xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành nhà Hồ: được cứu sau... 20 năm nữa?!

Yến Anh

Là tòa thành độc đáo độc nhất vô nhị của Việt Nam, qua thời gian, Thành nhà Hồ đã xuống cấp nghiêm trọng vì sự tàn phá của thiên nhiên, và đặc biệt là của con người.

Giải pháp nào có thể cứu thành nhà Hồ? Một cuộc hội thảo lớn đã được Cục Di sản Văn hóa Việt Nam và Cục Tài sản Văn hóa Nhật Bản tổ chức nhằm tìm kiếm câu trả lời.

Xưa...

Được xây dựng từ năm 1397, Thành nhà Hồ (thuộc 2 xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) là tòa thành duy nhất của Việt Nam được xây bằng đá. Đóng vai trò là kinh đô của nước Đại Việt trong 3 năm cuối của đời Trần, thành nhà Hồ còn có tên gọi khác là Tây Đô (để phân biệt với Thăng Long- Đông Đô), và sau đó là kinh đô của nước Đại Ngu (1400-1407). Được xây dựng theo cấu trúc La Thành bằng đất bên ngoài và Hoàng thành bằng đá bên trong, giữa 2 lớp của thành nhà Hồ là một hào rộng. Thành gồm 4 cổng, lớn nhất là cổng chính phía Nam gồm 3 mái vòm lớn với chiều cao 10 mét, rộng 38 mét, được ghép bằng những phiến đá xanh. Mặt ngoài thành cũng được ốp bằng những phiến đá lớn, đẽo gọt vuông vức, có phiến nặng tới hơn 30 tấn...Theo sử sách để lại, trong thành có nhiều công trình kiến trúc cũ như điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, cung Diên Thọ...

...Và nay

Trải qua 7 thế kỷ, thành nhà Hồ hiện nay chỉ còn lại 4 cổng và vài đoạn tường đá. Mặc dù đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962, nhưng thành nhà Hồ qua thời gian bị  thiên nhiên, đặc biệt là con người, tàn phá ngày càng nặng nề. UBND huyện Vĩnh Lộc đưa ra một con số đau lòng, đó là có đến 132 hộ dân đang cư trú trong khu vực giữa Hoàng thành và La Thành. Phần hào đã bị người dân lấp gần hết, còn trong nội thành, có đến hơn 70 ha đất đã được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ cho dân canh tác. Một vài hộ dân làm nhà ngay dưới cổng Tây của thành, họ nhanh chóng tận dụng một vách thành bằng đá làm một vách....chuồng lợn nhà mình. Hai con rồng đá, vốn là vật linh thiêng nằm canh bên lối đi của hoàng gia xưa thì nay đã mất cả đầu lẫn đuôi vứt ra vệ đường nằm canh các phương tiện giao thông chạy qua đêm ngày. Những ngày nông nhàn, người dân hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến còn có một công việc khá “lạ tai”, đó là đào đất để ...kiếm cổ vật bán kiếm tiền. Anh Lê Văn Sự, Trưởng phòng văn hoá thông tin huyện Vĩnh Lộc cho biết, cách đây mấy năm, có người trong xã đào được một chiếc đầu rồng, sau đó anh ta lấp đất lại rồi đưa ra điều kiện là ai muốn mua cổ vật thì phải đưa tiền trước rồi mới chỉ chỗ. Kết cục của câu chuyện đầu rồng này là Bảo tàng Thanh Hóa phải chi cho anh ta 800.000 đồng để đưa cổ vật về. Vĩnh Long, Vĩnh Tiến được coi là một địa điểm quen thuộc mà những tay buôn cổ vật thường xuyên lui tới.

Nhưng không chỉ người dân thiếu hiểu biết mới ...vô ý thức, đầu những năm chín mươi, bảo tàng Thanh Hóa, với số vốn 20.000 USD trong dự án tôn tạo thành đã làm công việc mà nhiều nhà chuyên môn đánh giá vô cùng “ngớ ngẩn” là phục chế thành bằng cách xếp những viên đá có kích thước cực kỳ khiêm tốn so với những phiến đá khổng lồ của thành. Kết quả của dự án này là hình ảnh nham nhở phản thẩm mỹ của một bức tường thành được đánh giá là độc nhất vô nhị của Việt Nam. Đến nỗi, khi trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Tường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, nếu có tiền, thì việc đầu tiên là trả lại nguyên bản cho bức tường thành.

20 năm, có chờ được chăng?

Với giá trị đặc biệt của mình, việc bảo tồn, tôn tạo thành nhà Hồ không chỉ nhận được sự quan tâm từ các chuyên gia trong nước mà cả rất nhiều chuyên gia nước ngoài. Tháng 3 vừa qua, tại trụ sở bộ VHTT, Cục Di sản Văn hoá Việt Nam và Cục Tài sản Văn hóa Nhật Bản đã tổ chức hội thảo khảo sát về thành nhà Hồ với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của cả 2 nước.

Tại hội thảo, phía Nhật Bản cho biết sẽ dành 20 năm để nghiên cứu, khảo sát thành nhà Hồ, sau đó sẽ tiến hành bảo tồn, tôn tạo. Theo đánh giá của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản, việc bảo vệ thành nhà Hồ sẽ đạt được những hiệu quả. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê cũng nhận định, 20 năm để điều tra khảo sát, thăm dò khảo cổ học và khai quật tại thành nhà Hồ là một khoảng thời gian quá dài. Bởi việc bảo vệ những kết quả khai quật đã phát lộ là điều rất khó khăn ở Việt Nam, đặc biệt đối với thành nhà Hồ, nơi mà người dân đã được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ và đàng hoàng cư trú trong thành. GS Phan Huy Lê đề nghị bộ VHTT thảo luận, trao đổi lại với phía Nhật Bản để có kế hoạch triển khai rút ngắn thời gian này.

Với chính quyền tỉnh Thanh Hoá, GS Phan Huy Lê lưu ý, cần phải giải phóng mặt bằng trong phạm vi di tích này, không cho cư dân cư trú ở đây, đặc biệt là không cấp sổ đỏ cho người dân sử dụng đất lâu dài. Ngoài phạm vi Hoàng thành cũng phải có kế hoạch hạn chế tối đa việc sử dụng đất đai, nhất là cư trú. GS Lê cũng nhấn mạnh, chúng ta có kinh nghiệm với thành Cổ Loa, việc người dân cư trú trong thành đã khiến cho công tác giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo