xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện “lấn” vườn quốc gia

MINH KHANH - XUÂN HOÀNG

Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên sẽ “hiến” gần 300 ha cho thủy điện nhưng theo các nhà chuyên môn, mất mát sẽ không chỉ dừng lại ở đó

Như Báo Người Lao Động ngày 27-6 đã thông tin, theo quy hoạch xây dựng, thủy điện Đồng Nai 6 có diện tích 197 ha (diện tích đất có rừng là 168 ha) và thủy điện Đồng Nai 6A có diện tích 174 ha (diện tích đất có rừng là 160 ha) nằm giữa địa phận 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước sẽ “ăn” vào diện tích Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên 137 ha (thuộc các tiểu khu 421, 422, 497, 504A và 506) và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên 145 ha.
 
img
Khu vực này dự kiến sẽ xây Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 6A. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Chưa đánh giá tác động môi trường

Đến nay, chủ đầu tư dự án - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai - đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm kê đất và tài nguyên rừng để làm cơ sở xin thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, các địa phương đã tổ chức kiểm tra thiết kế và kiểm kê hiện trạng tài nguyên rừng.
 
Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định hiện hành cũng như chưa xác định rõ các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của công trình đến bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng như kế hoạch trồng lại rừng theo quy định.

Thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường làm việc với lãnh đạo 3 địa phương kiểm tra hiện trường khu vực dự kiến xây thủy điện.
 
Theo Bộ NN-PTNT, 2 công trình là kiểu nhà máy sau đập dâng, hồ chứa nước nhỏ (dung tích 15 triệu m3 đối với Đồng Nai 6 và 9 triệu m3 đối với Đồng Nai 6A) nên ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ nguồn.
 
Bên cạnh đó, dù thừa nhận thủy điện sẽ “ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG Cát Tiên  cũng như rừng phòng hộ Nam Cát Tiên” nhưng bộ này vẫn khẳng định “ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu bảo tồn loài tê giác và sinh cảnh Bầu Sấu (do cách hai khu vực này từ 7-25 km)” và “các mục tiêu cơ bản của VQG vẫn được bảo đảm do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài VQG”.
 
img
Bản đồ phân bố các công trình thủy điện đã và đang xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
ẢNH DO VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN CUNG CẤP

Đánh đổi !

Là một người gắn bó với rừng lâu năm, ông Nguyễn Đình Xuân, ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường của Quốc hội, đồng thời là Giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát (Tây Ninh) -  tỏ ra khá lo lắng về số phận của VQG Cát Tiên. 
 
Theo ông Xuân, 137 ha có vẻ không quá lớn với tổng diện tích VQG Cát Tiên. Song việc biến một vùng không ngập nước thành một vùng ngập nước sẽ thay đổi về thủy chế (mực nước và những tác động khác), cho nên  ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong 137 ha đó mà cả hệ thực vật của khu vực VQG Cát Tiên vì nhiều loài không thể thích nghi với sự thay đổi một sớm một chiều, đặc biệt là khu Bầu Sấu vừa được công nhận  là khu Ramsar- vùng đất ngập nước là khu dự trữ sinh quyển của thế giới và khu bảo tồn tê giác chỉ còn vài con.
 
Khoảng cách từ 7- 25 km mà Bộ NN-PTNT đưa ra mới chỉ là khoảng cách địa lý, trong khi để khẳng định có ảnh hưởng hay không cần có nghiên cứu đánh giá thật cụ thể.

Ông Xuân cũng quan ngại về  tính độc lập, khách quan của đánh giá tác động môi trường, bởi lẽ hiện nay chủ đầu tư sẽ đi thuê đơn vị tư vấn thực hiện tác động môi trường.
 
“Khi mọi việc đã được chấp thuận về chủ trương thì tác động môi trường do chủ đầu tư thực hiện dường như chỉ là hình thức. Năng lượng quan trọng nhưng rừng cũng quan trọng không kém, năng lượng có thể khai thác được từ rất nhiều nguồn nhưng VQG Cát Tiên thì chỉ có một. Nên chăng đối với các dự án tính ảnh hưởng quá lớn như 2 thủy điện này, Nhà nước sẽ là người đứng ra chỉ định đơn vị thực hiện tác động môi trường và thành lập hội đồng phản biện, thông qua”- ông Xuân nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam, cho rằng không chỉ hệ sinh thái của VQG và rừng phòng hộ bị ảnh hưởng mà cả lưu vực sông Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn nhất thuộc về vùng phát triển kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nhất là TPHCM.
 
Vì việc chỉ có một dòng chảy tối thiểu xuống hạ lưu có thể khiến cho Đồng Nai trở thành con sông chết, trong khi dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà vẫn chưa có những hành động cải thiện cụ thể, chứ không phải “ít gián đoạn dòng chảy cho hạ nguồn” như nhận định của Bộ NN-PTNT.
 
Ông Hòe cũng cho rằng: “Việc xây dựng 2 thủy điện trên đất VQG là một sự đánh đổi giữa bảo tồn và kinh tế. Bảo tồn để phát triển, kinh tế cũng để phát triển, vì vậy phải lựa chọn hướng phát triển nào mà được phải nhiều hơn mất! Nếu chọn kinh tế thì phải có cách làm cho phù hợp”- ông Hòe nhấn mạnh.

Tác động đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học

Về vấn đề này, ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, khẳng định VQG Cát Tiên đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thủy điện đã và đang khởi công, nhất là ở khu bảo tồn các loài tê giác và khu sinh cảnh Bầu Sấu.
 
Ông Thành cho biết cách đây 5 năm, khi các dự án thủy điện mới bắt đầu được phê duyệt, ông đã có văn bản gửi lên Bộ NN-PTNT phản ứng mạnh. Bộ này có phản hồi là sẽ nghiên cứu để điều chỉnh quy mô các dự án thủy điện nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường nhưng sau đó đã  không có chi tiết sự điều chỉnh cụ thể.

Theo ông Thành, việc xây dựng thủy điện sẽ có nhiều tác động cụ thể đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Ngoài ảnh hưởng cụ thể là mất đến 137 ha đất, rừng, việc xây dựng, khai thác thủy điện còn khiến dòng sông Đồng Nai từ thượng nguồn ít nhiều thay đổi dòng chảy, xói mòn và lượng phù sa sẽ bị giảm mạnh.
 
Bên cạnh đó, cá, chim và một số loại sinh vật cảnh cũng sẽ mất đi môi trường sống. Đó là chưa kể những dự án này sẽ tạo đà cho việc “xâm lấn” của con người vào môi trường tự nhiên ngày càng mạnh hơn và phức tạp hơn.
 
Ông Thành cho biết hiện tại số người dân sinh sống đang lấn dần về phía đất rừng ngày càng nhiều, đó là chưa kể nguy cơ đáng lo ngại lâm tặc chắc chắn sẽ theo dòng sông trước đây vốn hoang dã, hiểm trở giờ được “khai thông” để “hành sự”.
 
Thủy điện bao vây

Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được tách ra từ dự án thủy điện Đồng Nai 6, nằm trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo thiết kế, thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 135 MW, cao trình mực nước dâng bình thường 224 m, mực nước chết 219 m. Thủy điện Đồng Nai 6A có công suất 106 MW, cao trình mực nước dâng bình thường 175 m, mực nước chết 170 m.
Ngoài ra, “bao vây” VQG Cát Tiên còn có dự án thủy điện Đồng Nai 5, Đồng Nai 7, Đồng Nai 8 và thủy điện Đức Thành.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo