xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trả giá vì thủy điện

TÔ HÀ

Sự cố mới nhất từ thủy điện Đắk Mek 3 cùng những vấn đề nảy sinh từ các dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A và Sông Tranh 2 đã cho thấy chúng ta mất nhiều hơn được khi cho phép khai thác triệt để nguồn thủy năng

Tiềm năng thủy điện của Việt Nam tập trung ở 10 hệ thống lưu vực trải dài như sông Đà, sông Lô, sông Gâm cho đến sông Sê San, sông Đồng Nai. Theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương, mạng lưới sông ngòi nước ta gồm 2.360 sông suối. Tổng tiềm năng thủy điện có công suất lắp máy khoảng 300 tỉ KWh, tiềm năng kinh tế kỹ thuật khoảng 100 tỉ KWh.

img
Đập thủy điện Đắk Mek 3 (huyện Đắk Glei - Kon Tum) thi công sai so với thiết kế,
bị vỡ nát chỉ sau một cú tông của xe ben hôm 22-11. Ảnh: NGUYỄN ĐẮC VINH
 

Ồ ạt khai thác

Nước ta đã tập trung khai thác triệt để nguồn năng lượng này. Từ mức công suất trên 1.100 MW vào năm 1990, đến năm 2004, công suất của cả hệ thống điện đã tăng lên 4.100 MW nhờ có một số nhà máy thủy điện lớn hòa lưới như Hòa Bình (1.920 MW), Hàm Thuận - Đa Mi (300+175 MW), Yaly (720 MW)… Từ năm 2007-2010, đã có thêm 23 nhà máy thủy điện mới được bổ sung với tổng công suất tăng thêm khoảng 4.000 MW.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.100 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất lắp đặt gần 26.000 MW, trong đó có 107 dự án thủy điện vừa và lớn, khoảng 990 dự án vừa và nhỏ với tổng công suất khoảng 7.500 MW. Gần 200 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất gần 12.000 MW.
Các dự án thủy điện nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư ồ ạt bung ra trong những năm gần đây do có cơ chế khuyến khích đầu tư của Tổng sơ đồ Điện VI nhằm nhanh chóng tăng cường nguồn điện mới để chống thiếu điện. Hơn nữa, đây là nguồn điện rẻ.

Thừa nhà máy, thiếu sản lượng

Đáng lưu ý là có hàng trăm dự án thủy điện quy mô nhỏ dưới 3 MW đã được đưa vào quy hoạch nhưng đến nay chưa có chủ đầu tư. Nhiều dự án đã phát điện lại không được đấu nối vào lưới để cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.
Đến ngày 1-7-2012, khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy thủy điện nhỏ cũng bị gạt ra ngoài do điều kiện thị trường chỉ cho phép các dự án có công suất trên 30 MW trở lên tham gia. Sản lượng nhỏ, không có hiệu quả trong khi lại tác động xấu đến môi trường sinh thái, xâm phạm diện tích rừng nên vừa qua, Bộ Công Thương đã rà soát, loại bỏ 331 dự án.

Việc ồ ạt đầu tư thủy điện đã khiến công suất nguồn thủy điện luôn chiếm tỉ trọng rất cao. Giai đoạn năm 1991-1997, thủy điện chiếm 64%-72% tỉ trọng toàn ngành và đạt đỉnh cao nhất hơn 72% vào năm 1994-1995. Những năm sau, tỉ trọng này giảm dần nhưng ngay cả khi xuống thấp nhất, thủy điện cũng chiếm tới 36% tổng sản lượng điện cả nước (năm 2007) và đến năm 2010 lại tăng lên gần 40%.

Có một nghịch lý là vào mùa khô, Việt Nam thừa nhà máy điện nhưng lại thiếu sản lượng. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2010, cả nước có thêm 1.500 MW nguồn thủy điện mới nhưng tổng sản lượng điện vẫn hụt 2 tỉ KWh vì không có nước để phát điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang từ điều hành hệ thống điện theo tháng phải chuyển sang điều hành theo tuần, thậm chí là theo ngày, tùy vào mực nước trong các hồ thủy điện.

img

Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam bất an vì những sự cố từ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Thảm họa

Sau thời gian phát triển ồ ạt, đến nay, Việt Nam đang phải đối phó với những hậu quả không nhỏ do thủy điện đem lại và đặt ra bài toán được - mất từ góc độ môi trường.

PGS-TS Lê Khắc Bình, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng sai lầm lớn về mặt chủ trương và quản lý các công trình thủy điện ở nước ta là đa số thủy điện vừa và nhỏ đều không bố trí nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ lưu.
Trên các sông suối nhỏ ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, các dự án thường xây dựng công trình kiểu đường dẫn, tức sử dụng đường ống áp lực hoặc đường hầm dẫn nước từ trên cao cắt tắt qua một đoạn sông để chuyển đến một vị trí khác (không bố trí nhà máy phát điện ngay trong thân đập trên lòng sông) ở thấp hơn để tạo đầu nước lớn phát điện. Như thế không khác gì cắt nhỏ dòng sông.
Việc quản lý vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập đã gây ra thảm họa cho vùng hạ du. Năm 2009, hàng loạt địa phương phải gánh chịu thiên tai lớn do tác động từ vận hành công trình thủy điện không đúng quy trình.
Cụ thể là vùng hạ lưu sông Hương, sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) đã bị lũ lên quá nhanh, gia tăng mức độ ngập lụt do sự cố vận hành cửa van công trình thủy điện Bình Điền; vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam và Đà Nẵng) bị ngập do xả nước từ công trình thủy điện A Vương; vùng hạ lưu Sông Ba (Phú Yên) ngập lụt do vận hành xả lũ của công trình thủy điện sông Ba Hạ.
Trong trận lũ lụt lịch sử của Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng có sự tác động từ sự cố công trình thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ. Bên cạnh đó, không ít đập thủy điện đã bị vỡ do không bảo đảm phương án chống lũ cần thiết, không bảo đảm an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng cho hạ du như trường hợp vỡ đập Cửa Đạt năm 2007 khi đang thi công, vỡ đập Khe Mơ năm 2010 trong lúc sửa chữa, vỡ đập Thầu Dầu năm 2008…
Đa số hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ do tư nhân làm chỉ chú ý đến lợi ích phát điện, khi xây dựng kéo theo phá luôn rừng và những thiệt hại này chưa thể tính toán hết được. Ước tính diện tích mất đất rừng thực tế do xây dựng thủy điện ở Việt Nam trung bình là 27 ha/MW.
Năm 2010, tổng công suất lắp máy là 10.211 MW thì diện tích rừng bị mất là 275.697 ha. Ước tính tổng công suất lắp máy năm 2015 là 19.874 MW thì sẽ mất 536.598 ha rừng và năm 2020 mất khoảng 651.996 ha rừng do tổng công suất lắp máy tăng lên 24.148 MW.

ÔNG NGUYỄN NGỌC QUANG, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH QUẢNG NAM:

Mất nhiều hơn được

Trong thực tế làm thủy điện, địa phương đã mất nhiều hơn là được. Những hệ lụy do thủy điện gây ra quá lớn. Nhiều dự án, chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra, thậm chí không triển khai xây dựng, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Các thủy điện cũng làm mất rừng, mất cân bằng sinh thái, thiếu nước sản xuất trong mùa hạn... Riêng các thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Đắk Mi 4C, Sông Bung 4, A Vương đã khiến hơn 3.500 hộ bị ảnh hưởng. Dân tái định cư mất đất sản xuất, có nguy cơ trở thành hộ nghèo.

Trước tình hình đó, vừa qua, Quảng Nam đã thống nhất dừng triển khai, loại bỏ 19 dự án thủy điện trên toàn tỉnh.

 

ÔNG HỒ VĂN TIẾN, CHÁNH VĂN PHÒNG KIÊM NGƯỜI PHÁT NGÔN CỦA UBND TỈNH PHÚ YÊN:

Gây ngập nặng và khô hạn

Việc phối hợp vận hành liên hồ thủy điện trên sông Ba để xả lũ trong mùa mưa và điều tiết nước vào mùa cạn còn nhiều bất cập. Người dân Phú Yên chưa thể quên đợt lũ năm 2009, thủy điện xả lũ khiến cả hạ du sông Ba bị ngập trắng. Còn trong mùa cạn, khi các thủy điện trên sông Ba tích nước thì hạ du lại khô hạn. Hiện chưa vào vụ đông xuân nhưng hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xuống mực nước chết. Khả năng khô hạn trong vụ đông xuân này là rất cao. Đó là chưa kể thủy điện An Khê - Ka Nak lấy nước sông Ba nhưng lại trả nước về sông Côn (Bình Định) càng gây thêm tình trạng thiếu nước hạ du sông Ba vào mùa cạn, còn mùa mưa lại xả lũ xuống sông Ba gây thêm áp lực lũ cho hạ du.

Hiện tại, đã có quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ. Tuy nhiên, ai sẽ giám sát việc vận hành liên hồ này? Tỉnh Phú Yên đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành liên quan cần thiết thành lập ban chỉ đạo vận hành liên hồ chứa nước trên sông Ba, trong đó có sự tham gia của chính quyền địa phương các tỉnh như Phú Yên, Gia Lai để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ. Dù vậy, đến nay, ban chỉ đạo này vẫn chưa được thành lập. Chúng tôi sẽ kiên trì theo đuổi ý tưởng này.

 

ÔNG VÕ VĂN CHÁNH, PHÓ GIÁM ĐỐC
SỞ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI:

Hệ lụy khó lường

Việc có quá nhiều thủy điện trên sông Đồng Nai làm biến đổi hình thái của sông, trái với quy luật tự nhiên, gây nhiều hệ lụy khó lường như xói mòn, sạt lở, lũ quét. Bên cạnh đó, những thủy điện dày đặc, san sát nhau đã làm thay đổi dòng chảy, có khi làm biến dạng hoàn toàn hình hài dòng sông, khiến lượng nước từ thượng nguồn về vùng hạ lưu trong mùa khô ít; ngược lại, mùa mưa lũ lụt sẽ tăng thật khó lường. Chất lượng nước sông cũng sẽ giảm nghiêm trọng, ô nhiễm tăng cao, đồng thời quá trình nhập mặn của nước biển sẽ càng sâu hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của cả vùng hạ lưu rộng lớn.

Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành lập quy hoạch phát triển thủy điện trên sông Đồng Nai theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước và xem xét quyết định đầu tư các dự án phù hợp để phát triển bền vững.
H.Dũng - H.Ánh - X.Hoàng ghi
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo