xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trở lại Cà Tang

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Cách đây đúng 8 năm, trên bến Cà Tang xảy ra vụ chìm đò thương tâm làm 18 học sinh thiệt mạng. Trở lại nơi ấy bây giờ, thấy thấp thoáng nỗi đau xưa vẫn còn trào lên theo từng con sóng thượng nguồn sông Thu

Tôi trở lại bến Cà Tang, huyện Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn - Quảng Nam, đúng vào dịp tháng 5. Nắng chang chang như đổ lửa. Hôm chìm đò 8 năm trước, trời cũng nắng thiêu đốt thế này rồi bất chợt cơn mưa dông ập xuống. 18 học sinh bỗng chốc bị cướp đi sinh mạng. Tang thương bao trùm khu mỏ Nông Sơn, làng Cà Tang và cả vùng Tây Quế Sơn.
Cây cầu được xây dựng từ những tấm lòng hảo tâm đã an ủi phần nào cho các sinh linh bé bỏng. Song, có lẽ với nhiều người nơi đây, nỗi đau và mất mát không dễ xóa nhòa. Nước mắt vẫn rơi, giọng kể vẫn nghẹn ngào, tức tưởi khi họ nhớ lại ngày định mệnh ấy...

Sống chi khổ quá…

Hơn 60 năm kinh nghiệm sóng nước, bước sang khoảng cuối đời người, ông lái đò Võ Nghĩnh lại gặp phải tai nạn kinh hoàng. Tám năm đã qua, ông vẫn nhớ như in buổi chiều tang thương ấy, dù ký ức về nhiều chuyện khác ông hầu như quên sạch. Mỗi khi nhắc đến vụ chìm đò, ông lại thở dài não nề.
Em ruột ông là ông Võ Quang Trang, cũng liên quan đến vụ tai nạn, đã qua đời sau 3 năm sống trong buồn phiền. “Tôi cũng muốn chết cho rồi, sống chi khổ quá!”- ông Võ Nghĩnh rầu rĩ.
Sau hôm gây ra tai nạn, ông không thể nào bình tâm. Những ngày còn đi đứng được, ông dò dẫm từng bước ra bờ sông để thắp nhang cho các cháu. Giờ không thể đi lại, ông ngồi một chỗ gặm nhấm nỗi đau. Trong căn nhà gỗ cũ kỹ và mục nát, ông lão lái đò nay đã qua tuổi 90 sống lay lắt, cô độc.
“Cũng là số phận hết cô ơi, tôi đâu có muốn như rứa. Mấy đứa nhỏ mất đi, tôi đau lòng lắm. Răng tôi không chết luôn cho rồi? Chắc là ông trời muốn đày đọa tôi đây…” – ông cụ dằn vặt.

Làng Cà Tang ngày ấy ai cũng biết đến tài nghệ bơi ghe, chèo đò của ông Võ Nghĩnh. Cứ mỗi lần làng tổ chức thi đua ghe là y như rằng một mình ông thách đấu với cả đội mà vẫn giành phần thắng. Ai ngờ, chính tay đua giỏi nhất Cà Tang lại là người trực tiếp chèo đò đưa 39 học sinh sang sông Thu Bồn để rồi 18 em vĩnh viễn nằm dưới dòng nước lạnh.

Nhớ hoài người đã khuất

Người dân Cà Tang vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại hình ảnh 18 thi thể học sinh cổ còn quàng khăn đỏ. Mất mát quá lớn.
Mẹ em Hồ Hoàng Anh, học sinh lớp 8 - một trong những nạn nhân đã ra đi trong chiều hôm ấy - nấc nghẹn khi tôi nhắc lại chuyện cũ. Bà quệt vội nước mắt, vào nhà trong một lúc lâu mới ra tiếp khách.
“Trước khi đi học, Hoàng Anh còn trò chuyện với ba: “Hôm nay con thấy hơi mệt trong người, ba ơi”. “Vậy con nghỉ học một buổi cũng được”. “Mà thôi, hôm nay là buổi học cuối, con đi cho vui nghe ba”… Thế rồi con tôi đi luôn, đi mãi không bao giờ về nữa” – bà cố nén nỗi đau, nhớ lại.
Nhà có mỗi Hoàng Anh là con trai, khi con gặp nạn, bà dường như ngã quỵ. Tám năm qua, mọi chuyện tưởng chừng đã nguôi ngoai với sự ra đời của một cô con gái nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, nước mắt người mẹ cứ chảy dài.
“Mấy đứa bạn lứa Hoàng Anh đã vào ĐH hết rồi. Mỗi lần nhìn các cháu đi học là tôi cứ thờ thẫn, lén nhìn mà nuốt nước mắt. Con tôi mà còn sống cũng đã vào ĐH như thế. Nhìn thấy cây cầu và mỗi lần đi ngang, tôi xót lắm. Làm sao mà chịu đựng được khi con tôi còn quá nhỏ? Phải chi con tôi sống thêm vài năm nữa…”- bà nghẹn ngào.
img
Cụ Võ Nghĩnh, người lái đò năm xưa, sống cô độc trong căn nhà cũ nát với nỗi đau khôn nguôi
 
Nỗi buồn đau của thân nhân những học sinh gặp nạn càng chồng chất khi các em đều là những học sinh khá giỏi. Tôi tìm đến 21 học sinh may mắn thoát chết trong vụ chìm đò năm xưa. Các em đã trưởng thành, theo học nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước, hầu hết đều học rất giỏi.
Nguyễn Xuân Lộc, cậu bé may mắn được cứu sống ngày ấy, giờ là sinh viên xuất sắc của Trường CĐ Việt Hàn – TP Đà Nẵng. Lộc nhắc lại hôm ấy, cậu đã khóc nức nở thế nào khi thi thể lạnh ngắt của các bạn được vớt lên. “Em luôn nhớ đến họ và chỉ biết cố gắng học để trở về góp phần đưa quê hương thoát khỏi nghèo khó, coi như an ủi phần nào cho các bạn” - Lộc ngậm ngùi.

21 học sinh thoát nạn dù đã tản mác khắp mọi miền đất nước nhưng mỗi dịp hè về, Tết đến, họ lại hẹn nhau viếng mộ bạn trên đồi Nông Sơn.

Thắc thỏm bên sông

Sông Thu Bồn bắt nguồn từ núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My – Quảng Nam rồi đổ ra cửa Đại - TP Hội An. Tuổi thơ tôi gắn bó với dòng sông này. Thường ngày, sông Thu Bồn yên ả, hiền hòa, nước trong xanh. Tuy nhiên, vào mùa bão lũ, sông Thu trở nên hung tợn, dòng nước đục ngầu, chảy ầm ào chực cuốn phăng đi tất cả.

Người quê tôi đã quen lắm cảnh những đêm tháng 10 âm lịch, chỉ với một cơn mưa, nước đột ngột dâng lênh láng, ngập trắng ruộng đồng, nuốt chửng nhiều nóc nhà. Vào những đêm như thế, người sống trong các căn nhà nằm ở nơi thấp lụt, gần kề bờ sông gần như phải thức trắng để thu dọn đồ đạc. Chỉ đợi nước dâng đến nền nhà, cả gia đình cùng xóm giềng dắt díu nhau đi tránh lũ.

Sự nghèo khó, cơ cực khiến nhiều người quê tôi bất chấp hiểm nguy. Hiểm họa thiên nhiên như bão lũ lại vô chừng, biết đâu mà lường. Nhớ buổi trưa mùa lũ năm nào, trời âm u, những đợt gió ùa về, nước sông Thu dâng dữ dội. Người trong làng xôn xao chuyện một phụ nữ vừa mất tích. Cô bị nước lũ cuốn phăng khi đang ngồi trên chiếc ghe nhỏ, chờ qua bờ bên kia để chặt cây vông mang về trồng hàng rào.
img
Học trò Nông Sơn an toàn đến lớp từ ngày có cây cầu bắc qua sông Thu
 
Sóng gió bất chợt làm chiếc ghe lật nhào xuống dòng nước xoáy. Trên mặt nước, chóp chiếc nón lá thấp thoáng rồi chìm nghỉm. Đàn ông, trai tráng trong làng kéo nhau đi tìm cô gái. Một ngày, hai ngày… rồi nhiều ngày sau, cô vẫn bặt vô âm tín.

Chiều nào, bọn con nít chúng tôi cũng kéo nhau ra ngoài đầu làng, tụ tập gần một khe nước chảy ra sông Thu Bồn, ngồi đợi tin tức của các anh, các chú. Thế nhưng những cái lắc đầu thất vọng làm mọi người càng thêm buồn bã. Làng lại có thêm một mộ gió. Người già trong làng an ủi: “Thân xác cô gái sẽ được người dân vùng biển vớt lên và chôn cất cẩn thận. Họ sẽ làm giỗ cho cô hằng năm”.

Những cái chết tức tưởi như vậy không hề xa lạ ở vùng sông quê tôi. Miền Tây Quế Sơn ngày ấy xa hun hút, khách thập phương rất dè dặt khi muốn đến. Song, ai đã từng một lần dừng chân ở đây cũng khó thể quên bởi nét chân chất, mộc mạc, hiếu khách và cả sự nghèo khó quay quắt của người dân quê. Học trò miền núi triền miên khổ cực. Mùa nắng, mũ nón chưa đủ đội mát mặt. Mùa mưa, áo mưa chưa có khoác che thân, học trò đi học quần xắn ống cao quá đầu gối. Đường những ngày mưa trơn nhẫy, chỉ cần sẩy chân trượt ngã là coi như nghỉ học vì quần áo đâu mà thay! Những chuyến đò ngang tròng trành trên sóng nước sông Thu, học trò chẳng hề biết đến áo phao, chẳng may rơi xuống thì cứ xem như về với cửa Đại.

Cơ cực là thế, hiểm nguy là thế mà học trò miền Tây Quế Sơn vẫn chăm ngoan, hiếu học. Bao lứa đã trưởng thành bước vào ĐH với ước mơ đau đáu: Chung tay đưa quê hương vươn lên khỏi khó khăn và giúp các bạn nghèo rộng đường đến trường.

Cầu làm thay đổi

Gần 2 năm sau buổi chiều chìm đò tang thương trên bến Cà Tang, người dân Nông Sơn nô nức trong niềm vui có được cây cầu mới bắc qua sông Thu nối làng mỏ Nông Sơn và Cà Tang.
Giấc mơ một cây cầu đã trở thành hiện thực và mọi người cũng không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến 18 học sinh gặp nạn. Chính từ sự ra đi của các em, chính quyền và nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã góp sức xây dựng cây cầu này, để người dân, nhất là học trò, không phải bất an khi qua sông.
Khó thể kể hết những lợi ích từ cây cầu đã mang lại cho người dân, nó nối miền núi với đồng bằng, từng bước đưa Nông Sơn thoát khỏi đói nghèo.
“Nông Sơn đã đổi thay từ khi có cây cầu” - một công nhân lâu năm ở làng mỏ vừa nói vừa với tay cắm nén nhang trong khu mộ tập thể của các học sinh. Từ nơi các em yên nghỉ có thể nhìn thấy làng mỏ Nông Sơn, thấy cả dòng sông Thu và một phần cây cầu.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo