xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vẫn khó xử phạt tiểu bậy

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Nghị định 155/2016/NĐ-CP tăng mức xử phạt đối với hành vi tiểu bậy nơi công cộng từ 1-3 triệu đồng nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của quy định khi áp dụng thực tế

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hiện TP chỉ có 208 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) thu phí. Trong đó, 155 cái tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Ngoài ra, 11 NVSCC khác do Sở Giao thông Vận tải phối hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) xây dựng tại một số công viên ở quận 1.

1.001 lý́ do tiểu bậy

Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, mạng lưới NVSCC trên địa bàn hiện chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí không phù hợp. TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư NVSCC nhưng hiện số lượng vẫn rất hạn chế. Ghi nhận ở nhiều tuyến đường trung tâm TP, người đi đường đỏ mắt tìm NVSCC. Đây cũng là cảnh ngộ chung của những tuyến đường mới mở như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ... Hệ quả là người đi đường buộc phải tìm các bãi đất trống, thưa thớt người đi để “xả nước cứu thân”.

Các NVSCC có thu phí chỉ từ 2.000 đồng nhưng nhiều người vẫn kêu đắt. Bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh) từng là điểm nóng về “tiểu đường”. Sau đó, bến xe cùng địa phương xây bồn hoa và trồng cây xanh ở hàng rào tạo cảnh quan đẹp nhưng nhiều người vẫn ngang nhiêu tiểu bậy như chốn không người. Đáng nói là khu vực này đã được xây dựng NVSCC.

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP HCM) bị bao vây bởi hàng quán
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP HCM) bị bao vây bởi hàng quán

Tình trạng NVSCC bị chiếm dụng và thiếu bảo dưỡng nên xuống cấp. Ở Công viên 23 Tháng 9, chợ Thái Bình… (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), mặc dù có NVSCC nhưng người đi đường vẫn phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc ở một số bồn cảnh. Góc đường Nguyễn Trãi - Tôn Thất Tùng có một NVSCC nhưng rất khó để nhận biết. Tuy nhiên, khi tìm được chỗ “giải quyết” thì người đi đường lại bắt gặp biển cảnh báo dán ở cửa NVSCC với nội dung “Khóa xe trông coi cẩn thận. Coi chừng mất xe”. Cách đó không xa, NVSCC ở sau chợ Thái Bình (đường Phạm Ngũ Lão) cũng bị bịt kín lối vào bởi các gian hàng buôn bán. “NVSCC mà không có người trông xe nên tôi phải ráng nhịn để đi chỗ khác. Rủi kẻ xấu trộm xe thì kêu ai” - anh Trần Hồng Quang, ngụ quận 5, ngao ngán.

Phạt nặng có khả thi?

Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho biết xử phạt hành vi tiểu tiện nơi công cộng với mức phạt cao như thế là gây băn khoăn trong dư luận và khó khả thi. Giả sử một người dân ra đường không có giấy tờ tùy thân mà có hành vi này thì lực lượng chức năng áp dụng biện pháp bảo đảm nào để người vi phạm thực hiện nộp phạt? So mức xử phạt hành vi này của Nghị định 197/2013 cách đây hơn 3 năm thì mức phạt tăng gấp 10 lần trong khi các chỉ số kinh tế - xã hội không chênh lệch nhiều cho thấy người soạn thảo không căn cứ vào tình hình kinh tế và thu nhập của người dân để đề ra mức xử phạt. Bên cạnh đó, “nơi công cộng” chưa được định nghĩa rõ ràng cũng có thể dẫn đến tùy tiện trong xử phạt.

Chủ tịch UBND một phường ở quận Thủ Đức cho biết xử phạt hành vi tiểu bậy rất khó do còn các chế tài cưỡng chế chưa đủ mạnh. Một người dân ở tỉnh Bình Dương tiểu bậy ở quận Thủ Đức thì địa phương xử phạt như thế nào? “Lập biên bản thì họ nhận nhưng không đóng phạt thì chế tài cưỡng chế căn cứ vào đâu? Ít nhất phải biết được tài khoản ngân hàng, nơi làm việc để gửi thông báo ngăn chặn thì may ra mới có thể thu được tiền vi phạm hành chính” - vị này lập luận.

Ngoài ra, địa phương cũng cần một lực lượng đông mới có thể kiểm tra và xử phạt được.

Phạt nhiều nên giảm đáng kể

Theo Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, trong năm 2016, đơn vị này đã lập biên bản xử phạt 9.246 trường hợp xâm hại môi trường công cộng, riêng hành vi tiểu bậy có 206 trường hợp. Để xử phạt các trường hợp tiểu bậy hay vứt rác thì phải ghi hình để có bằng chứng khi đối chất. Tuy nhiên, việc ghi hình phải tế nhị, quay từ phía sau để không phản cảm cũng như tránh sự phản ứng thái quá của người vi phạm. Với mức phạt 200.000 đồng thì những người vi phạm đều tự giác đóng nên chưa dùng đến biện pháp cưỡng chế. Tín hiệu đáng mừng là những người bị xử phạt không còn tái phạm và tình trạng tiểu bậy đã giảm đáng kể.

Sau hơn 1 tháng đầu năm 2017, Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 mới xử phạt 5 trường hợp vi phạm, trong đó có 1 trường hợp xử phạt theo nghị định mới với mức phạt được trung bình là 2 triệu đồng/trường hợp. Đại diện đơn vị này cho rằng mức phạt tăng đến 3 triệu đồng sẽ khiến những người có ý định vi phạm dè chừng. Dù vậy, sẽ không áp dụng cứng nhắc đối với mọi trường hợp mà linh động tùy hoàn cảnh người vi phạm nhằm bảo đảm tính răn đe nhưng cũng phù hợp với khả năng của người vi phạm. Bên cạnh phạt tiền, người vi phạm phải khắc phục hậu quả qua việc dùng nước dội rửa nơi mình tiểu bậy.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết nhiều TP lớn trên thế giới cũng không phủ kín NVSCC nhưng vẫn xử phạt nặng đối với hành vi tiểu bậy nơi công cộng. Do đó, lấy lý do thiếu NVSCC để “bạ đâu tiểu đó” là không đúng khi các cây xăng, quán nước dọc đường đều có nhà vệ sinh, người có nhu cầu chỉ cần vào đó mua chai nước là có thể được đi nhờ. Mức phạt 1-3 triệu đồng buộc những người có ý định “xả bậy” phải đắn đo, phân vân giữa bị phạt một số tiền lớn hay bỏ ra số tiền nhỏ để đi vệ sinh đúng nơi và không phản cảm.

Tháng 8-2016, Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing đề xuất UBND TP HCM dự án đầu tư 1.000 NVSCC bán kiên cố trên địa bàn với tổng vốn 110 tỉ đồng, tức khoảng 110 triệu đồng cho mỗi nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, công ty sẽ tài trợ thêm 10 xe chuyên dụng vận chuyển nước, chất thải và 500 thùng rác công cộng. Vị trí đề xuất xây dựng các NVSCC bán kiên cố nên có thể tháo ráp, di dời dễ dàng và không ảnh hưởng công trình ngầm. Toàn bộ được thi công bằng vật liệu nhẹ và chất thải được xử lý bảo đảm. Tuy nhiên, đến nay, công ty này mới chỉ xây dựng thí điểm 2 NVSCC ở quận 4 và đang trong quá trình đánh giá lại hiệu quả trước khi xây dựng ở quy mô toàn TP.

Ở nông thôn vẫn bị phạt

Theo luật sư Huỳnh Công Thư, nguyên tắc nghị định có hiệu lực toàn quốc nên nông thôn, thành thị cũng sẽ áp dụng mức phạt này và người dân ở thôn quê sẽ không biết được quy định này nên xử phạt ngay cũng rất khó. Do đó, trước mắt nên đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống văn hóa cho người dân, tập thói quen cho người dân tuân thủ các quy định rồi mới tính đến xử phạt thì hiệu quả áp dụng pháp luật mới được nâng cao. Ngoài ra, nên học tập nước ngoài về hình thức lao động công ích, người vi phạm có thể lựa chọn lao động công ích cho địa phương hay là nộp tiền phạt thì sẽ khả thi hơn. Ngành chức năng cũng cần có văn bản hướng dẫn thế nào là khu chung cư, khu thương mại và khu công cộng để việc áp dụng xử phạt thống nhất và đúng pháp luật.

Ông VÕ QUỐC THỊNH, Chủ tịch UBND phường Hải Đình, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình:

Chủ yếu vẫn là ý thức người dân

Chính phủ ban hành nghị định tăng mức phạt tương đối cao nhưng như vậy mới đủ sức răn đe những người thiếu ý thức gìn giữ môi trường và sớm giải quyết được tình trạng xả rác thải nơi công cộng cũng như hành vi tiểu bậy. Trên các tuyến phố, việc nhiều người dân tùy tiện vứt rác bừa bãi làm mất vệ sinh gây ô nhiễm môi trường cũng như làm xấu hình ảnh đô thị diễn ra hằng ngày như một tiền lệ xấu. Về phía địa phương, từ khi có nghị định này, chúng tôi thông báo và tuyên truyền cho toàn người dân trong phường hiểu rõ hơn về mức phạt đối với các hành vi xấu nói trên và yêu cầu chấp hành một cách nghiêm túc.

Việc xử phạt đối với các hành vi vứt rác hay tiểu bậy cũng không hề đơn giản vì các hành vi trên đều tự phát nên phải “bắt tận tay”, quay lại hình ảnh mới đủ căn cứ để xử lý nhưng địa phương thì lực lượng mỏng, chỉ khi tình cờ phát hiện mới xử lý được. Việc chấp hành nộp phạt của người dân cũng rất khó khăn, cả một quá trình. Chủ yếu vẫn là ở ý thức người dân, họ phải tự nhận thức được môi trường sống mà gìn giữ.

Anh PHAN VĂN CHANH LY, ngụ TP Cần Thơ:

Phải chỉ dẫn rõ ràng

Tôi thấy mức phạt tăng lên cao như vậy đối với hành vi tiểu bậy là chưa hợp lý. Thật sự nhiều người không muốn tiểu bậy ngoài đường để bao nhiêu con mắt dòm ngó nhưng do ngoài đường hiếm NVSCC thì buộc họ phải đi thải khi hết chịu nổi. Hiện tại, cả TP Cần Thơ có bao nhiêu NVSCC mà bắt người ta tiểu tiện đúng nơi quy định. Không lẽ mỗi lần “mắc” quá thì chạy về nhà?

Việc tăng mức phạt như vậy, theo tôi là khó thực hiện được vì ai sẽ trực tiếp kiểm tra hành vi đó hay phải tốn thêm hàng tỉ đồng gắn camera ngoài đường để giám sát. Muốn tăng mức phạt cho phù hợp thì cân nhắc kỹ lưỡng, cần xây nhiều NVSCC để phục vụ người dân, đặc biệt là phải có biển chỉ dẫn rõ ràng.

C.Tuấn - M.Tuấn ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo