xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM không thể phát triển một mình

Bài và ảnh: Phan Anh

Cùng với tầm nhìn xa, TP HCM phải nhìn gần và có đề xuất hết sức cụ thể, thiết thực để triển khai được ngay

Chiều 9-3, UBND TP HCM phối hợp với các đơn vị đã tổ chức hội thảo “Các vấn đề phát triển TP HCM: Cơ chế, chính sách đột phá”. Hội thảo phục vụ cho việc xây dựng đề án “Cơ chế chính sách đột phá để TP HCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị”.

Phải liên kết vùng

Mở đầu hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 đã định hướng, mở không gian và tạo điều kiện để TP có bứt phá phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, tư tưởng nói trên của nghị quyết chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của TP.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng khó khăn lớn nhất là những ràng buộc khắt khe về thể chế từ trung ương, đặc biệt là các thể chế có tính bứt phá. Theo ông, TP chỉ có thể đột phá nếu trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và TP thiết lập được cơ chế hợp tác cũng như liên kết vùng hiệu quả. “Do đó, bài toán không giải được nếu chỉ giới hạn trong TP mà phải nhìn rộng ra liên kết vùng. TP phải trở thành TP dịch vụ tốt, nhất là dịch vụ cao cấp. Từ đó tận dụng được “2 sải cánh” Đông và Tây Nam Bộ để phát triển. TP phải trở thành nhạc trưởng để kết nối nông nghiệp Tây Nam Bộ và công nghiệp Đông Nam Bộ” - ông Tự Anh nói.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng (thứ 2 từ trái sang) trao đổi cùng các đại biểu tại buổi hội thảo chiều 9-3
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng (thứ 2 từ trái sang) trao đổi cùng các đại biểu tại buổi hội thảo chiều 9-3

Trong khi đó, TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, lưu ý TP HCM không chỉ là TP lớn mà còn là một siêu đô thị. Một siêu đô thị với hơn 10 triệu người thì hệ thống quản lý không thể vận hành theo cấu trúc và thể chế tuy có điều chỉnh, hoàn thiện nhưng về cơ bản vẫn như cũ. “Thể chế quản lý một siêu đô thị như TP mà vẫn theo nguyên lý và luật pháp giống như một tỉnh miền núi, vùng nông thôn với quy mô dân số nhỏ hơn hàng trăm lần là không được. Đẳng cấp quản lý phải hoàn toàn khác” - ông Tuấn Anh nhìn nhận. Ông cho rằng phải cải cách TP theo hướng quản lý của một siêu đô thị. Với tư cách là một siêu đô thị thì TP HCM hoàn toàn có thể đột phá, phát triển mạnh mẽ. PGS-TS Võ Trí Hảo, Trường ĐH Kinh tế TP, cũng đề xuất TP nên xin trung ương cho thí điểm đặc khu kinh tế Nam Sài Gòn, xin thay đổi từ cơ chế “khoán biên chế” sang cơ chế “khoán quỹ lương” theo số lượng hồ sơ giải quyết được; nhập các quận, giãn dân bằng việc đưa ra phí dịch vụ công tương ứng với ba khu vực nội thành, đang đô thị hóa, đô thị hóa ít… để phát triển TP thành trung tâm dịch vụ và khoa học - công nghệ.

Cốt lõi là thí điểm

Không chỉ cần bứt phá về thể chế, nhiều đại biểu cho rằng TP còn cần thay đổi về chất, cụ thể là yếu tố con người. Theo TS Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cư dân thông minh, năng động và có đẳng cấp thì sẽ thay đổi được mọi vấn đề. “TP đông dân nhưng nhìn một cách tổng quát và so với các TP khác thì chất lượng dân số của chúng ta ở mức trung bình. Một cảm nhận là TP đông nhưng không mạnh, chưa phải là TP tri thức, chưa phải là TP có đẳng cấp” - ông Hòa nhìn nhận và cho rằng chất lượng dân số thấp thì không thể phát triển nhanh và bền vững được. Về đội ngũ cán bộ công chức, ông Hòa đánh giá là không giỏi, thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, TP HCM thiếu những nhóm tham mưu giỏi, chuyên sâu cho lãnh đạo; ít đội ngũ doanh nhân có tầm quốc tế. Đồng thời, thiếu đội ngũ công nhân công nghiệp hiện đại, gọi là “cổ cồn xanh” theo đúng nghĩa mà chỉ là những lao động phổ thông. Từ phân tích đó, ông Hòa cho rằng TP cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số để làm tiền đề cho sự bứt phá nhanh.

Theo Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng, mục đích tổ chức hội thảo là tìm ra cơ chế phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của TP để hoàn thiện đề án, từ đó đưa TP phát triển nhanh, bền vững. “Chúng ta xây dựng đề án trong bối cảnh đất nước đang tái cơ cấu mạnh mẽ và sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Do đó, đề án phải nằm trong tổng thể liên kết vùng. TP HCM không thể phát triển một mình” - ông Thăng nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy tâm sự: “Mọi người hay ví dụ Bắc Cạn thu ngân sách 500 tỉ đồng, trong khi TP HCM một ngày thu khoảng 1.000 tỉ đồng. Nhưng chúng ta phải hiểu Bắc Cạn phần lớn là rừng. Mỗi địa phương có một đặc điểm riêng. Nếu so sánh như vậy thì ai giữ rừng, giữ biển cho ta. Mỗi địa phương có nhiệm vụ riêng và nhiệm vụ đó không thể nói bằng tiền. Nghị quyết 16 đã nói rõ TP HCM vì cả nước, cùng cả nước. Xây dựng cơ chế cho TP HCM là cho cả nước”.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh TP HCM phải tận dụng hết những gì Bộ Chính trị cho phép theo Nghị quyết 16 để thực hiện. Đó là được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TP đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp. Do đó, đề án phải bám sát Nghị quyết 16, những gì vượt Nghị quyết 16 là không được. Mà cốt lõi của Nghị quyết 16 là cho thí điểm. “Nghị quyết 16 ra đời 5 năm rồi nhưng TP HCM chưa làm được gì. Chúng ta nhìn xa mãi thì bao giờ thực hiện được; cùng với tầm nhìn xa phải nhìn gần, phải có đề xuất hết sức cụ thể, thiết thực để triển khai được ngay” - Bí thư Thành ủy nói.

Kiên trì mô hình chính quyền đô thị

Theo TS Trần Du Lịch, TP HCM từ lúc phát triển, nhìn thì rất xa nhưng làm không tới. “TP nhìn theo quan điểm phát triển vùng, phát triển đa trung tâm chứ không hướng tâm. TP xác định các nhóm ngành giá trị gia tăng cao... Tuy nhiên, tất cả đều chưa làm được. Những đột phá từ lớn tới nhỏ, Bộ Chính trị đã mở ra nhưng thể chế chung và kể cả chủ quan trong quản lý khiến cho những vấn đề thí điểm trở nên khó khăn” - TS Trần Du Lịch nói và đề xuất phải kiên trì mô hình chính quyền đô thị, mà lớn nhất là cơ chế phân quyền phân cấp giữa trung ương và địa phương. Chính quyền 4 cấp chồng lấn chức năng như hiện nay thì không thể phát triển được. Từ đề xuất của TS Trần Du Lịch, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt vấn đề: “Vì sao đề xuất mô hình chính quyền đô thị lên trung ương bị thất bại? Chúng ta phải nghiên cứu vấn đề này. Có thể cách nói khác đi nhưng vẫn giữ được hồn của mô hình”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo