xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ vụ Tiên Lãng, xem lại Luật Đất đai

Duyên Anh thực hiện

Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng là rất thỏa đáng

img
Bị phá sập nhà, gia đình ông Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý phải dựng lều ở tạm. Ảnh: Thế Dũng
Với tư cách đại biểu Quốc hội, thành viên Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Dương Trung Quốc cho rằng từ vụ Tiên Lãng, chúng ta bàn về sửa đổi Luật Đất đai vào lúc này là rất chín muồi vì Hiến pháp 1992 cũng đang được tiến hành sửa đổi.

Lời nhắc nhở sửa luật

Phóng viên: Ông suy nghĩ gì sau vụ việc ở Tiên Lãng - Hải Phòng, nhất là trong bối cảnh sắp sửa đổi Luật Đất đai?

img
- Ông Dương Trung Quốc: Sự kiện Tiên Lãng như một tiếng súng báo hiệu, một lời cảnh báo vào thời điểm mà thời gian giao đất đã sắp hết hạn. Do đó, rất có thể không chỉ có ông Đoàn Văn Vươn mà còn rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tôi đã tiếp cận khá nhiều vụ khiếu kiện đất đai, tất cả chỉ gói gọn vào vấn đề chính quyền thực hiện quyền đại diện thu hồi đất của nông dân.

Luật Đất đai được quy định bởi Hiến pháp 1992 - hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay trong thời phong kiến, tuy nói rằng đất là của vua nhưng trên thực tế phần lớn đất đai là nằm trong làng xã. Các làng xã lại được quản lý bởi những tập tục rất lâu đời, mang yếu tố dân chủ làng xã và tạo nên sự ổn định. Bên cạnh đất công cũng có cả đất tư nhân và giữa hai thành phần này luôn tác động lẫn nhau. Đất tư luôn có xu hướng phát triển, tạo ra mâu thuẫn trong xã hội, trong cộng đồng và Nhà nước dùng chính sách quân điền để điều chỉnh một cách hợp lý (dùng đất của người giàu chia cho người nghèo). Nhà nước không can thiệp nhưng thể hiện quyền quản lý của mình thông qua các làng xã.

Theo tôi, Luật Đất đai 1993 đã tạo ra hình thái như sau: Thứ nhất, quyền sở hữu toàn dân là một hư quyền. Thứ hai, quyền sử dụng là thực quyền (quyền của người sử dụng gần như là quyền tư nhân). Thứ ba, quyền đại diện (chính quyền hành pháp) là đặc quyền. Đặc quyền khi không có sự giám sát chặt chẽ sẽ chỉ là ý chí nhà lãnh đạo địa phương, có thể tước đoạt đất của người dân với những lý do nằm ngoài quy định luật pháp. Tình trạng tùy tiện đó minh chứng bằng vụ Tiên Lãng là rõ nhất.

Từ vụ Tiên Lãng chúng ta rút ra được bài học gì về vấn đề cán bộ, công tác thi hành luật và giám sát việc thực thi luật pháp?

- Luật rõ ràng khi ở trên giấy, cái khó nhất là đưa luật vào cuộc sống, bao gồm những văn bản dưới luật và năng lực thực thi của bộ máy hành pháp. Vấn đề là ở khả năng giám sát văn bản dưới luật và việc thực thi luật của các thiết chế dân cư (HĐND, Quốc hội cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có MTTQ). Ngay khi xảy ra vụ Tiên Lãng, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng trách nhiệm này thuộc về cơ quan giám sát, cơ quan giám sát là Quốc hội (giám sát pháp luật và thực thi pháp luật tại địa phương). Tôi rất mong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vai trò của mình không chỉ với cương vị là Thủ tướng mà còn là đại biểu Quốc hội tại TP Hải Phòng. Với hai “vai” ấy, là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Thủ tướng không chỉ xử lý vụ việc mà còn phát hiện những bất cập trong hệ thống thực thi pháp luật để góp phần điều chỉnh luật đất đai và xây dựng hiến pháp.

Hiện khoảng 80% vụ khiếu kiện là liên quan đến đất đai nhưng tỉ lệ thực thi lại cực kỳ thấp. Vụ ông Đoàn Văn Vươn nếu không có mùi thuốc súng thì có lẽ cũng đã “chìm” giống như nhiều vụ khác. Đành rằng hành động của ông ta là sai nhưng rất cần đánh giá đúng bản chất và nguyên nhân sự việc. Vụ Tiên Lãng góp phần làm chúng ta giật mình, vì nếu không có vụ này thì tất cả mọi việc có thể sẽ trôi đi, nhất là năm 2013 - thời điểm kết thúc 20 năm giao đất - sắp đến gần.

Kết luận của Thủ tướng rất thỏa đáng

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành siết chặt quản lý đất đai, tránh để xảy ra sai phạm tương tự. Theo ông, làm thế nào để không còn những vụ đau lòng như Tiên Lãng?

- Tôi đã rất xúc động khi nghe phát biểu của vợ ông Đoàn Văn Vươn trên truyền hình là “mong Thủ tướng quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp của người nông dân khác có cùng hoàn cảnh liên quan đến đất đai như gia đình tôi”. Tôi nghĩ, những kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng là hết sức thỏa đáng, đồng thời hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về thắt chặt hơn công tác quản lý đất đai ở các tỉnh, thành.

Ngay trong phần đầu phát biểu kết luận, Thủ tướng đã nêu rõ là ngay từ năm 1987, chúng ta có 3 lần sửa đổi lớn, đặc biệt kể từ khi Luật Đất đai 1993, chúng ta xóa bỏ ruộng đất tư nhân, bên cạnh đó cũng đã có hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành khác. Ngoài việc chỉ đạo về pháp luật, tôi nghĩ phải xem xét lại toàn bộ Luật Đất đai, phải dự báo được tình hình sắp tới để Luật Đất đai phát huy được điểm tốt và hạn chế tối đa những nhược điểm. Tôi mong xem xét lại việc có còn giữ thời hạn giao đất hay không và hướng tới một lộ trình chúng ta có nên công nhận sở hữu tư nhân hay không. Điều này góp phần vô cùng quan trọng vào hiến pháp đang sửa đổi.

Không nên đặt ra thời hạn giao đất

* Thưa ông, thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 1993 là 20 năm, sắp tới sửa luật có nên kéo dài thời hạn hay xóa bỏ hẳn?

- Những người tham gia xây dựng Luật Đất đai 1993 có nói trong tư tưởng chỉ đạo là sẽ giao đất lâu dài, ổn định cho nông dân. Đặt ra thời hạn chỉ nhằm thể hiện quyền quản lý, định đoạt của Nhà nước. Chỉ thu hồi đất đai với một số trường hợp đặc biệt nhưng muốn dùng thời hạn 20 năm như một sự thử nghiệm, giống như một lời nhắc nhở đây là đất của Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ giải quyết thời hạn 20 năm ấy như thế nào? Nếu chúng ta giữ nguyên cột mốc 20 năm thì sẽ có những hành động kiểm chứng việc làm của người nông dân, sẽ không có kiểu thừa kế, bỏ hoang… Nhưng nếu Luật Đất đai còn duy trì thời hạn giao đất thì bộ máy công quyền sẽ thực hiện một khối lượng thủ tục hành chính lớn và phức tạp để kéo dài quyền sử dụng đất cho dân và quan hệ xin - cho sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp.

Do vậy, theo tôi, nếu sửa Luật Đất đai thì không nên đặt ra thời hạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giao vĩnh viễn bởi vì Nhà nước có quyền định đoạt có điều kiện (chẳng hạn phục vụ cho những lợi ích quan trọng của quốc gia), ngay cả khi thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất như đã từng có trong lịch sử trước năm 1993 thì quyền đó vẫn được thực thi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo