xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Treo đời trên vách đá

Bài và ảnh: ĐỨC NGỌC

Hằng ngày leo lên vách núi dựng đứng cao 30-50 m, đu dây khoan đá để đặt mìn, hàng trăm người phó mặc tính mạng cho sự may rủi nhưng vì kế mưu sinh, họ vẫn liều mình bất chấp

Những ngày đầu tháng 10-2014, chúng tôi đến khu vực công trường khai thác đá xây dựng quanh núi Hồng Lĩnh - thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đoạn đường dài khoảng 7 km dọc chân núi Hồng Lĩnh có tới vài chục mỏ khai thác đá lớn nhỏ đang rầm rộ hoạt động. Tiếng máy xay đá, máy khoan gầm rú inh tai, khói bụi phủ mù trời.

Nhắm mắt liều mạng

Từ Quốc lộ 1, đi theo con đường đất dài khoảng 300 m, chúng tôi ghé vào một mỏ đá thuộc HTX Minh Tân ở khối 8, phường Đậu Liêu. Một nhóm thợ đang treo mình trên vách núi dựng đứng, khoan đá để nhồi mìn.

Leo lên vách núi dựng đứng để khoan lỗ...
Leo lên vách núi dựng đứng để khoan lỗ...

Từ dưới mặt đất nhìn lên vách núi cao khoảng 30-50 m, bóng người thợ khoan chỉ còn là chấm nhỏ như hạt đậu lẫn giữa những tảng đá lớn. Nếu không có tiếng máy khoan nổ ầm ĩ kèm theo khói bụi mịt mờ thì chúng tôi khó có thể nhận ra sự hiện diện của họ trên các vách đá cheo leo.

Tận mắt chứng kiến cảnh những thợ khoan đá làm việc, chúng tôi mới thấy hết sự nguy hiểm của nghề này. Chỉ với những sợi dây thô sơ một đầu buộc định vị phía trên vách núi, đầu còn lại buộc vào người, thợ khoan đu mình mò mẫm giữa vách đá lởm chởm vốn liên kết không vững chắc do đã bị nổ mìn nhiều lần trước đó.

Anh Trần Văn Niên - ngụ phường Đậu Liêu, một thợ khoan đang làm việc tại mỏ đá Minh Tân - giải thích: “Chúng tôi phải khoan sâu 2-3 m vào vách núi. Người thợ phải có kinh nghiệm trong việc lựa chọn vị trí đặt mũi khoan sao cho tránh các mỏm đá sắc nhọn, đồng thời né những tảng đá có thể rơi từ trên xuống. Ngoài ra, để khoan được sâu vào vách núi, người thợ phải có tư thế phù hợp mới tác động được một lực lớn vào đá. Việc này khiến các lớp đá bên trên rất dễ bong ra và rơi xuống. Chỉ cần sơ suất nhỏ là người thợ sẽ hứng ngay những tảng đá lớn rơi trúng đầu, thiệt mạng tại chỗ”.

... rồi đặt mìn để phá đá
... rồi đặt mìn để phá đá

Xung quanh những người thợ khoan toàn đá và đá. Phía trên đầu là những tảng đá lớn rất dễ đổ sập, phía dưới cũng là những mởm đá lởm chởm, nhọn hoắt nhô lên, chỉ cần thao tác có sai sót nhỏ trong lúc khoan, người thợ sẽ phải trả giá ngay bằng mạng sống của chính mình. “Treo mình suốt ngày trên vách núi dựng đứng cao mấy chục mét nghĩ cũng ớn, nếu không may đá phía trên rơi trúng đầu hay dây buộc vào người bị tụt hoặc đứt thì chết là cái chắc. Nguy hiểm là vậy nhưng giờ nếu không làm thì không biết lấy gì sống, đành phải nhắm mắt liều mạng thôi” - anh Niên tâm sự.

Sau khi khoan đá trên vách núi, công đoạn nguy hiểm nhất là việc đặt mìn vào lỗ. Không thiết bị bảo hộ, những người thợ mang hàng chục ký thuốc nổ, kíp mìn đu mình trên vách đá loay hoay tìm cách cài đặt. Nhìn cảnh những “người nhện” ôm một khối lượng lớn thuốc nổ trên người di chuyển trên các vách đá dựng đứng, chúng tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Vừa nghỉ tay sau hơn 1 giờ đánh đu trên vách đá để cài mìn, anh Phan Văn Sơn - ngụ phường Đậu Liêu, làm việc ở mỏ đá Tân Hồng - hổn hển: “Trên người đeo hàng chục ký thuốc nổ và kíp mìn, nếu không cẩn thận là chết tan xác ngay tại chỗ”. Trò chuyện với chúng tôi khoảng 5 phút, anh Sơn lại mang hàng chục thỏi thuốc nổ lớn leo lên vách đá lởm chởm, dựng đứng. Từ trên cao, anh Sơn cười to nói vọng xuống: “Với anh em chúng tôi, đá và mìn đã là bạn đồng hành, ngày nào cũng làm việc với chúng nên giờ không còn có cảm giác sợ nữa”.

Tai nạn chực chờ

Trong hàng chục công trường khai thác đá quanh núi Hồng Lĩnh, hoạt động quy mô lớn có thể kể đến hàng loạt mỏ đá của Công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh, Công ty Hợp tác kinh tế QK4, Công ty CP Sông Đà 27, Công ty Lam Hồng, HTX Minh Tân, HTX Tân Hồng, Xí nghiệp Luyện xỉ mangan, Công ty CP Thương mại - Xây dựng Huy Hoàng…

Các mỏ khai thác đá này hằng ngày đem về cho các ông chủ, phần lớn là người nơi khác đến, nguồn lợi nhuận lớn. Nhiều chủ mỏ đá đã giàu lên nhanh chóng với nhà lầu, xe hơi đắt tiền. Trong khi đó, cuộc sống của người thợ tại các mỏ đá vừa vất vả vừa thường xuyên phải đối mặt với hiểm họa. Đã có hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khiến nhiều người bỏ mạng.

Những người thợ đá ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể nào quên vụ tai nạn tại mỏ đá Minh Tân vào ngày 13-4-2010 khiến 7 người thương vong. “Sáng hôm ấy, ông Nguyễn Thiết Toàn - 36 tuổi, trú tại phường Đậu Liêu - dùng dây thừng kéo bao tải chứa mìn lên vách đá để đặt vào các lỗ khoan nhồi kíp nổ. Khi ông vừa kéo lên được một đoạn, dây thừng cứa vào vách đá bị đứt khiến bao tải mìn rơi xuống mặt đất phát nổ. Vụ nổ kinh hoàng khiến bà Nguyễn Thị Nhiệm, 52 tuổi và bà Trần Thị Tuyết, 42 tuổi - cùng trú tại xóm 4, xã Xuân Lĩnh - đang làm việc bên dưới tử vong tại chỗ, 5 lao động khác bị thương” -  một thợ khoan đá nhớ lại.

Trong sổ tay, chúng tôi còn ghi hàng chục vụ tai nạn khác ở các mỏ đá. Ngày 25-3-2010, trong lúc đang treo người trên vách núi để khoan đá cài mìn, ông Phạm Bá Tĩnh - 42 tuổi, làm việc tại HTX Tân Hồng - bị tuột dây bảo hiểm rơi xuống đất tử vong tại chỗ. Ngày 19-9-2012, khi đang khoan tại mỏ đá của Xí nghiệp Khai thác - Chế biến vật liệu xây dựng (thuộc Công ty CPXD Đường bộ số I Hà Tĩnh), anh Nguyễn Xuân Thạch - 39 tuổi, ngụ  huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - bất ngờ bị khối đá lớn từ trên rớt xuống đè chết. Mới đây nhất, vào tháng 3-2014, trong lúc đang khoan đá, một người thợ làm việc tại mỏ đá của HTX Minh Tâm cũng bị đá rơi trúng đầu tử vong…

Tai nạn luôn rình rập là thế nhưng do miếng cơm manh áo, các phu đá vẫn phải chấp nhận liều mạng mưu sinh. Ông Trần Văn Cảnh - khối trưởng khối 8, phường Đậu Liêu - trăn trở: “Chỉ riêng khối 8 đã có hàng trăm người nhiều năm nay sống phụ thuộc vào việc làm thuê ở các mỏ đá trên địa bàn. Vất vả, nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải chấp nhận. Ở đây đất sản xuất không có, nếu không làm thuê tại các mỏ đá thì họ không biết lấy gì để mưu sinh qua ngày cả”.

Sắp tới giờ nổ mìn, chúng tôi và những người thợ rời khỏi khu mỏ đá. Vừa ra đến Quốc lộ 1, chúng tôi giật nảy người vì hàng loạt tiếng mìn nổ xé tai vang lên. Tiếng đá rơi ầm ầm, bụi tung như mưa. Hình ảnh những người thợ vì miếng cơm, manh áo mà hết ngày này qua tháng khác treo tính mạng của mình trên vách đá cứ ám ảnh mãi chúng tôi…

Núi Hồng Lĩnh cùng với sông Lam được xem là biểu tượng của xứ Nghệ nhưng 20 năm nay đã bị “xẻ thịt” không thương tiếc do việc khai thác đá tràn lan, nhiều khu vực bị đào bới, đục khoét nham nhở. 

Thu nhập bèo bọt

Những lần leo lên vách núi dựng đứng để khoan đá, đặt mìn là phó mặc số phận của mình cho sự may rủi nhưng thu nhập của người thợ tại các mỏ đá quanh núi Hồng Lĩnh lại khá bèo bọt. Bình quân, một người thợ khoan đá làm việc cả ngày chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng. “Sáng làm từ 6 giờ đến 10 giờ, chiều từ 14 giờ đến hơn 17 giờ, đu mình nguy hiểm trên vách đá cả ngày, tiền công tính ra cũng chỉ bằng đi phụ hồ, kèm theo một buổi ăn trưa” - anh Nguyễn Văn Tâm, thợ khoan tại mỏ đá Tân Hồng, cho biết.

 

Công việc của người thợ đá vừa vất vả vừa nguy hiểm
Công việc của người thợ đá vừa vất vả vừa nguy hiểm

 

Theo anh Tâm, hàng ngàn lao động địa phương làm thuê thời vụ tại các mỏ đá chỉ có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo