xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tây Tiến oai hùng

Văn Duẩn - Phú Cương - Thanh Tuấn

L.T.S: Năm 1947, Trung đoàn Tây Tiến ra đời (sau đổi là Trung đoàn 52 Tây Tiến). Sau 70 năm chiến đấu và trưởng thành, những chiến công của đoàn quân Tây Tiến đã đi vào sử sách

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng đã cử nhiều cán bộ và lực lượng vũ trang lên vùng đất Tây Bắc để sát cánh cùng cán bộ, nhân dân địa phương xây dựng và bảo vệ chính quyền; đấu tranh chống các âm mưu, hành động phá hoại của thế lực phản động, ngăn chặn mưu đồ tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp.

Chiến thắng thắm tình hữu nghị

Hạ tuần tháng 9-1945, Đảng, Chính phủ đã cử các ông Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai trực tiếp chỉ huy mặt trận miền Tây. Tháng 11 năm đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc.

Tây Tiến oai hùng - Ảnh 1.

Những người lính Tây Tiến trong những năm kháng chiến chống Pháp. (Ảnh do Ban Liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến cung cấp)

Đơn vị Tây Tiến đầu tiên là "đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn". Đoàn quân đó được mang tên "Đội Võ trang trinh sát miền Tây" (tiền thân của Trung đoàn 52 Tây Tiến) do ông Lê Hiến Mai, đại diện Chính phủ, dẫn đầu, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Anh Đệ, đội phó Tuấn Sơn, chính trị viên Lam Ngọc, cùng hơn 100 chiến sĩ hành quân từ Hà Nội lên Mộc Châu (Sơn La), vượt cửa khẩu Pa Háng tiến sang Sầm Nưa - thủ phủ tỉnh Hủa Phăn - Lào.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến khu 2, Mặt trận Tây Bắc, các phân đội Vệ quốc đoàn Tây Tiến đã sát cánh cùng quân dân các dân tộc địa phương và nước bạn Lào, vừa củng cố chính quyền cách mạng vừa liên tục chặn đánh địch ở Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Quỳnh Nhai, Chiềng Pắc, Chiềng Khương, Mường Sài, Sông Mã. Đặc biệt là trận đánh Mường Láp, Hủa Phăn - Lào (cách Sầm Nưa 60 km) vào ngày 20-10-1945 của đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, đã phá tan một căn cứ hậu cần của quân Pháp, thu nhiều chiến lợi phẩm, mở rộng vùng giải phóng đến Mường Son, Mường Hiểm, Bản Hóp, Na Vươn.

72 năm đã trôi qua, nhân chứng sống duy nhất tham gia trận đánh Mường Láp, nay chỉ còn cựu binh Nguyễn Xuân Sâm - một trong 160 thành viên đầu tiên của Đội võ trang trinh sát miền Tây.

Ông Sâm cho biết khi đó, ông vừa tròn 17 tuổi, cùng những chàng trai Vệ quốc đoàn của thủ đô, được biên chế vào một đơn vị (chưa có phiên hiệu) và hành quân vào khu vực Xuân Mai, Hà Đông (Hà Nội ngày nay). "Một hôm, đồng chí Lê Hiến Mai công bố quyết định đơn vị được tổng chỉ huy giao phiên hiệu "Đội vũ trang trinh sát miền Tây", nhiệm vụ là đơn vị Tây Tiến đầu tiên đi trinh sát và tìm giặc đánh, gây phong trào cách mạng, hỗ trợ nhân dân lập chính quyền cách mạng ở miền Tây" - ông Sâm kể.

Từ Xuân Mai, đoàn quân tiến về phía Tây. Trời gần tối thì tới thị xã Hòa Bình, sau đó tiếp tục lên Mộc Châu, rồi đi đường tắt xuyên rừng sang Lào và đến Sầm Nưa vào sáng 18-10-1945.

Quân Pháp sau khi rút chạy khỏi Sầm Nưa vào sáng 17-10-1945 thì đinh ninh Việt Minh không đuổi kịp nên đã nghỉ ở Mường Láp, tổ chức liên hoan. Đội quân Tây Tiến đến Mường Láp vào tối 20-10. "Các tổ chiến đấu ném lựu đạn rồi đồng loạt hô "xung phong". Quân Pháp bị bất ngờ, hoảng hốt chạy tán loạn vào rừng, bỏ lại nhiều ngựa thồ, súng đạn, thuốc men và những đồ quân dụng khác" - ông Sâm nhớ lại và cho rằng đây là nét son của tình hữu nghị Việt - Lào, điểm sáng trong lịch sử quân tình nguyện Việt Nam ở Lào.

Sát cánh cùng quân, dân

Trong khi Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đang đẩy mạnh kháng chiến thì quân Pháp đã chiếm đóng ở Thuận Châu, Mường Hung, Sốp Cốp, Chiềng Cang, Chiềng Khiêng, Bản Hót... và tổ chức nhiều đợt tấn công, âm mưu lập xứ Thái, xứ Mường tự trị. Đầu năm 1947, có thêm viện binh, chúng từ Thuận Châu đánh chiếm Sơn La, Hát Lót, Mai Sơn, Yên Châu, Than Uyên...

Trước diễn biến mới và âm mưu của thực dân Pháp ở miền Tây, trung tuần tháng 1-1947, Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia quyết định thành lập Mặt trận miền Tây (Tây Tiến). Ban đầu, sở chỉ huy đặt tại Mường Hịch (Hòa Bình). Sau Tết Đinh Hợi (1947), mặt trận này được bổ sung 6 tiểu đoàn. Cuối tháng 2-1947, bộ đội Tây Tiến đồng loạt nổ súng vào các vị trí địch ở Ba Dom, Chiềng Công, Sốp Nao, Mường Pun, Mường Nao, Sầm Tớ... và nhanh chóng làm chủ tuyến sông Mã - Sầm Tớ.

Ngày 27-2-1947, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia quyết định thành lập Trung đoàn Tây Tiến. Tiếp đó, ngày 16-5-1947 đổi tên thành Trung đoàn 52 Tây Tiến. Buổi đầu thành lập, trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn: 150, 157, 160 bộ binh và các phân đội trinh sát, đội vũ trang tuyên truyền liên quân Việt - Lào. Đến tháng 5-1947, bổ sung thêm Tiểu đoàn 164 từ Trung đoàn 48 Thăng Long.

Tháng 3-1947, quân Pháp đánh thông đường số 6, tiến công vùng Mai Châu (Hòa Bình). Bọn chúng từ hướng suối Rút tràn lên, Mộc Châu (Sơn La) kéo xuống, phối hợp với quân nhảy dù định xóa sổ cơ quan chỉ huy mặt trận. Tư lệnh mặt trận quyết định chuyển sở chỉ huy về Mường Bi, quân y xá về Lạc Sơn và tổ chức chiến đấu ở khu vực bãi Sang, dốc Đẹt.

Ngày 15-4-1947, cuộc hành binh của quân Pháp đánh chiếm tỉnh Hòa Bình từ hai phía Đông và Tây, kết hợp nhảy dù vào thị xã Hòa Bình hòng ngoại kích, nội công, thực hiện đánh nhanh, thắng nhanh. Do chuẩn bị từ trước, phối hợp với quân - dân nơi đây, các đơn vị của Trung đoàn 52 Tây Tiến đã chặn đánh và làm tiêu hao địch ở Phương Lâm, Kỳ Sơn, dốc Cun, Đà Bắc, suối Rút, Mai Châu, Cao Phong, Mường Bi, Mường Lồ. Tiểu đoàn 150 do ông Tuấn Sơn chỉ huy đã công hãm Đồn Lồ, đặc biệt trận chiến diễn ra quyết liệt trên đường số 15.

Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Chu Đốc, cuối tháng 4-1947, 2 tiểu đoàn 150 và 164 bao vây tiêu diệt địch ở Vạn Mai; còn Tiểu đoàn 157 được tăng cường một số phân đội của Tiểu đoàn 60 tiến công Chiềng Sại và đánh địch cứu viện ở bãi Sang. Tuy nhiên, do kinh nghiệm công đồn còn hạn chế, quân địch có hỏa lực mạnh chống trả quyết liệt nên Tiểu đoàn 157 không diệt được đồn địch, phải chuyển sang bao vây bắn tỉa.

Sau trận Chiềng Sại, từ ngày 1 đến 5-5-1947, Trung đoàn 52 Tây Tiến phối hợp với du kích huyện Mai Châu bao vây, ghìm quân địch ở bãi Sang - Chiềng Sại, bảo đảm cho lực lượng của ta cơ động về vị trí mới và nhân dân tản cư an toàn.

Đến giữa tháng 5-1947, quân Pháp không đủ lực lượng chiếm giữ một vùng rộng lớn ở Hòa Bình nên phải rút khỏi chợ Bờ, Lương Sơn và một vài nơi khác.

Kỳ tới: Theo dấu chân chiến sĩ

Mãi mãi sáng danh

Từ ngày ra đời đến khi thành lập Trung đoàn 52 mới thuộc Đại đoàn Đồng Bằng (tháng 1-1951), Trung đoàn 52 Tây Tiến đã trải qua 4 năm chiến đấu cực kỳ gian khổ và hào hùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và miền Tây Bắc Bộ. Từ cái nôi đoàn quân Tây Tiến đã đào luyện nên biết bao con người ưu tú, trung dũng như Trung đoàn trưởng Chu Đốc; Chính ủy Hùng Thanh; Tiểu đoàn trưởng Tuấn Sơn; Đại đội trưởng Như Trang, Văn Dương, Việt Hổ; chính trị viên Nguyễn Hiền, Tú Hào; nhà thơ Quang Dũng… mà tên tuổi của họ mãi mãi sáng danh, gắn liền với đoàn quân Tây Tiến oai hùng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo