Ông Lê Văn Xíu (ngụ xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết vừa qua, con trai ông đã sang Campuchia thuê mặt nước với giá 100 triệu đồng để khai thác cá. Nghĩ là năm nay nước lũ sẽ về nhiều hơn năm trước nên cả gia đình ông Xíu tràn trề hy vọng một mùa cá bội thu. Ngay từ đầu tháng 6, ông Xíu đã hối thúc 4 người con vá lưới, sửa chữa lại xuồng máy cùng nhiều ngư cụ. Vậy mà đến giờ, mực nước dưới kênh Vĩnh Tế vẫn thấp hơn mặt ruộng gần 1 m.
“Tất cả đều đã chuẩn bị sẵn sàng hết rồi nhưng tôi đợi hoài mà không thấy nước lên. Nếu bình thường như mọi năm, giờ này cha con tôi đang hì hụp ở ngoài đồng sâu để bắt những đợt cá đầu mùa, nhất là cá linh non. Bà vợ tôi ngán ngẩm quá nên kêu tôi giữ nhà để bả dẫn thằng con út lên Đồng Nai phụ bán quán. Nếu năm nay không có lũ, tôi sẽ bỏ cái nghề này luôn vì không thể chịu nổi cái cảnh bỏ ra hàng chục triệu đồng mua sắm ngư cụ để cho chuột cắn phá” - ông Xíu buồn bã nói.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết 2 năm qua, do tình hình nước lũ từ thượng nguồn đổ về chậm và thấp so với nhiều năm trước nên ngành chức năng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng cho phù hợp.
Theo đó, triển khai mô hình nuôi lươn, nuôi cá thác lác cườm, cá lóc trong bể lót bạt để từng bước giảm dần diện tích nuôi cá tra trong ao đất hoặc nuôi trong các lồng bè dưới sông. Những hộ nuôi theo mô hình sẽ chủ động được nguồn nước cùng các loại thủy sản không bị bệnh hoặc nhiễm kháng sinh. Khi nước lũ về muộn và thấp như hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên thực hiện theo những mô hình này để không quá lệ thuộc vào nguồn nước tự nhiên theo kiểu “trời cho” như trước đây được.
Theo ông Thư, dù quy mô của mỗi mô hình không lớn nhưng mang tính cộng đồng cao và dễ thực hiện. Sắp tới sẽ có một công ty ở An Giang sang tìm hiểu thị trường bên Nhật Bản để xuất khẩu lươn cho bà con.
Hiện An Giang đã giảm dần diện tích trồng lúa vụ 3 ở một số vùng để chuyển sang trồng bắp lấy trái non xuất khẩu hoặc cây mè. Riêng đối với vùng đất núi luôn chịu cảnh khô hạn thì tập trung trồng khoai mì để làm thức ăn chăn nuôi, qua đó chủ động được nguồn nước tưới tiêu.
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khuyến cáo năm nay, ĐBSCL chịu 2 thiệt hại kép là hạn, mặn gay gắt. Thời điểm này, lũ không về nên thiếu phù sa để rửa phèn và tăng cường dinh dưỡng cho đất.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nếu nông dân thu hoạch xong lúa hè thu hoặc thu đông thì tranh thủ đưa nước vào vệ sinh đồng ruộng, kéo dài thời gian nước lũ trong đồng. Song song đó, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch xuống giống lúa đông xuân 2016-2017 một cách hợp lý, hạn chế gieo sạ tập trung, tránh sử dụng nước cùng lúc quá nhiều.
Đối với cây ăn trái, TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, cho rằng nhà vườn cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. Trong đó, hạn chế việc bón phân vô cơ quá nhiều làm cho đất bị chay, thiếu vi sinh, thiếu ôxy; thay vào đó cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thường xuyên cày xới đất, áp dụng quy trình sản xuất sạch…
Tại Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở thêm lớp đào tạo nghề cho người dân trước đây chỉ sống nhờ vào lũ để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cũng cho rằng nếu năm nay lũ không về hay về thấp thì mùa khô 2017, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ gay gắt nên các tỉnh, thành ĐBSCL cần có biện pháp đối phó ngay từ bây giờ.
Bình luận (0)