Công trình thủy điện Thượng Lộ do Công ty CP Thủy điện Thượng Lộ làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn 2 xã Thượng Lộ và Hương Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ năm 2006, người dân 2 xã này bắt đầu trồng keo, cao su ở khe Tổ Chim và Cha Moong. Ông Hồ Văn Đua (trú thôn Cha Moong, xã Thượng Lộ) cho biết trước đây, người dân đi lại qua những cánh rừng khá đơn giản vì dòng sông Ba Ran khá cạn. Từ khi thủy điện tích nước, sông Ba Ran ngập sâu hơn 15 m, rộng chừng 150 m đã cô lập cả khu vực rừng của họ.
Theo ông Lê Văn Lương, cán bộ địa chính xã Thượng Lộ, chủ đầu tư thủy điện đã đền bù cho người dân hầu hết rừng cao su, keo bị ảnh hưởng. Dù vậy, vẫn còn khoảng 14 hộ dân chưa được đền bù.
Gia đình ông Hồ Văn Đua là một trong những hộ dân có diện tích rừng bị “cô lập” lớn nhất với trên 3 ha ở khu vực khe Tổ Chim. Trong đó, hơn 1 ha cao su gia đình ông Đua bị ngập hơn nửa cây; 2 ha cao su, keo tràm còn lại bị cô lập hoàn toàn. Theo ông Đua, cao su ông trồng ở khe Tổ Chim từ năm 2006, đã cho mủ 2-3 vụ trước. Số diện tích keo tràm cũng đã đến tuổi khai thác.
“Hơn 1 năm nay, tôi không thể vào khe Tổ Chim, giá cao su đã cao hơn nhưng chẳng thể vào khai thác được vì rừng bị ngập, chẳng có thuyền vào” - ông Đua nói.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết công tác đền bù tại khu vực lòng hồ công trình thủy điện Thượng Lộ đã hoàn thành và đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Tuy nhiên, quá trình đo vẽ tại một số khu vực chưa chính xác nên khi tích nước hồ chứa, đất của một số hộ gia đình bị ngập trong khu vực lòng hồ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo UBND huyện Nam Đông làm việc, đôn đốc Công ty CP Thủy điện Thượng Lộ sớm hoàn thiện hồ sơ để kiểm kê, đền bù đất và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình.
Ông Hồ Tăng Phúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông, cho hay UBND huyện Nam Đông đang giao trung tâm, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện làm việc, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để triển khai công tác kiểm kê, đền bù đất và tài sản gắn liền trên đất cho các gia đình bị ngập khi tích nước hồ chứa. Hiện nay, công ty đang phối hợp với đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính và UBND xã Thượng Lộ kiểm tra hiện trường trên cơ sở phản ánh của người dân.
Nhiều hộ dân ở xã Thượng Lộ vẫn rất lo lắng vì họ cho rằng phía chủ đầu tư sẽ đền bù bổ sung phần diện tích rừng bị ngập, trong khi diện tích không ngập sẽ không được đền bù nhưng người dân không thể qua rừng để sản xuất. Vì vậy, người dân đề nghị làm đường hoặc cầu để họ vào được rừng.
Về vấn đề này, ông Trần Kim Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, khẳng định chủ đầu tư đã cam kết hỗ trợ 1,3 tỉ đồng để cùng với huyện làm cáp treo, bè cho người dân vào khu vực bị cô lập.
Bình luận (0)