xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trần ai đóng phạt giao thông

Sỹ Đông - Minh Sơn - Văn Duẩn

Thủ tục đóng phạt vi phạm an toàn giao thông hiện nay khiến người vi phạm tốn nhiều thời gian đi lại mà chưa chắc được việc

Sáng 24-11, khoảng 10 người ngồi trước quầy xử lý vi phạm hành chính  của Đội CSGT Công an quận Thủ Đức, TP HCM để làm thủ tục đóng phạt vi phạm an toàn giao thông (ATGT).

Quá phiền phức

Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân KCX Linh Trung (TP HCM), cho biết phải xin công ty nghỉ buổi sáng để đi đóng phạt với lỗi không bật đèn xi nhan trong  lúc điều khiển xe gắn máy. Chín giờ, chị nộp biên bản rồi chờ, 15 phút sau được gọi tên lấy phiếu. Sau đó, chị đi tìm Kho bạc Nhà nước quận Thủ Đức để đóng phạt. Luống cuống vì không biết đường, chị dò hỏi rồi lòng vòng thêm 20 phút nữa mới tới nơi. Tại đây, chị để giấy đóng phạt vào rổ và ngồi chờ đến lượt. Cầm được tờ giấy đóng phạt khi gần 10 giờ, chị tất tả chạy ngược lại Đội CSGT Công an quận Thủ Đức và tiếp tục chờ để làm thủ tục nhận lại giấy tờ xe. Như vậy, chị mất gần 2 giờ để làm thủ tục đóng phạt, chưa kể thời gian từ nhà đến trụ sở công an. “Thủ tục đóng phạt quá nhiêu khê, mất nhiều thời gian, đi qua nhiều nơi mới xong việc” - chị Mai than.

 

Người vi phạm làm thủ tục đóng phạt vi phạm giao thông ở Đội CSGT Công an quận Thủ Đức, TP HCM Ảnh: SỸ ĐÔNG
Người vi phạm làm thủ tục đóng phạt vi phạm giao thông ở Đội CSGT Công an quận Thủ Đức, TP HCM Ảnh: SỸ ĐÔNG

 

Chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Nam đến Đội CSGT Công an quận Tân Bình, TP HCM làm thủ tục đóng phạt cho em trai nhưng đành quay về vì không có giấy ủy quyền (có công chứng). Anh Nam cho biết em trai được hẹn làm thủ tục đóng phạt từ tháng 4 nhưng do chuyển về tỉnh Đắk Lắk làm việc nên chưa kịp đóng phạt và nhờ anh đóng thay. Tuy nhiên, cán bộ thụ lý cho biết anh phải làm thủ tục được ủy quyền hoặc em trai phải trực tiếp đóng phạt. “Nếu em tôi trực tiếp đóng phạt thì tốn tiền xe khoảng 400.000 đồng và 2 ngày mới có thể lấy được giấy tờ xe. Rất tốn thời gian và tiền bạc bởi thủ tục rườm rà” - anh Nam nói.

Sáng cùng ngày, anh Lê Quốc Bảo - ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - đến Đội CSGT Công an quận Thủ Đức đóng phạt vì lỗi điều khiển xe máy nhưng không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe nên bị giam xe. Anh cho biết bị trộm lấy hết giấy tờ tùy thân, cả bằng lái xe trước khi bị phạt. Hiện anh đã nộp hồ sơ gốc làm lại bằng lái xe ở Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai và được hẹn lấy bằng lái xe vào tháng 1-2016. Anh đưa phiếu hẹn nhận bằng lái xe cho cán bộ thụ lý và giải thích đang làm lại bằng lái nhưng vẫn không được “du di”. Cán bộ thụ lý hẹn anh ngày 26-11 quay lại làm thủ tục nộp phạt. Đi cùng anh Bảo là người mẹ ở tỉnh Đồng Nai đành phải quay về.

Anh Lê Xuân Hữu - ngụ quận Tân Phú, TP HCM - đến Công an quận Tân Bình đóng phạt theo lịch hẹn nhưng vẫn không thể đóng được trong ngày và được hẹn đóng vào ngày 25-11. Đúng hẹn, anh đến thì lại được hẹn tiếp vào ngày 27-11. “Thà hẹn tôi một ngày để làm toàn bộ thủ tục và nhận xe cho đỡ tốn thời gian. Hẹn thêm một ngày nữa làm tôi phải xin nghỉ làm thêm một buổi” - anh Hữu phản ánh.

Ở xa càng... khổ

Ở tỉnh Tiền Giang, sáng 24-11, tại Đội Xử lý vi phạm trật tự ATGT của Phòng CSGT tỉnh Tiền Giang có 4 cán bộ làm nhiệm vụ. Theo quy trình, người vi phạm đến đưa biên bản, cán bộ xử lý tìm quyết định xử phạt giao cho người vi phạm để đến kho bạc nộp phạt. Đoạn đường từ Đội Xử lý vi phạm trật tự ATGT đến Kho bạc Nhà nước TP Mỹ Tho chỉ hơn 2 km nhưng anh H. (ngụ tỉnh Trà Vinh) phải dừng xe hỏi mấy lần mới đến nơi. Xong thủ tục nộp phạt, anh quay về Đội Xử lý vi phạm trật tự ATGT để lấy lại giấy tờ xe, tổng cộng mất gần 2 giờ.

Anh H. than thở: “Nếu có sẵn bộ phận thu tiền đóng phạt tại đây thì người vi phạm không mất nhiều thời gian. Chưa nói là tôi không phải người địa phương nên tìm đến kho bạc nộp phạt quá vất vả”.

Trường hợp anh A., ngụ TP HCM, còn vất vả hơn vì đến Đội Xử lý vi phạm trật tự ATGT Tiền Giang bằng xe ôm. Cả người lái xe ôm và anh đều không biết đường nên sau khi lấy quyết định xử phạt, anh phải “nhờ” một người chạy xe ôm khác trước cổng Đội Xử lý vi phạm trật tự ATGT. Anh cho biết: “Thấy mình lạ, người chạy xe ôm nói đến kho bạc xa lắm nên tôi đồng ý đi với giá 50.000 đồng. Ông xe ôm chạy lòng vòng mãi mới đến kho bạc. Nộp phạt xong quay trở lại nơi xử lý thì hết giờ làm việc, vậy là phải chờ đến chiều mới xong”.

Trường hợp người ở TP HCM nhưng phạm lỗi khi điều khiển xe lưu thông trên địa bàn các tỉnh thì thủ tục đóng phạt có khi mất nhiều ngày hoặc nhiều tháng. Anh Phan Trọng Dũng - ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM - cho biết bị xử phạt vì lỗi lấn tuyến ở huyện Long Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị tạm giữ giấy tờ xe nên nửa tháng sau, anh phải đi xe máy về huyện này để làm thủ tục đóng phạt. “Nếu được đóng phạt qua bưu điện hoặc ngân hàng thì người dân đỡ mất thời gian hơn nhiều” - anh Dũng đề nghị.

Nộp qua tài khoản: Sao không?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, vừa có công điện gửi các bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội và TP HCM triển khai các biện pháp để giảm ùn tắc giao thông, trong đó có việc yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, ban hành quy định về thủ tục thu, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua tài khoản ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục thu, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định người vi phạm ATGT có thể nộp phạt vào tài khoản kho bạc nhưng hiện thủ tục hướng dẫn chưa rõ ràng.

Còn theo quy định hiện hành tại điều 3 của Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31-10-2013 của Bộ Tài chính quy định đối với hình thức nộp phạt bằng tiền mặt trực tiếp tại kho bạc thì thời điểm xác định người nộp phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền là thời điểm kho bạc xác nhận trên chứng từ thu tiền mặt, với trường hợp nộp bằng hình thức chuyển khoản thì thời điểm xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt là thời điểm kho bạc xác nhận trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách bằng chuyển khoản.

Với quy định này, theo ông Hùng, rõ ràng người vi phạm phải mất nhiều lần đi lại, rất nhiều thủ tục phát sinh.

“Cần giảm bớt thời gian đi lại, đặc biệt là với người vi phạm mà hành vi vi phạm xảy ra ở địa bàn mà nơi họ không sinh sống” - ông Hùng nói và cho biết hiện số người có tài khoản ngân hàng và khả năng để triển khai nộp phạt qua ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được về mặt công nghệ và hạ tầng. Điều cần thiết là việc kết nối giữa cơ quan nhận nộp phạt và cơ quan ban hành quyết định xử phạt. Ngoài ra, phải có những hướng dẫn rất cụ thể về quy trình thực hiện.

 

Sẽ giảm áp lực nếu...

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết trước đây, thấy người dân khi nộp phạt vi phạm ATGT phải vất vả đi tìm kho bạc nên Phòng CSGT có bố trí một phòng làm việc cho cán bộ kho bạc ngay cạnh bộ phận xử lý phạt nhưng mới đây, không rõ lý do gì mà kho bạc rút cán bộ thu tiền vi phạm. Nếu kho bạc vẫn bố trí cán bộ như trước thì sẽ thuận tiện hơn cho người dân.

Còn theo một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, việc nộp phạt qua tài khoản không chỉ giúp người vi phạm ATGT bớt thời gian đi lại mà còn giảm áp lực số người đến nộp phạt lúc quá nhiều, lúc thì vắng.

 

Cân nhắc nhiều vấn đề

Đội trưởng đội CSGT một quận ở TP HCM cho biết theo quy trình hiện nay, người vi phạm ATGT nộp biên bản cho đội CSGT rồi nhận giấy đóng phạt để qua kho bạc nộp phạt, sau đó lấy giấy nộp phạt quay về đội làm thủ tục nhận lại giấy tờ xe hoặc phương tiện (nếu bị giam xe). Quy định bắt buộc người vi phạm phải trực tiếp làm thủ tục, nếu không đi được thì phải có giấy ủy quyền cho người khác. Về dự thảo quy định nộp phạt qua ngân hàng, vị đội trưởng này cho rằng cần cân nhắc nhiều vấn đề như ai là người ký nhận tài sản là giấy tờ và phương tiện. Quy định hiện hành yêu cầu chính chủ phải ký nhận để tránh tình trạng một người bất kỳ nhặt được biên bản vi phạm đến làm thủ tục đóng phạt rồi nhận phương tiện của chủ xe gây thất thoát tài sản. Bên cạnh đó, nếu nộp phạt qua ngân hàng thì phương tiện bị giam giữ sẽ được trả lại như thế nào, vận chuyển ra sao cho thuận tiện và bảo đảm đúng chủ phương tiện.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo