xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thầy Vũ cầu lông

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hường

Gần 30 năm qua, cựu chiến binh Phạm Văn Vũ đã cần mẫn phát hiện, dạy dỗ để cung cấp những vận động viên cầu lông chất lượng cho quốc gia

18 tuổi, chàng trai Phạm Văn Vũ (ngụ làng Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Mang niềm đam mê môn cầu lông từ bé nên sau khi xuất ngũ về làng, ông nung nấu ý định phổ biến bộ môn thể thao này cho bọn trẻ.

Kiếm từng cây vợt, quả cầu

Ý định là vậy nhưng mãi đến năm 1989, lớp học cầu lông theo kiểu nghiệp dư phong trào mới được mở ngay tại căn nhà đơn sơ của ông Vũ ở làng Cầu Chính. Khi đó, ông chạy đôn chạy đáo nhờ cậy bạn bè và các mối quan hệ để kiếm từng cây vợt, quả cầu cho học trò.

Đứa trẻ nào yêu thích cầu lông và mong muốn rèn luyện sức khỏe cứ việc đến gặp ông Vũ chứ chẳng cần qua tuyển chọn và cũng không mất đồng học phí nào. Ông Vũ tâm sự: "Cầu lông là bộ môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, có thể xã hội hóa nhanh. Lúc đầu, khi mở lớp dạy, tôi chỉ có mục đích vừa để cho vui vừa nâng cao sức khỏe cho thế hệ trẻ ở làng, từ đó phát triển phong trào thể thao tại nông thôn".

Thầy Vũ cầu lông - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Vũ hướng dẫn kỹ năng lên lưới đỡ cầu cho học trò

Nói vậy nhưng bây giờ nhìn lại, ông Vũ vẫn khó quên những khó khăn của ngày đầu mở lớp. Ông đã phải nhờ anh em họ hàng san lấp, nâng nền, lát gạch một khu vườn trước nhà để làm sân tập. Toàn bộ kinh phí đều do ông vay mượn họ hàng, bạn bè chứ lính vừa xuất ngũ thì lấy đâu ra tiền. Tiếng là sân tập nhưng do không có nhà mái che nên những hôm mưa gió hay nắng nóng, bọn trẻ rất vất vả khi phải tập luyện ngoài trời.

Khó khăn chồng chất nhưng cả thầy và những học trò nghèo vẫn không lùi bước. Sau khoảng một năm thì lò luyện tập của ông Vũ dần dần đi vào quy củ. Bọn trẻ gọi ông Vũ là thầy rất tình cảm, trìu mến dù ông chưa qua bất kỳ lớp đào tạo nghiệp vụ thể dục thể thao chính quy nào.

Sau khoảng 5 năm, ông Vũ bắt đầu có tham vọng làm nhiều hơn khi đào tạo nâng cao chuyên sâu để cung cấp các lứa vận động viên (VĐV) năng khiếu cho tỉnh Bắc Giang và quốc gia.

Ông Vũ kể cuối những năm 1990, rất nhiều điểm dạy cầu lông nghiệp dư ở Bắc Giang và các tỉnh lân cận đóng cửa vì hoạt động thiếu quy củ và nguyên nhân quan trọng là không có kinh phí để duy trì. Chỉ có cơ sở của ông là vẫn luôn nhộn nhịp. Không chỉ trong làng Cầu Chính, nhiều phụ huynh ở các huyện khác, rồi từ các tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn… cũng đến đăng ký gửi con em vào đây tập luyện. Do cơ sở vật chất còn hạn chế nên khi ấy, ông chỉ dám tiếp nhận khoảng 30 em từ 7-13 tuổi.

Để dần dần nâng cao nghiệp vụ huấn luyện, ông Vũ sưu tầm và nghiên cứu một số tài liệu cầu lông chính thống của Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… - những cường quốc mới nổi của làng cầu lông thế giới. Tài liệu nghiên cứu của ông gồm đủ loại, từ giáo trình dạy lớp nghiệp dư, phong trào đến tài liệu huấn luyện cho VĐV mới tập cầu lông, đào tạo VĐV cấp cao… Luôn coi trọng mối quan hệ giữa đạo đức và thể thao nên trước khi ra sân tập, ông Vũ thường dạy học trò những bài học về nhân cách, hành vi ứng xử văn hóa.

Đến năm 2009, nhiều phụ huynh vì cảm phục tấm lòng và sự đam mê của ông Vũ đã chung tay xây thêm một cơ sở tập luyện cầu lông mới ở thị trấn Vội, huyện Lạng Giang. Nhờ cơ sở mới khang trang hơn, ông mạnh dạn nhận dạy thêm vài lớp nữa với số học trò lên tới trên 100. Các em được chia ra làm nhiều lứa tuổi với các lớp nhập môn và đào tạo chuyên sâu.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, hiện nay, cơ sở đào tạo cầu lông nghiệp dư của ông Vũ không chỉ quy củ và tốt nhất ở tỉnh này. Nó còn là nơi cung cấp đến 80% tay vợt nhí cho Trung tâm Đào tạo VĐV năng khiếu cầu lông của tỉnh.

Kèm cặp từng đường cầu

Sau một buổi mục sở thị cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục thể chất, dạy cầu lông ở cơ sở, chúng tôi được ông Vũ đưa đi thăm một số gia đình có con em thành danh trong sự nghiệp cầu lông. Ông cho biết nhiều em được phụ huynh đưa đến cơ sở của ông với mong muốn ban đầu là rèn luyện sức khỏe và tránh xa các tệ nạn xã hội. "Vì thế, tôi rất vui vì suốt 28 năm qua, mình mở lò đào tạo và đã có ích cho hàng ngàn đứa trẻ" - ông Vũ phấn khởi.

Thầy Vũ cầu lông - Ảnh 2.

Bộ sưu tập huy chương mà học trò của ông Phạm Văn Vũ giành được

Điều phấn khởi hơn mà ông Vũ ít khi nói đến là rất nhiều tay vợt nữ nổi tiếng cả nước đã trưởng thành từ chính lò đào tạo nghiệp dư này. Đó là Hà Thị Hảo, Hà Thị Thu Thảo, Nguyễn Thu Giang, Nguyễn Thị Hải Yến… của những năm trước hay bộ đôi Vũ Thị Trang - Nguyễn Thị Sen trụ cột của đội tuyển cầu lông nữ Việt Nam hiện nay, đặc biệt là chị em ruột Vũ Thị Hải Yến (SN 1987) - Vũ Thị Trang (SN 1992, vợ tay vợt nổi tiếng Nguyễn Tiến Minh). Những tay vợt này đều được thầy Vũ dìu dắt, kèm cặp từng đường cầu, thế đánh đầu tiên khi chập chững bước vào nghiệp thể thao.

Nói về những chiếc huy chương cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế của các học trò đã thành danh, ông Vũ khiêm tốn: "Các em thành danh, tôi rất mừng. Đó là nghị lực phi thường của các em khi đã vượt qua được những thiếu thốn vật chất để vươn xa trong sự nghiệp". Trong căn nhà của ông Vũ, tôi nhìn thấy thẻ dự SEA Games 2007 ở Thái Lan của cô học trò Vũ Thị Trang, khi đó mới 15 tuổi, được ông trân trọng cất giữ.

Ngoảnh lại thế mà đã gần 30 năm trọn với niềm đam mê, ông Phạm Văn Vũ vẫn âm thầm giản dị, khiêm tốn đúng với phong cách người lính.


Lo thui chột tài năng

Rất đáng tự hào với thành tích huấn luyện nhưng bao năm qua, ông Phạm Văn Vũ vẫn đau đáu nhiều điều. Ông thẳng thắn cho biết nhiều học trò dù đã lên đội tuyển quốc gia như tay vợt Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen nhưng gia đình nhiều khi vẫn phải bỏ tiền túi để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Những khoản thưởng cho mỗi chiếc huy chương hay chế độ đãi ngộ tập luyện thường còn thấp, nhất là ở bộ môn cầu lông. Nếu tình trạng như thế kéo dài thì nỗi lo mất hoặc không đào tạo được những VĐV tài năng cho nước nhà hoàn toàn có thể xảy ra.

Chính vì thế, tâm nguyện của ông Vũ là mong các cơ quan chức năng, các nhà tài trợ chung tay để có thể nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp các em nhỏ có năng khiếu yên tâm tập luyện, thi đấu cho màu cờ sắc áo của quốc gia.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Thầy Vũ cầu lông - Ảnh 5. Thầy Vũ cầu lông - Ảnh 5. Thầy Vũ cầu lông - Ảnh 5. Thầy Vũ cầu lông - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo