xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắp lên triệu nén hương lòng

PHẠM HỒ

Không thế lực nào có thể làm phai mờ tấm gương hy sinh vì đất nước của các anh. Các anh là những vì sao sáng mãi trong lòng người dân nước Việt

Hàng ngàn lời tri ân các chiến sĩ hải quân (HQ) đã được bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động sau khi đăng loạt bài “Bi hùng hải chiến Trường Sa”. Càng tiếc thương những người anh hùng, chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Trường Sa ơi!

Không kìm nổi xúc động khi đọc lại những giờ phút sinh tử của các chiến sĩ HQ bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, bạn đọc Quang Vinh bày tỏ: “Một phần tư thế kỷ trôi qua, hình ảnh dũng cảm của các anh vẫn in đậm trong lòng người dân. Kẻ thù càng tìm cách đe dọa chủ quyền của chúng ta, tấm gương hy sinh của các anh càng được người dân nhắc đến với lòng kính trọng, thương yêu và đầy tự hào. Không thế lực nào có thể làm phai mờ tấm gương hy sinh vì đất nước của các anh. Các anh là những vì sao sáng mãi trong lòng người dân nước Việt”.
 
img
Cụ Lê Thị Niệm (huyện Tây Hòa- Phú Yên) tiếc thương con là liệt sĩ Phan Tấn Dư đã hy sinh
trong cuộc hải chiến ngày 14-3- 1988. Ảnh: HỒNG ÁNH
 
Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng, một người lính Trường Sa đã sống trong thời khắc lịch sử, kể: “Tôi là lính E83. Tôi cùng đồng đội đã khâm liệm cho các đồng chí hy sinh sau 3 ngày chuyển từ đảo về. Lúc đó tình hình rất căng thẳng, khi lên tàu ra đảo không còn biết có ngày trở về hay không. Chúng tôi lên tàu là nắm tay nhau hát vang bài ca Vì nhân dân quên mình, quyết hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng các bãi đá ngầm để có được những nhà giàn. Những đồng đội của tôi, những người con của Tổ quốc đã gửi lại một phần máu thịt của mình cho Trường Sa hôm nay”.
 
Cùng chung tâm trạng, bạn đọc Phan Trọng Khoa cho biết: “Ngày đó, tôi ở trên tàu HQ 17 giữ đảo Đá Tây. Địch hung hăng vô cùng với tàu khu trục, tàu tên lửa... Tôi cùng 35 đồng đội được tăng cường cho Trường Sa. Xong chiến dịch, tôi mất 3 đồng đội; thiếu tá Trương Nho Bao, thuyền trưởng tàu HQ 17 của tôi, cũng hy sinh. Đã 25 năm rồi, mỗi lần nhắc tới Trường Sa năm 1988, những người còn lại trong đơn vị vẫn khóc, tiếc thương cho những đồng đội đã hy sinh. Trường Sa ơi! Đồng đội ơi! Đau lòng lắm!”.
 
img
Các chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 chụp ảnh cùng người thân khi trở về
 sau những năm bị cầm tù tại Trung Quốc (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
img
Hôm nay, 3 người trong số đó cùng các cựu binh giữ đảo Gạc Ma năm xưa kết nối thành
vòng tròn bất tử như 25 năm trước. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Tri ân những chiến sĩ đã dũng cảm ngã xuống vì Trường Sa, bạn đọc Sao Mai bày tỏ: Xin hãy thắp lên một nén hương lòng tri ân cho các anh hùng dân tộc đã hy sinh vì Tổ quốc. Các anh đời đời sống mãi trong lòng đồng bào Việt Nam.

Tiếp lửa cho tương lai

Nhiều bạn đọc bộc bạch: Những tấm gương hy sinh này sẽ luôn hun đúc tinh thần yêu nước trong lòng thế hệ hôm nay.  Bạn đọc Thân Ghi chia sẻ: “Các anh đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là sự mất mát to lớn nhưng cũng rất đỗi tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Chúng tôi, thế hệ nối tiếp của các anh, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc dù có phải hy sinh tính mạng của mình”.
 
Bạn đọc A.T cho rằng: Làm thế nào để tất cả những người đang sống trên đất nước Việt Nam thấy được rằng mỗi việc làm thiếu trách nhiệm của mình là có lỗi với những người đã nằm xuống, có lỗi với những đứa bé mất cha, những người mẹ mất con, người vợ mất chồng!
 
Cảm động trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, bạn đọc Nguyễn Đình Tào viết: “Những sự kiện hùng tráng này cần được tuyên truyền mạnh mẽ để thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, bạn bè trên thế giới và cả nhân dân Trung Quốc hiểu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam”.
 
Bạn đọc Hoàng Thông nhìn nhận: “Không có bài học về lòng yêu nước nào thuyết phục hơn những tấm gương cao cả, anh dũng của những chiến sĩ HQ đã dùng máu và chính cuộc đời của mình để bảo vệ Tổ quốc. Thiết nghĩ cần đưa sự kiện 14-3-1988 vào sách giáo khoa giảng dạy trong các trường phổ thông để mỗi học sinh đều biết tinh thần yêu nước của dân tộc luôn được hun đúc và tiếp nối qua từng thế hệ”.
 
Thiêng liêng chủ quyền Tổ quốc
“Đọc những bài viết này tôi vừa rơi nước mắt vừa dâng lên một niềm tự hào thật khó tả. Chủ quyền Tổ quốc bao giờ cũng hết sức thiêng liêng. Kẻ thù dù thâm độc và dã man đến đâu cũng không thể nào khuất phục” - bạn đọc Trần Đăng Nhã viết.
 
“Tôi là một cựu binh nhập ngũ tháng 2-1990, là lính hải quân thuộc Lữ đoàn 126, vùng 4 HQ. Thiết nghĩ các phương tiện thông tin đại chúng nên có các bản tin đầy đủ về trận hải chiến ngày 14-3-1988 để người dân hiểu rằng không được quên lịch sử và luôn cảnh giác cao độ với kẻ thù xâm lược. Chúng tôi tuy đã giải ngũ nhưng thề rằng nếu Tổ quốc bị xâm lấn, chúng tôi sẵn sàng cầm súng bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển Tổ quốc” - bạn đọc Phi Hùng.
 

Gặp mặt truyền thống cựu binh Trường Sa

Đà Nẵng: Hướng về Trường Sa thân yêu

Hôm nay (14-3), hơn 300 cựu binh Trường Sa của 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã về xã Sơn Thành, huyện Tây Hòa - Phú Yên để gặp mặt truyền thống kỷ niệm 25 năm “sự kiện Trường Sa”.
 
Theo ông  Đào Thái Thi, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên, chỉ riêng tỉnh Phú Khánh (nay tách thành Phú Yên và Khánh Hòa) đã có hơn 1.500 cựu binh từng tham gia công tác ở Trường Sa. Do nhiều người sau khi xuất ngũ làm ăn xa, không biết địa chỉ nên chưa thể liên lạc được.
 
“Đây là lần thứ 6 chúng tôi tổ chức kỷ niệm “sự kiện Trường Sa”. Lần nào chúng tôi cũng tự góp tiền tổ chức. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Lính là vậy!”- ông Thi cho biết.
 
img
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân (phải) trò chuyện với đồng đội. Ảnh: HỒNG ÁNH
 
Ông Trần Quang Bảo, Trưởng Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, tâm sự: “Chúng tôi được trải lòng mình như thời trong quân ngũ. Tưởng như khô khan nhưng chất chứa tình cảm!”. 
 
Cũng theo ông Bảo, nội dung buổi gặp mặt ngoài việc thăm hỏi nhau để kịp thời giúp đỡ những cựu binh gặp khó khăn, ban tổ chức sẽ chiếu lại những đoạn phim phản ánh cuộc chiến bi hùng ở đảo Gạc Ma, tổ chức thắp hương và thăm gia đình 2 mẹ liệt sĩ ở Phú Yên có con hy sinh trong trận hải chiến ở Gạc Ma là Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) và Trương Văn Thịnh (phường 9, TP Tuy Hòa).
 
“Má chờ ngày này lắm. Các con về đông vui, má ngỡ như thằng Dư cũng đang về” - cụ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư, xúc động.
 
Anh Trần Văn Hùng (ngụ phường 9, TP Tuy Hòa), thương binh 2/4 ở Trường Sa, cho biết từ ngày đám giỗ liệt sĩ Trương Văn Thịnh (ngày 6-3) đến nay, không đêm nào anh chợp mắt.
 
“Cứ nghĩ ngày gặp lại đồng đội là tôi không ngủ được. Mất cái chân, không đi đâu được nhiều, ngày này với tôi ý nghĩa lắm” - anh Hùng tâm sự.
- Cùng ngày, Hội Cựu chiến binh phối hợp với Thành đoàn, Đài Phát thanh - Truyền hình và Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng cũng tổ chức giao lưu các cựu binh với chủ đề Hướng về Trường Sa thân yêu. Chương trình có sự góp mặt của một số chiến sĩ từng tham gia trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và 9 thân nhân liệt sĩ Trường Sa.
 
H. Ánh - H. Dũng
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo