xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc lại vi phạm “luật chơi”

NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện

TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quốc tế, bình luận như vậy về việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào đóng ở cửa vịnh Bắc Bộ

Phóng viên: Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động tại vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ mà hai nước đang đàm phán phân chia ranh giới. Điều này có vi phạm tinh thần các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước những năm qua hay không?

- TS Nguyễn Ngọc Trường:

Giàn khoan Hải Dương 981 từng vào vùng biển Hoàng Sa vào tháng 5-2014 Ảnh: HOÀNG DŨNG
Giàn khoan Hải Dương 981 từng vào vùng biển Hoàng Sa vào tháng 5-2014 Ảnh: HOÀNG DŨNG

Hành vi đó vi phạm 2 nội dung chính: Thứ nhất, vi phạm thỏa thuận cấp cao 2 nước về hợp tác song phương tại vùng biển ngoài vịnh Bắc Bộ. Thứ hai, không trao đổi thông qua các cơ chế tham khảo như đã thảo thuận.

Biển Đông thuộc cửa vịnh Bắc Bộ tuy chưa phân chia ranh giới nhưng lãnh đạo 2 nước xác định là nơi có tiềm năng giải quyết các tranh chấp và tìm kiếm phương thức hợp tác song phương.

“Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, ký ngày 11-10-2011, tại Bắc Kinh, nêu rõ: “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này”.

Nội dung thỏa thuận ấy đã được nhắc lại trong Thông cáo chung ngày 8-4-2015 nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh.

Hơn nữa, tại Thỏa thuận ngày 11-10-2011, hai bên nhất trí “thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển”.

Các thỏa thuận trong mấy năm qua đều nhấn mạnh “lấy đại cục quan hệ 2 nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”; hoặc là “tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi”...

Thế nhưng, vụ Hải Dương 981 năm ngoái và lần này họ lại vi phạm “luật chơi”, qua đó cho thấy các nhà đương cục Trung Quốc hết lần này đến lần khác hành động theo kiểu mạnh họ, họ làm; không tôn trọng thỏa thuận cấp cao.

Về luật pháp quốc tế, họ vi phạm như thế nào, thưa ông?

- Khu vực mà giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động chưa có đường ranh giới biển. Không thể nói nơi Trung Quốc đặt giàn khoan lần này nằm hoàn toàn trong vùng biển của Trung Quốc. Nếu muốn tiến hành hoạt động, 2 bên cần có thỏa thuận, trao đổi và thông báo cho nhau. Đằng này họ phớt lờ Việt Nam - một đối tác chiến lược, một láng giềng “16 chữ vàng” và “4 tốt”.

Cái lý đã yếu mà cái tình còn kém hơn nữa.

Người Trung Quốc được xem là thường biết tính toán sâu xa, tại sao lại chọn thời điểm này để đưa giàn khoan vào khu vực chồng lấn?

- Có hai động cơ chính.

Một là, Bắc Kinh có ý đồ muốn gây rối loạn hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Năm nay, Việt Nam và Mỹ tiến hành kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ với những hoạt động cấp cao quan trọng. Cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết nay mai, Việt Nam là một trong 12 thành viên tham gia đàm phán và ký kết.

Hai là, Bắc Kinh dùng vụ giàn khoan này để đánh lạc hướng dư luận quốc tế đang phê phán hành động của họ thay đổi nguyên trạng biển Đông, tiến tới quân sự hóa biển Đông, buộc họ phải tuyên bố sắp hoàn tất dự án bồi đắp một số bãi đá ở Trường Sa.

Vụ giàn khoan lần này có thể còn nhằm xoa dịu dư luận trong nước về việc họ có thể đã lùi bước trước sức ép của Mỹ và quốc tế trong vấn đề nêu trên.

Việt Nam chúng ta cần làm gì trước thái độ ngạo mạn của Trung Quốc?

- Có mấy điểm chúng ta cần chú ý. Trước hết, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Cạnh đó, tăng cường quốc lực, tăng cường sức mạnh chấp pháp trên biển; ở đây cần tranh thủ hợp tác quốc tế trong vấn đề an ninh trên biển. Cuối cùng, trong quan hệ với Trung Quốc, phải làm mạnh vừa đấu tranh vừa hợp tác.

Vụ Hải Dương 981 năm 2015 là vụ thứ hai nhưng chưa phải là vụ cuối cùng. Không thể vì 2 chữ “hợp tác” mà chập chững, hoàn toàn tin Trung Quốc một cách mơ hồ. Hợp tác cứ hợp tác, tranh chấp cứ tranh chấp, đấu tranh cứ đấu tranh…!

Vô cùng nguy hiểm!

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới chính phủ, cho biết dựa trên tọa độ Trung Quốc công bố thì giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ mà 2 nước đang đàm phán phân chia ranh giới, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 68 hải lý và cách đất liền Việt Nam 104 hải lý. Ở vùng biển nói trên, trước đây Trung Quốc từng tiến hành các hoạt động thăm dò nhưng chưa khai thác dầu khí. Hồi tháng 5, giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động cũng tại mỏ Lăng Thủy 25-1S-1 với tọa độ gần với vị trí hiện nay, cách TP Tam Á khoảng 72 hải lý. “So với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam hồi năm 2014, vị trí mới này có cái khác là đang ở vùng chồng lấn nhưng cũng vô cùng nguy hiểm” - ông Trục cảnh báo.

TS Trần Công Trục nhận định đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vịnh Bắc Bộ là bước đi đầy ẩn ý và được Trung Quốc tính toán rất kỹ, thông qua đó để Trung Quốc củng cố và khẳng định một loạt yêu sách phi lý của mình như đường 9 đoạn, phần chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam (khu vực mà Trung Quốc gọi là đảo Tây Sa)…

Việt Nam cần có tiếng nói phản đối Trung Quốc vì đã không tôn trọng thỏa thuận giữa Việt Nam - Trung Quốc, không tôn trọng Công ước về Luật Biển, đơn phương hành động gây căng thẳng. “Việt Nam đã từng đề xuất đàm phán chuyện này nhưng Trung Quốc phớt lờ. Họ không chấp nhận đề xuất của Việt Nam dù hô hào và kêu gào gác tranh chấp cùng khai thác” - ông Trục nhấn mạnh.

Th.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo