xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắc thỏm bên miệng “hà bá”

CA LINH - THỐT NỐT

Nước lũ đang lên, cộng với nạn khai thác cát bừa bãi khiến nhiều khu vực ở ĐBSCL liên tục sạt lở hoặc đối mặt nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng

Dọc theo sông Tiền và sông Hậu ở ĐBSCL, nhiều cồn, tuyến đường, khu dân cư... đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan. “Mùa lũ đang về, sống bên miệng “hà bá” thế này, người dân chúng tôi không thể nào an tâm” - bà Trần Thị Năm, ngụ xã Phú An, huyện Phú Tân - An Giang, lo lắng.

Tơi tả Quốc lộ 91

Quốc lộ 91 dài 150 km nối từ TP Cần Thơ tới An Giang là tuyến giao thông huyết mạch ở khu vực ĐBSCL nhưng thời gian qua luôn bị sạt lở nặng nề. Cách nay không lâu, Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú - An Giang bị chia cắt hoàn toàn bởi điểm sạt lở trên 100 m.
Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng giúp dân di dời nhà cửa và tài sản đến nơi an toàn. Một con đường tránh được mở cách đó khoảng 50 m. Dù đợt sạt lở này đã ngốn trên 100 tỉ đồng khắc phục nhưng đến nay, đoạn đường chính vẫn chưa thể khôi phục.
Đầu tháng 3 năm nay, chỉ cách Quốc lộ 91 chưa tới 10 m, khu vực bờ sông ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên - An Giang lại xuất hiện nhiều vết nứt và xâm thực vào trong đất liền khoảng 60 m. Sau đó, UBND tỉnh An Giang quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, huy động nhiều lực lượng đến hỗ trợ 60 hộ dân và tài sản đến nơi ở tạm.
“Sạt lở nghiêm trọng hơn cảnh báo và đã vượt tầm kiểm soát” - một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) An Giang nhận định.
img
Một điểm sạt lở bờ sông Hậu khiến nhiều nhà dân bị “hà bá” nuốt chửng. Ảnh: NGỌC TRINH

Tiếp đó, ngày 25-5, bờ sông Hậu đoạn qua TP Long Xuyên cách điểm sạt lở vào tháng 3-2012 chưa đầy 2 km lại tiếp tục bị “hà bá” nuốt chửng, nhấn chìm nhiều công trình, nhà ở và đe dọa đến sự an toàn của hàng trăm ngôi nhà khác, buộc chủ tịch UBND tỉnh An Giang một lần nữa phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Giữa lúc công tác khắc phục sạt lở trên sông Hậu còn đang ngổn ngang thì mới đây, 130 m bờ sông Tiền tại xã Phú An, huyện Phú Tân lại đổ sụp cùng 16 căn nhà, Tỉnh lộ 954 cũng chực chờ lao xuống nước.
Cùng thời gian này, nhiều khu dân cư tại huyện Chợ Mới, huyện An Phú, thị xã Tân Châu cũng xuất hiện sạt lở bờ sông, làm nhiều tuyến đường nông thôn hư hại.

Hàng trăm điểm sạt lở

Theo Sở TN-MT An Giang, toàn tỉnh hiện có 54 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức trung bình đến rất nguy hiểm. Dự báo, tình trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp với tần suất xảy ra ngày càng nhiều hơn, một phần do khai thác cát vô tội vạ.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Sở TN-MT An Giang phối hợp với các ban, ngành đã xử phạt gần 250 vụ khai thác cát trái phép với số tiền gần 1,3 tỉ đồng nhưng vẫn không ngăn chặn nổi.
Tại Vĩnh Long, Sở TN-MT cho biết toàn tỉnh có 18 khu vực sạt lở nghiêm trọng, tập trung nhiều nhất là khu vực cồn An Bình, xã An Bình, huyện Long Hồ. UBND tỉnh cấp phép cho 4 công ty khai thác cát dọc sông Cổ Chiên và sông Tiền khiến nhiều hộ dân phải di dời vì sạt lở.
Chỉ về khúc sông cách nhà 5 m, bà Nguyễn Thị Nhành, ngụ đầu cồn An Bình, bức xúc: “Ban đêm, nhiều sà lan kéo vô gần bờ múc cát. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Cách đây nửa năm, ngôi nhà của tôi ở tít ngoài đó. Xáng cạp múc cát riết mà nhà cửa sụp xuống sông hết, phải dời sâu vô trong đây ở”.
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân tại xã Phong Nẫm và An Lạc Tây, huyện Kế Sách - Sóc Trăng đang phản ứng trước việc khai thác cát gây sạt lở nhiều cồn trên sông Hậu.
Ông Nguyễn Hoàng Oanh, một người dân sống ở cồn Cò, xã An Lạc Tây, phản ánh: “Cả ngày lẫn đêm, 4 chiếc sà lan thay nhau múc cát khiến cồn sạt lở trầm trọng. Một số hộ trắng tay do đê bao quanh cồn lở nặng, không nuôi được cá”.
Trên sông Hậu thuộc địa bàn Cần Thơ cũng có tới 16 điểm sạt lở, trong đó 8 điểm sạt lở sâu, tập trung tại đoạn sông phía trái từ cửa sông Cần Thơ đến khu vực Tân Quới, Đông Phú, cù lao Lục Sĩ Thành - Vĩnh Long. Theo xác định của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân gây sạt lở là do tình trạng khai thác cát không đúng quy định.
Loay hoay ngăn chặn
Chuyện sạt lở diễn ra lâu nay ở nhiều nơi tại ĐBSCL nhưng đến giờ, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn, mà trước hết là xử lý nạn khai thác cát bừa bãi.
Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở TN-MT Vĩnh Long, cho biết: “Ở những khu vực đang có hiện tượng sạt lở bờ sông, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho tạm dừng khai thác cát có thời hạn hoặc không gia hạn cấp phép. Đồng thời, Vĩnh Long sẽ cùng các tỉnh lân cận xây dựng quy chế quản lý và phối hợp xử lý hoạt động khai thác cát”.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, UBND TP đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hậu.
Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Cần Thơ, tiết lộ: “Sở TN-MT đang lập kế hoạch về quy hoạch giới hạn cự ly khai thác cát để trình UBND TP duyệt. Quy hoạch này sẽ giới hạn những khu vực cấm các phương tiện vào khai thác”.
UBND tỉnh An Giang cũng vừa ra chỉ thị nghiêm cấm các loại phương tiện có tải trọng lớn khai thác cát trái phép gần bờ sông vào ban đêm; địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh cát trái quy định sẽ bị xử lý trách nhiệm...
Kỳ tới: Thêm lo mùa mưa lũ

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo