạch Giá nhập viện trong đêm. Sau khi rời Lại Sơn ra biển được 10 hải lý về hướng Tây Nam thì ca nô gặp gió mạnh. Do không quen sóng to, gió lớn nên nhiều người hoảng sợ, gây nhốn nháo và làm cho chiếc ca nô bị lật úp. Rất may, các nạn nhân đã được một chủ phương tiện lưới ghẹ phát hiện và cứu kịp thời.

Theo kết quả điều tra ban đầu, chiếc ca nô này chưa qua đăng kiểm và chưa được cấp phép chở khách du lịch.

Rút giấy phép tàu không an toàn

Theo đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với vi phạm của các chủ tàu.

“Cần thiết sẽ rút giấy phép nếu thấy phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, không bảo đảm an toàn chuyên chở hành khách trên biển. Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng công an điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, công ty lữ hành không được cấp phép nhưng lén lút đưa khách tham quan các đảo” - ông Thống nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo