xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếp cận khu vực có vật thể nghi là mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay

Tô Hà-Văn Duẩn-Duy Nhân

(NLĐO)- Lúc 22 giờ 30 đêm 9-3, 2 tàu Việt Nam đã tiếp cận khu vực mà thủy phi cơ DHC6 phát hiện vào chiều cùng ngày vật thể sáng màu có hình dạng như mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay tại vị trí cách đảo Thổ Chu (Việt Nam) khoảng 80 km về phía Nam Tây Nam.

 

Toàn cảnh sơ đồ tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, từ điểm mất tín hiệu tới điểm phát hiện vết nghi dầu loang và vật thể lạ màu vàng - Ảnh: Tô Hà
Toàn cảnh sơ đồ tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, từ điểm mất tín hiệu tới điểm phát hiện vết nghi dầu loang và vật thể lạ màu vàng - Ảnh: Tô Hà

 

Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết khoảng 22 giờ tối 9-3, tàu Cảnh sát biển CSB 2003 đã tiếp cận khu vực có vật thể nghi là mảnh ốp ô cửa thoát hiểm của chiếc máy bay tại vị trí cách đảo Thổ Chu (Việt Nam) khoảng 80 km về phía Nam Tây Nam.

Tấm ảnh chụp vật thể trên do lực lượng tìm kiếm trên chiếc thủy phi cơ DHC6 (do Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trực tiếp chỉ huy) chụp vào lúc 17 giờ 30 phút chiều 9-3.

Hình ảnh chụp cho thấy vật thể lạ có hình dạng rất giống ô cửa sổ thoát hiểm của chiếc máy bay. “Đây là thông tin rất quan trọng trong việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích. Việc này sẽ mở ra hy vọng sớm nhất tìm thấy được chiếc máy bay của Malaysia được coi là mất tích trong khu vực vùng biển của nước ta” - Tướng Tuấn nói.

 

Hình ảnh do lực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ DHC6 chụp cho thấy vật thể có hình dáng như mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay
Hình ảnh do lực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ DHC6 chụp cho thấy vật thể có hình dáng như mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay

 

Theo Trung tướng Tuấn, vì trời tối, ngoài ra thủy phi cơ DHC6 không có trang bị hạ cánh ban đêm trên biển nên thủy phi cơ phải quay về sân bay Phú Quốc để sáng mai quay lại sớm và tiếp tục tìm kiếm.

Ngay sau khi thủy phi cơ quay về, lực lượng quân đội đã giao nhiệm vụ cho các tàu hải quân, cảnh sát biển tiến về phía vật thể lạ để tìm kiếm và trục vớt.

“Khoảng 22 giờ tàu cảnh sát biển gần nhất đã tiếp cận vị trí mục tiêu mà thủy cơ phát hiện. Tuy nhiên, khả năng tìm được ngay cũng rất khó do vật thể nhỏ, lại bị sóng biển đánh trôi dạt trong điều kiện trời tối ban đêm” – Tướng Tuấn nhìn nhận.

Lúc 23 giờ 30 phút, đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết tàu kiểm ngư số hiệu KN774 đã tiếp cận khu vực có vật thể lạ nghi là cửa sổ thoát hiểm của máy bay bị rơi vào lúc 22 giờ 30, và tàu cảnh sát biển CSB 2003 cũng đã tiếp cận.

“Tuy nhiên do trời tối, 2 tàu chưa thể tìm thấy được vật thể lạ. Nếu tìm được, sẽ tiến hành phân tích xem vật thể lạ là gì. Nếu là mảnh vỡ của máy bay thì cũng xác định xem đây là mảnh vỡ của loại máy bay gì” - ông Chiến cho hay.

Ông Chiến cho biết thêm ngày 10-3, ngoài lực lượng, phương tiện đã tham gia tìm kiếm trong ngày 9-3, lực lượng quân đội điều động thêm những tàu chuyên dụng để tiếp tục tìm kiếm ở khu vực phía Tây đảo Thổ Chu.

Trước đó, tin lúc 19 giờ từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết lực lượng tìm kiếm của Việt Nam vừa phát hiện vật thể sáng màu trôi trên biển nghi là mảnh vỡ của máy bay cách đảo Thổ Chu (Việt Nam) khoảng 80 km về phía Nam Tây Nam, tại vị trí tọa độ 08o47'32" N - 103o22'26" E.

Phát hiện ra vật thể trên là đội tìm kiếm trên chiếc thủy phi cơ DHC6, số hiệu VNT 777 của Quân chủng Hải quân do 2 phi công gồm Đại úy Vương Đang Nam và Thượng úy Phạm Vũ Tuấn điều khiển, cất cánh từ sân bay Phú Quốc lúc 16 giờ 30 phút chiều 9-3. Chuẩn đô đốc Nguyễn Minh Thành, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, trực tiếp có mặt trên máy bay chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng tìm kiếm đã chụp được ảnh vật thể này, tuy nhiên do trời tối nên ảnh mờ.

Ngay lập tức, Lực lượng tìm kiếm đã thông báo về Sở Chỉ huy. Phía Việt Nam cũng lập tức thông báo tới nhà chức trách Malaysia và Singapore.

Căn cứ vào vị trí tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, Sở Chỉ huy nghi vật thể phát hiện có khả năng cao là mảnh ốp trong của chiếc máy bay Malaysia Airlines bị mất tích.

Hiện chiếc máy bay trong lực lượng tìm kiếm đang trên đường trở về đảo Phú Quốc. Sáng sớm ngày mai 10-3, máy bay sẽ quay trở lại nơi phát hiện vật thể này để xác minh rõ ràng hơn.

 

Vật thể sáng màu nghi là mảnh vỡ máy bay Malaysia mất tích trôi trên biển - Ảnh do lực lượng tìm kiếm trên máy bay DHC6 chụp
Vật thể sáng màu nghi là mảnh vỡ máy bay Malaysia mất tích trôi trên biển - Ảnh do lực lượng tìm kiếm trên máy bay DHC6 chụp

 

Phối hợp phương án tìm kiếm, Sở Chỉ huy cũng đã điện báo khẩn đến Cục Hàng hải Việt Nam để yêu cầu Cục này cử tàu SAR của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải ra vị trí tọa độ nói trên để tiếp cận vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay.

Theo thông báo từ Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, 3 chiếc tàu gồm: tàu KN 774 của hải quân, SAR 413 của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải và CSB 2003 của cảnh sát biển đến khu vực phát hiện vật thể nghi mảnh vỡ máy bay mất tích trong đêm 9-3. Khoảng 22 giờ 30, các tàu này tiếp cận vật thể nghi vấn và lấy về để kiểm tra.

Tin lúc 14 giờ 45 từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết các máy bay tìm kiếm của Singapore đã phát hiện một vật thể màu vàng tại tọa độ 08o21'36" N - 103o13'30" E. Điểm này cách đảo Thổ Chu (Việt Nam) khoảng 100 km về phía Tây Nam.

Ngay sau khi nhận được thông tin này, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã đưa tàu tìm kiếm của Việt Nam khẩn trương tới tiếp cận hiện trường.

Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng Quốc gia - cho biết vị trí của vật thể màu vàng cách đảo Nam Tây Nam của đảo Thổ Chu khoảng 100 km.

Sau khi nhận được thông báo từ phía Singapore, Bộ quốc phòng đã điều thủy phi cơ DHC6 cơ động từ sân bay Cam Ranh (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bay tới sân bay Phú Quốc rồi bay ra tiếp cận khu vực có vật thể lạ vừa phát hiện. Chiếc DHC6 đã cất cánh từ Phú Quốc lúc 15 giờ.

 

Thủy phi cơ DHC6 của hải quân Việt Nam đã cất cánh từ Phú Quốc để xác định vật thể màu vàng ở khu vực tìm máy bay Malaysia mất tích
Thủy phi cơ DHC6 của hải quân Việt Nam đã cất cánh từ Phú Quốc để xác định vật thể màu vàng ở khu vực tìm máy bay Malaysia mất tích

 

Ngoài ra, một máy bay AN26 cũng đã xuất phát lúc 15 giờ 22 phút từ sân bay Tân Sơn Nhất ra khu vực trên.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết vào 17 giờ 15 phút, máy bay của Việt Nam đã tiếp cận được khu vực mà máy bay C-130 của Singapore phát hiện vật thể lạ màu vàng để xác định rõ hơn.

Các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển CSB 2003 cũng đã được lệnh tiếp cận vật thể lạ. “Hiện tàu CSB 2003 cách vị trí phát hiện vật thể lạ khoảng 75 hải lý. Đến 18 giờ tàu tiếp cận được vật thể lạ” - Trung tướng Tuấn cho hay.

Hiện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã liên lạc và chỉ đạo tàu cứu hộ SAR 413 đến ngay vị trí nói trên để xác minh, tìm kiếm. Đồng thời chỉ đạo tàu cảnh sát biển CSB 2003 đang làm nhiệm vụ ngay vị trí đó, tiếp cận ngay vị trí nghi có vật thể lạ.

Trước đó vào 14 giờ, tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam đã diễn ra cuộc họp bàn về các phương án hỗ trợ tìm kiếm máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích.

Sở chỉ huy đã đề cập tình huống có thể tìm thấy máy bay số hiệu MH370 của Malaysia rơi trong Vùng thông báo bay (FIR - vùng thông báo bay do Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) giao các quốc gia quản lý) của Việt Nam.

Khi đó Việt Nam sẽ phải chủ trì công tác điều tra. Cụ thể là thành lập Uỷ ban điều tra tai nạn để điều tra nguyên nhân tai nạn máy bay, do đại diện Bộ Giao thông Vận tải làm chủ tịch. Trong trường hợp này, mọi mảnh vỡ máy bay, thi thể... đều phải chuyển về Phú Quốc là Căn cứ tiền phương để phục vụ điều tra.

Sở dĩ sáng 9-3 Bộ Giao thông Vận tải chọn Phú Quốc làm căn cứ vì tại đây có sân bay quốc tế đủ khả năng đón các phương tiện quốc tế cùng vào hỗ trợ. Bên cạnh đó còn có đủ phòng khách sạn để lo chỗ ăn ở cho thân nhân hành khách đi trên chuyến bay số hiệu MH370 (dự kiến có thể lên đến 800 người) cũng như quan chức của các quốc gia liên quan.

Thành phần tham gia Uỷ ban điều tra tai nạn sẽ gồm các quốc gia đăng ký, khai thác, chế tạo, thiết kế chiếc  Boeing777-200 ER và quốc gia có hành khách đi trên chuyến bay đó. Việt Nam là quốc gia có quyền mời các bên liên quan.

Công tác bảo vệ hiện trường, thu thập mảnh vỡ cũng do Uỷ ban điều tra tai nạn Việt Nam chủ trì.

Việt Nam hiện chưa có năng lực có thể tìm kiếm hộp đen máy bay, nên phải huy động lực lượng quốc tế. Trường hợp hộp đen rơi xuống biển, Việt Nam hiện cũng chưa có đủ năng lực trục vớt. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã có năng lực giải mã hộp đen và ghi âm buồng lái.

Trong khi đó, tin từ Trung tâm chỉ huy điều hành, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 13 giờ ngày 9-3 đã có 17 máy bay, 35 tàu của Việt Nam và các nước liên quan (Malaysia, Singapore, Philippines và Trung Quốc) đã và đang trên đường đến khu vực được cho là chiếc máy bay Boeing 777-200 ER của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích để tìm kiếm.

 

Máy bay trực thăng MI-17 của Việt Nam trước lúc cất cánh trức 9-3 đi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Máy bay trực thăng MI-17 của Việt Nam trước lúc cất cánh trưa 9-3 đi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

 

Vào lúc 12 giờ 10 phút, 2 chiếc trực thăng MI-17 102 và MI-17 104 của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917, Sư đoàn 370) đã cất cánh tham gia công tác tìm kiếm máy bay của Malaysia nghi bị rơi tại 2 điểm cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia.

Ngoài Việt Nam, Malaysia đã điều 6 máy bay và 6 tàu để tìm kiếm, trong đó  có 1 máy bay tầm thấp, 5 máy bay trực thăng, 4 tàu Quân sự và 2 tàu Cảnh sát biển.

Mỹ cũng điều 1 máy bay săn ngầm P-3C Orion sẽ đến khu vực tìm kiếm vào trưa 9-3 và 2 tàu Tìm kiếm cứu nạn KCN (trên mỗi tàu có 2 trực thăng), trong đó có 1 tàu đến từ Nhật Bản, có thiết bị tìm hộp đen trên máy bay.

Được biết, chiếc P-3C Orion có khả năng phát hiện kim loại dưới biển (trong trường hợp máy bay gặp nạn bị vỡ). Hành trình tìm kiếm của chiếc P-3C Orion sẽ bay dọc 2 bên đường R-208, là đường bay của chiếc máy bay số hiệu MH370 bay từ khi cất cánh khỏi sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) cho tới lúc mất tín hiệu và mất tích.

 

Máy bay săn ngầm PC-3 Orion của hải quân Mỹ tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
Máy bay săn ngầm PC-3 Orion của hải quân Mỹ tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

 

img

Máy bay P-3C Orion của Mỹ bay tìm kiếm dọc theo đường bay R-280 của chiếc máy bay số hiệu MH370 từ khi cất cánh tại sân bay Kuala Lumpur cho tới khi mất tín hiệu

 

Trung Quốc cũng sẽ đưa 2 máy bay, 14 tàu để tìm kiếm, trong đó 10 tàu Hải tuần; 3 tàu Nam Hải Cứu 101, 115, 198; 1 tàu Cảnh sát biển 3411; 2 máy bay cứu hộ. Dự kiến trong ngày 9-3, 2 tàu Nam Hải Cứu và 1 tàu Cảnh sát biển đến hiện trường.

Philippines điều 1 máy bay trinh sát và 3 tàu tuần tra. Singapore điều 2 máy bay C130, 3 tàu (2 tàu cứu nạn, 1 tàu hỗ trợ) để tìm kiếm.

Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết toàn bộ máy bay tiến hành tìm kiếm trong FIR của Việt Nam sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam do ông Đỗ Quốc Việt làm Tổng giám đốc.

Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho tới 14 giờ 9-3, tất cả các lực lượng tìm kiếm của Việt Nam và nước ngoài chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào liên quan tới chiếc máy bay Boeing 777-200 ER bị mất tích. Hiện cũng chưa có cơ sở để khẳng định vệt nghi dầu loang là do máy bay rơi xuống tạo ra hay do tàu cá vốn hoạt động rất đông đúc ở khu vực biển này để lại.

Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, cho biết công tác tìm kiếm, cứu nạn của các đơn vị gồm: tàu của Hải quân vùng 5, cảnh sát biển vùng 4 và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện dấu vết nào nghi vấn máy bay Malaysia gặp nạn.

Hiện 5 tàu của Hải quân Vùng 5 đã sẵn sàng chờ lệnh đi làm nhiệm vụ cứu nạn. Được biết, trên tất cả các tàu này đều đã được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, lương thực thực phẩm... để làm nhiệm vụ dài ngày trên biển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo