xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tưởng nhớ Carlo Urbani

BS Lê Đình Phương (BV Pháp Việt)

Trong cơn dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm như hiện nay, tự nhiên tôi muốn tưởng nhớ đến một con người hy sinh bản thân mình để ngăn chặn dịch SARS: Bác sĩ Carlo Urbani. 

Mùa xuân 2003, giới y học đã chứng kiến một cơn khủng hoảng chưa từng thấy: dịch SARS. Không những vì tính chất lan rộng cực kỳ nhanh chóng, mà còn vì đa số những nạn nhân đầu tiên của cơn dịch hiểm ác này đều là nhân viên y tế.

Ở Hồng Kông, 25% bệnh nhân SARS là thầy thuốc và điều dưỡng, trong đó có cả một giám đốc điều hành bệnh viện (BV). Tại Việt Nam, trong số 60 bệnh nhân SARS đầu tiên, quá nửa là nhân viên y tế. Thời điểm đó, toàn cảnh về dịch SARS quả thực là một bức tranh đáng sợ: Các phòng cấp cứu và săn sóc đặc biệt đều chật cứng và quá tải. Tệ hại hơn, vì một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân lực để chăm sóc các bệnh nhân thập tử nhất sinh này càng thêm khủng hoảng trầm trọng.

Có thể nói không ngoa, dịch SARS đã dựng nên một kịch bản có thật 100%, mà mức độ kinh dị của nó thì vượt quá những phim toát mồ hôi lạnh của Michael Crichton, nhà biên kịch phim truyện Mỹ, và cũng từng là một bác sĩ khoa phẫu thuật thần kinh.

Ai là người có công đầu trong việc ngăn chặn cơn đại dịch hiểm ác này, nếu không phải là BS Carlo Urbani?

Cú điện thoại định mệnh

Ngày 28-2-2003, BV Pháp Việt Hà Nội, một BV tư với quy mô khiêm tốn 60 giường, đã liên hệ với đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội để xin trợ giúp về chuyên môn cho một bệnh nhân viêm phổi nặng có triệu chứng giống cúm, nhưng không phải cúm. Như một định mệnh, BS Carlo Urbani, một chuyên gia người Ý về bệnh truyền nhiễm, đã nhận cú điện thoại này.

 Có mặt tại thực địa, người thầy thuốc này đã nhanh chóng nhận ra tính chất kỳ lạ đầy bất thường của ca bệnh. Thật nhanh chóng, Urbani thiết lập phòng làm việc của mình ngay tại BV, thu thập hồ sơ, sắp xếp gởi bệnh phẩm đi thử nghiệm bằng con đường ngắn nhất và siết chặt các quy trình kiểm soát nhiễm trùng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Urbani, nhiều nhân viên BV đã chấp nhận cách ly họ hoàn toàn, ăn ngủ ngay trong BV để tránh nguy cơ lan rộng của căn bệnh sát thủ lạ lùng này.

Cùng với các chuyên gia hàng đầu, BS Urbani, bằng trực giác y học thiên bẩm và đáng khâm phục của mình, đã nhanh chóng nhận ra mối nguy hiểm chết người hàng loạt của căn bệnh kỳ lạ và chưa hề được biết đến này. Ngay trong ngày chủ nhật 9-3-2003, đại diện của WHO, trong đó có BS Urbani đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với Bộ Y tế Việt Nam.

Trong cuộc họp kéo dài 4 giờ này, với lòng nhiệt thành, kiến thức uyên bác và sự đáng tin cậy sẵn có, BS Urbani đã thuyết phục được giới chức y tế Việt Nam có những quyết định dũng cảm và sáng suốt: Cách ly hoàn toàn BV Pháp Việt, thiết lập những quy chế kiểm soát nhiễm trùng ở mức độ cao nhất cho những BV khác và kêu gọi sự trợ giúp về chuyên môn của cộng đồng quốc tế.

Ngay sau đó, những chuyên gia hàng đầu của WHO, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa kỳ (CDC), Tổ chức Các thầy thuốc không biên giới (MSF) đã nhanh chóng có mặt ở Hà Nội. Các chuyến bay với những trang thiết bị dành cho cơn dịch Ebola ghê gớm cũng khẩn cấp đáp xuống sân bay Nội Bài.

BV Pháp Việt Hà Nội tạm thời đóng cửa, các bệnh nhân SARS được chăm sóc và cách ly nghiêm ngặt tại BV Bạch Mai, dưới sự hỗ trợ của MSF. Trong một diễn biến khác, các chuyên gia của hơn 10 quốc gia đã nhanh chóng phân lập được thủ phạm của SARS, coronavirus, xác định chuỗi gien của nó và thiết lập được quy trình chẩn đoán nhanh chóng. Hơn thế nữa, bằng những nỗ lực mang tính quốc tế này, người ta đã bắt đầu hy vọng về một thuốc đặc trị và xa hơn là một thuốc chủng, trong một tương lai gần.

Sự hy sinh dũng cảm, đáng kính

Dịch SARS đã có một kết thúc có hậu: Bị chặn đứng nhanh chóng, hoàn toàn. Nhân loại thở phào nhẹ nhõm. Giới chuyên môn có thêm những kiến thức vô giá về một căn bệnh chưa hề biết, và được hiểu rõ tường tận trong một thời gian kỷ lục. Trong đó, không thể không công nhận những đóng góp đáng kể của y giới Việt Nam.

img

Tuy nhiên, người đồng nghiệp tài giỏi của tôi lại không thấy được thành quả từ những đóng góp to lớn của mình. Ngày 11-3-2003, trên một chuyến bay về Bangkok - Thái Lan, Urbani đã nhuốm bệnh. Khi đến nơi, người thầy thuốc này đã yêu cầu không ai được tiếp xúc với mình.

Các đồng nghiệp từ CDC của Urbani chỉ biết ngồi đó, thinh lặng, nhìn chiếc xe cứu thương vũ trang đầy các thiết bị cách ly chở đồng nghiệp của mình về một BV của Bangkok. 18 ngày sau, căn bệnh SARS bùng phát ở bệnh nhân Carlo Urbani. Ngày 29-3-2003, người thầy thuốc đáng kính và tài giỏi này vĩnh viễn chia tay với gia đình, đồng nghiệp, trong niềm thương tiếc vô hạn của y giới quốc tế.

Tại sao không?

Trực giác nghề nghiệp của Carlo Urbani thật đáng khâm phục và thèm muốn cho bất cứ nhà lâm sàng nào trên thế giới. Phải nhắc đến hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn (ARDS), khi được phát hiện lần đầu tiên bởi các bác sĩ quân y Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam dưới cái tên bí ẩn “Hội chứng phổi Đà Nẵng” (Danang’s lung syndrome), hơn 20 năm sau, mới được làm sáng tỏ và viết vào các sách giáo khoa y học.

Bằng cách nào, người thầy thuốc này đã nhận dạng nhanh chóng căn bệnh chưa từng ai biết đến, chưa từng được đề cập đến trong y văn trong một thời gian ngắn ngủi như vậy? Sự tiếp cận nhanh chóng, đồng thời với các động thái chống dịch quyết liệt, và những hy sinh cá nhân đầy quả cảm, đã được sự hưởng ứng và đồng thuận từ phía Việt nam cũng như từ cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, những nỗ lực này đã cứu được nhân loại khỏi một đại dịch ghê gớm và hoàn toàn có thể dẫn đến vô số hậu quả khôn lường.

Vì vậy, hoàn toàn xứng đáng nếu như tên Urbani đã được trang trọng đặt cho con virus thủ phạm của SARS, như y học đã dành cho vi trùng Koch, vi khuẩn Hansen, Pastereulla... Họ là những người, nhờ tài năng y học thiên bẩm và sự uyên bác của mình, đã góp phần cứu thế giới, vốn đầy rẫy tai ương và dịch bệnh qua các thời đại.

Còn chúng ta, một con đường, một BV, hay một tượng đài trang trọng mang tên Carlo Urbani, tại sao không? Để những bài học sáng chói trong cuộc chiến chống SARS không bao giờ chìm vào quên lãng! Để sự hy sinh của người thầy thuốc tài giỏi này không bao giờ là uổng phí! Tại sao không?

Tạp chí New England Journal Medicine, một trong số ít những tạp chí y học lừng danh thế giới, đã đưa ra một nhận định mang tính khen ngợi: “Khi đối mặt với dịch SARS một cách công khai và quyết đoán, hình ảnh và nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị tổn hại. Tuy nhiên, nếu sự việc bị lẩn tránh và giấu giếm, các kết cục tiếp theo có thể là thảm họa”. (Nguồn: N. Engl J Med, 348:20)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo