xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thay đổi tư duy phát triển đô thị

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Phải thu hút tư nhân tham gia công tác phát triển đô thị, cùng chia sẻ lợi ích sao để đạt hiệu quả cao nhất mà lại ít dựa vào ngân sách

Nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước dự đoán tình hình kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là phát triển địa ốc, khó có thể khởi sắc trước năm 2015. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi được phương pháp tư duy phát triển đô thị từ kinh tế tập trung sang tư duy kinh tế thị trường, năm 2013 có thể trở thành một năm đặc biệt, đánh dấu sự bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ cuối khủng hoảng kinh tế và thời kỳ đầu của làn sóng phát triển đô thị thứ ba của các đô thị Việt Nam.

img
Cải thiện môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

 Bài viết dưới đây nêu lên một số định hướng mới cho 2 dự án trọng điểm của TPHCM theo cách tư duy kinh tế thị trường, để minh họa cho nhu cầu cấp bách trong việc thay đổi phương pháp tư duy phát triển đô thị tại Việt Nam.

Thu hút tư nhân tham gia

Dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những thành công quan trọng và có ý nghĩa nhất của TPHCM sau năm 1975. Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 8.600 tỉ đồng, trong đó hơn 1.600 tỉ đồng chi phí bồi thường để giải tỏa trên 7.000 hộ dân với gần 50.000 người. Các thành công nói trên chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước nên phải kéo dài gần 20 năm mà chỉ xong được giai đoạn 1 và đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm trở lại. Do đó, cần có giải pháp thu hút tư nhân cùng tham gia.

Nếu chính quyền có giải pháp để khuyến khích xây dựng một cộng đồng ven kênh cùng tham gia thì hiệu quả kinh tế - xã hội sắp tới có thể tăng gấp nhiều lần mà không lệ thuộc nhiều vào ngân sách TP. Các giải pháp mới nên áp dụng từ năm 2013 là quy hoạch lại khu vực công trình hai bên bờ kênh thành các khu phố đi bộ với chức năng dịch vụ thương mại và giải trí, đem lại sức sống mới cho khu vực, trở nên năng động, giống như khu bờ sông ở Singapore, đem lại nguồn thu mới từ thuế các loại, góp ngân sách cho việc tiếp tục phát triển và bảo trì khu vực kênh và hai bên; tổ chức tuyến đi bộ và cho giữ xe đạp, bãi xe ở các đầu cầu và bến thuyền phục vụ cho toàn tuyến phố đi bộ xanh; các chủ sở hữu công trình hai bên bờ kênh có trách nhiệm đóng góp phí dịch vụ hằng tháng cho việc duy trì chất lượng môi trường kênh và cây xanh khu vực hai bên mà họ là người hưởng lợi trực tiếp từ việc gia tăng giá trị địa ốc qua đầu tư hạ tầng của Nhà nước, nhờ vậy, người dân tại chỗ sẽ tích cực hơn trong việc tham gia với chính quyền để bảo vệ, không cho phép tiếp tục xả rác hoặc chất thải xuống kênh; cải tạo dòng kênh thành nơi thoát nước (giảm lũ lụt trong TP), nơi bố trí giao thông thủy, nơi giúp làm sạch môi trường nước và là nơi bổ sung diện tích xanh cho TP hiện đang rất thiếu.

Kết nối Thủ Thiêm với khu trung tâm

Dự án khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm được chính thức khởi động từ năm 2003, với việc chọn phương án của Công ty Sasaki (Mỹ) trong một cuộc thi quy hoạch quốc tế để thực hiện. KĐTM Thủ Thiêm được kỳ vọng là một trung tâm tài chính mới của TPHCM, nơi tập trung các công trình cao tầng của thế kỷ XXI. Đến nay, khu vực dự kiến xây dựng (rộng khoảng 7 km2) cơ bản giải tỏa gần xong, quy hoạch 1/2.000 cũng đã được phê duyệt từ năm 2005 nhưng nhà cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên ở bờ Tây, thay vì ở Thủ Thiêm, trong khi áp lực lãi vay cho dự án hiện nay là khoảng 4 tỉ đồng/ngày.

Thử thách rất lớn của KĐTM Thủ Thiêm là nguồn ngân sách hạn chế để thực hiện dự án. Tuy nhiên, tham khảo các dự án tương tự, chúng ta thấy rõ Thủ Thiêm đang thiếu một chiến lược phát triển dự án phù hợp để kích thích phát triển trong sự hạn chế về ngân sách đó. Ví dụ, Nam Sài Gòn phát triển đến quy mô như ngày nay từ một nguồn ngân sách ban đầu dưới 100 triệu USD; Phố Đông của Thượng Hải, với điều kiện năm 1990 khá tương đồng với Thủ Thiêm, vào năm 2003 đã bắt đầu khởi công các cao ốc chỉ sau 2 năm và hình thành cơ bản khu trung tâm chỉ sau 10 năm.

Mấu chốt về chiến lược phát triển KĐTM Thủ Thiêm trước mắt là cần ưu tiên tạo kết nối chiến lược giữa Thủ Thiêm trực tiếp với khu trung tâm quận 1 qua cầu Hàm Nghi, nối vào đại lộ Hàm Nghi - hiện là một trục kinh tế tài chính.
 
Với kinh phí vài trăm triệu USD xây dựng cầu Hàm Nghi băng sang Thủ Thiêm và xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho trục đại lộ bên phía Thủ Thiêm kết nối với cầu này trong năm tới, chúng ta sẽ thu hút ngay các nhà đầu tư xây dựng các cao ốc dọc theo một trục đường kinh tế tài chính đầu tiên tại Thủ Thiêm, có thể hoàn thành xây dựng trong vòng 5 năm.
 
Sự phát triển của trục đô thị này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao (qua các loại thuế góp cho ngân sách TP) và là yếu tố kích thích quan trọng nhất để phát triển KĐTM Thủ Thiêm (nhờ khoảng cách dưới 10 phút đi bộ vào khu trung tâm hiện hữu), do đó nên được ưu tiên tập trung ngân sách đầu tư.
Tác động cộng hưởng

Với chiến lược tận dụng nguồn ngân sách hạn hẹp của TP để ưu tiên cho việc tạo lập khung sườn kích thích phát triển (xây dựng cộng đồng phố đi bộ cho dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xây dựng kết nối chiến lược cho Thủ Thiêm), TP có thể tạo ra giá trị kinh tế của dự án và tác động cộng hưởng dây chuyền ngay từ giai đoạn đầu, giúp thu hút vốn đầu tư tư nhân cùng tham gia tiếp tục phát triển dự án mà không cần chờ ngân sách Trung ương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo