xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vận hội Sơn Đoòng (*): Bén duyên với quê nghèo

Hoàng Long - Lâm An

Chính du lịch đã đả thông tư duy người dân quê. Ngày trước, không ai biết phục vụ nhưng ngày nay, người dân luôn nở nụ cười khi gặp khách. Tinh thần phục vụ tận tâm đã khiến khách khắp nơi đổ về với Sơn Đoòng, Phong Nha...

Các "trung tâm lâm tặc" một thời như Cự Nẫm, Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang chuyển dịch mạnh mẽ sang làm du lịch. Người dân thật sự đang sống nhờ du lịch, thoát nghèo từ du lịch. Có người xa xôi như ở Úc vẫn tìm đến đây.

Du lịch thành niềm hy vọng

Benjamin Joseph Mitchell vốn là kỹ sư xây dựng cho một doanh nghiệp Canada ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh bỏ công việc và mức lương chuyên gia, theo vợ là chị Lê Thị Bích về xã Cự Nẫm khởi nghiệp làm du lịch với mô hình Farmstay. Benjamin được dân địa phương gọi là Ben hoặc Nguyễn Văn Tây.

Vận hội Sơn Đoòng (*): Bén duyên với quê nghèo - Ảnh 1.

Căn nhà của vợ chồng ông Howard xây trên đất do anh Hồ Văn Kỳ hiến Ảnh: HOÀNG LONG

Quê hương của chị Bích có rừng núi, ruộng vườn, hồ tiêu và Ben thiết kế Farmstay theo kiểu điền trang nông dân Quảng Bình, cho du khách cùng làm đồng, hái tiêu, bắt cá, chăn trâu như nông dân thứ thiệt. Không ngờ, cách thức đó đã thu hút khách từ Úc, Canada, Anh, Pháp, Mỹ… Đầu tư hơn 5 tỉ đồng, vợ chồng Ben đã làm nên kỳ tích đưa khách quốc tế về tận làng mình trải nghiệm bản địa. Hiện cơ sở của anh chàng người Úc vợ Việt này đã có hơn 30 nhân viên là con em địa phương. Các nhân viên này thích học tiếng Anh và vợ chồng anh đã tranh thủ dạy để họ phục vụ du khách.

Ben đi khắp Quảng Bình để tìm kiếm các vật dụng bản địa, hiện vật từ thời chiến tranh rồi đưa về trưng bày cho du khách thưởng lãm. "Không chỉ có những cảnh đẹp về thiên nhiên mà văn hóa ở đây cũng rất đặc sắc. Con người nơi đây đã sống và làm được những điều kỳ diệu cả trong thời kỳ chiến tranh khó khăn. Rất nhiều du khách đến đây, ngoài tham quan hang động còn muốn tìm hiểu văn hóa và lịch sử vùng đất, kết hợp điều đó là rất tốt" - anh tâm đắc.

Ăn nên làm ra, anh Ben cùng chị Bích mở thêm cơ sở mới ở làng Phong Nha khi tậu được một khu đất hướng mặt tiền ra sông Son. Ben còn đưa anh em từ Úc sang Cự Nẫm làm việc và tạo thêm nhiều việc làm khác cho dân địa phương.

Học theo vợ chồng Ben, hiện có hàng chục cơ sở gia đình phục vụ khách du lịch tại gia - điều mà trong tưởng tượng, cư dân ở đây chưa bao giờ nghĩ tới.

Vợ chồng anh Trần Văn Quý và chị Nguyễn Thị Nhất cũng thế. Họ từng theo đuổi việc khai thác lâm sản trái phép. Năm 2010, Quý đoạn tuyệt đi rừng. Vợ chồng anh vay mượn mở du lịch nghỉ dưỡng tại gia, phục vụ những món ăn dân dã tự làm. Nguồn cung là các hộ gia đình xóm làng. Không biết mạng xã hội, Quý cùng vợ tiếp cận giới trẻ, từ đó biết Facebook và đưa hình ảnh lên mạng, viết những món ăn đậm chất thuần nông quê nhà. Ấy vậy mà khách đến là từ Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật... Nhật báo Anh The Guardian đăng bài viết của ký giả Alison Alison với câu kết: "Thích đến chết với món ăn tuyệt vời này", "Gà nướng bên cạnh ly bia lạnh là tuyệt nhất trần đời".

Lên Phong Nha, hỏi Hồ Khanh ai cũng biết. Năm năm trước, vườn nhà anh hoang hóa, nay thành một khu nghỉ dưỡng homestay đẳng cấp. Anh thừa nhận: "Nếu không có du lịch, chắc chắn tôi vẫn bám núi rừng. Nay tôi tạo việc làm không chỉ cho vợ con mà cả họ hàng, lối xóm".

Xa như Tú Làn (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) cũng có đến 4 homestay hấp dẫn. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, khẳng định: "Chính du lịch đã đả thông tư duy người dân vùng cao nơi đây. Ngày trước, không một ai biết phục vụ nhưng nay, người dân luôn có nụ cười khi gặp khách. Tinh thần phục vụ tận tâm đã khiến khách khắp nơi đổ về. Người quê làm được như rứa là nỗ lực. Chưa bao giờ du lịch trở thành niềm hy vọng và tự tin đi vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương như bây giờ".

Ở Sơn Trạch, người làm du lịch và dịch vụ đến nay theo thống kê sơ bộ khoảng hơn 50% dân số. Nhà hàng, khách sạn, quán ăn, dịch vụ phục vụ ngày càng phong phú, đa dạng. Người trồng rau cung ứng khép kín cho quán ăn, các trung tâm homestay. Sản phẩm nhà nông làm ra trở thành nguồn cung ứng cho khách sạn, nhà hàng. Một hình ảnh mà 5 năm trước hoàn toàn không có ở vùng này.

Ngoài cả sự hình dung

Tiên Sơn có rất nhiều người từng là những "lâm tặc" nhưng hiện nay có chừng 250 người đã tạo niềm hy vọng cho hàng trăm gia đình dọc sông Son. Một lực lượng nữa là cả trăm thợ ảnh có việc làm ổn định. Đó là điều mà trước đây, chính quyền địa phương không thể hình dung.

Dân ở đây thì nói họ tri ân nhiều người nhưng trên hết có lẽ là vợ chồng ông Howard Limbert. Họ có hơn 25 năm tìm kiếm hang động ở Phong Nha để bảo tồn và phát huy giá trị. Ông bà hết sức nghiêm khắc với môi trường, cảnh quan. Với mỗi phát kiến hang động, họ đều hy vọng đưa lại việc làm cho cộng đồng nơi đây. Nay nhìn lại, ông Howard bày tỏ: "Có thêm việc làm cho cộng đồng, tôi càng thấy vui bởi họ không còn tác động tiêu cực vào rừng và du lịch đã làm được điều tốt đẹp đó".

Để tri ân, Hồ Văn Kỳ - một "lâm tặc" nay làm porter - hiến đất cho vợ chồng ông Howard xây căn nhà 2 tầng trong một khu vườn nhiều cây xanh. Kỳ không giàu có nhưng hiến đất tri ân cho vợ chồng chuyên gia hang động đã khiến cả vùng Sơn Trạch chấn động. Kỳ thổ lộ: "Họ đã làm rất nhiều cho quê hương em. Em có miếng đất thì hiến cho họ. Họ ở bao nhiêu năm cũng được. Quê em hiện như thế này là nhờ công sức họ rất nhiều".

Nhà của ông Howard nằm trong khu vườn hơn 100 m2. Ngày khánh thành, các nhóm porter mỗi người chung một tay làm tiệc, dọn vườn ngăn nắp. Họ nói sức mọn này để giúp ông chứ không dám nói lời tri ân. Ông Howard xúc động : "Tôi cảm kích trước tấm lòng của người dân. Tôi không có ý định rời khỏi đây cho đến cuối đời". Vợ chồng ông không có con. Họ dành phần lớn cuộc đời cho tâm huyết ở Phong Nha không vì vụ lợi. Tiền có bao nhiêu, họ lại làm từ thiện và phục vụ cho việc khám phá hang động.

Dọc sông Son ngày trước là những dãy chuồng trâu sặc mùi ẩm mốc. Nay thì người dân tự động di dời, làm phong quan bờ sông, tạo ra các bãi tắm, lắp đặt đèn điện, bán hàng phục vụ du khách khiến sông Son thêm đẹp hơn.

"Khách nước ngoài thích đến đây vì giá cả bình dân, phục vụ chu đáo, nhiệt tình, thân thiện. Họ cảm nhận và trải nghiệm rồi viết trên blog, Facebook, đăng ảnh trên Instagram… Từ đó mà lan dần ra nhiều nước, nhiều bạn bè của họ tìm đến" - chị Nguyễn Thị Nhất giải thích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo