xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vào đời từ Gia huấn ca

Nguyễn Quang Thân

Với gia huấn ca, cái mạch gia phong chảy trong những câu dặn dò của người lớp trước dành cho người lớp sau để họ làm hành trang vào đời

Họ Lê ngũ chi ở xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có nguồn gốc từ Lam Sơn - Thanh Hóa. Ông tổ lâu đời được ghi trong gia phả là Lê Trừ, anh của vua Lê Thái Tổ, được truy phong Hoàng Dụ Vương. Họ Lê ở Sơn An giữ được gia phả liên tục cho tới ngày nay, đến đời thứ 25, 26 tính từ cụ tổ Lê Trừ.

 
Qua nhiều đời, tuy không toàn bích nhưng nói chung, con cháu họ Lê đều giữ được nếp nhà, có nguồn gốc để tự hào, có gia phong để gìn giữ. Trong họ lưu truyền bài gia huấn ca, đó là hơi thở răn dạy đạo đức thổi từ thế hệ này đến thế hệ khác làm nên “gia phong”.
 
Gia phong chính là một từ trường đạo đức, vô hình, vô ảnh nhưng mạnh mẽ và chuẩn xác hướng dẫn con cháu các thế hệ bước đi trong cuộc đời nhiều chông gai, cạm bẫy.
 
Rất nhiều con cháu nội ngoại họ Lê thuộc lòng bài gia huấn. Họ sống theo lời răn dạy của gia huấn, tạo nên rường cột của nếp nhà. Ngoài di sản vật chất như cuốn gia phả, nhà thờ, bia đá, sắc phong, huân - huy chương các loại..., gia huấn ca được lưu truyền trong lòng người có lẽ là yếu tố thiết thực nhất làm nên gia phong.
 
Ta đi trọn kiếp con người / Cũng đi không hết mấy lời mẹ ru (Nguyễn Duy). Mẹ tôi, cụ Lê Thị Phương, thuộc đời thứ 23 của họ Lê ở Sơn An. Mẹ không được học nhiều như đa số con gái thời đó, cũng không thuận lợi như các bà mẹ trẻ thời nay nhưng với chúng tôi, mẹ luôn là người hiểu biết nhất trong nhà, kể cả so với bố tôi, người có bằng cấp Tây học.
 
Mẹ tôi có kiến thức về đạo lý, về cư xử, chắc chắn vẫn đủ để dạy dỗ chúng tôi cả khi chúng tôi đã trưởng thành, đã thành nhà văn, kỹ sư hay bác sĩ. Những điều này mẹ không học ở trường mà có lẽ qua tiếp xúc, đối thoại với người trong họ, những nhà khoa bảng, hoàng giáp, tiến sĩ, các ông cử, ông tú Nho học hay Tây học vốn rất đông đúc trong con cháu nội ngoại họ Lê ở Sơn An như cụ Nguyễn Khắc Niêm và con trai là nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, như giáo sư Hoàng Xuân Hãn...
 
Kiến thức của mẹ tôi được thẩm thấu qua nếp nhà. Và mẹ chỉ có những lời ru để làm tiếp việc thẩm thấu cho con cháu của mẹ. Cùng với những câu ví, câu ca dao, mẹ thường ru chúng tôi bằng bài gia huấn ca của dòng họ.
 
Cho đến hôm nay, đã bước qua tuổi 70, tôi vẫn thỉnh thoảng chợt nhớ tới những lời ru không được trau chuốt văn chương, mộc mạc như thơ con cóc nhưng không thể quên, không thể phai nhạt trong lòng, đúng là những lời ru đi theo tôi suốt cuộc đời, cho đến ngày lâm tử. Chữ rằng hữu phúc khán nhi / Có con không dạy bởi gì mà nên?
 
Mẹ ru lời gia huấn dạy con trai: Khi còn cha mẹ thần hôn / Đã yêu lại kính mới tròn đạo con. Làm con trai thì không được cờ bạc, nha phiến, rượu chè: Của phi nghĩa chớ tròn tay / Dâm ô bạc ác chớ say mê càn.
 
Trong nhà thì “Anh em hòa mục một đoàn / Chớ so cạnh kém, chớ bàn phận hơn”. Ra đời thì “Tuy rằng quan lộc ơn trời / Chớ mê phú quý mà rời nếp xưa!”. Có lẽ nhớ lời dạy này của gia huấn ca nên con trai trong họ tuy học nhiều, học giỏi nổi tiếng nhưng không mấy người “say mê” làm quan, có làm thì cũng chỉ là bất đắc dĩ, mong đến tuổi để về hưu.
 
Những người học giỏi thường được khen ngợi, trầm trồ; kẻ ham hố chức tước, “mê phú quý” không vênh vang nổi với bà con trong họ. Mẹ tôi vẫn nói về một ông thượng thư bậc cha chú trong họ với vẻ thông cảm: “Ông làm quan to nhưng cũng khổ, cũng nghèo, bữa cơm cũng cá trích dưa cà, khéo không ngon bằng bữa cơm nhà mình nữa”.
 

Gia phong là một từ trường đạo đức.

Không giàu vì lương triều đình trả thấp, vì cụ thượng liêm khiết, vì phải cưu mang con cháu trong họ. Chuyện lạ so với ngày nay nhưng là bình thường thời ấy. Như binh bộ thượng thư Nguyễn Công Trứ, lúc về hưu chỉ mang theo cái tráp quần áo, sách vở, ở nhờ nhà từ đường.
 
Và đây là những lời gia huấn ca mẹ tôi ru em gái: “Nói cười phải giữ nết na / Đứng ngồi chĩnh chện vào ra dịu dàng / Chớ ngồi lê, chớ ăn hàng / Chớ mê bạn vải lộn phường trăng hoa”. Có chồng con, là nội tướng tay hòm chìa khóa thì “Gạo tiền đếm đủ đong bằng / Quý không ai lận chớ đừng lận ai”.
 
Ấy là ngày xưa gạo đong bằng bát, không được đong thiếu mà bát gạo phải bằng, không được lõm, ăn gian. Với chồng thì “Tập chi những thói kiêu ngoa / Tiếng cười sư tử vì ta xấu chồng / Chồng thương càng kính càng nhường / Xỏ chân vào mũi ra tuồng trò chi?”.
 
Xảy ra chuyện thì “Chớ nặng mặt chớ sa mày / Chớ nói gay gắt, ghe ngày đòn oan / Đợi khi cơn giận nguôi tan / Những điều chồng lỗi sẽ can từ từ” ... Với bạn của chồng:“Những khi khách ở ngoài nhà / Chửi mèo mắng chó ấy là khó nghe / La con đánh tớ chớ hề / Chạnh lòng đến khách tiếng chê đến chàng”... Gái họ Lê sắc sảo, đáo để và khôn ngoan nổi tiếng trong vùng là nhờ được dạy chu đáo.
 
Con trai thì lấy sự hiếu học làm đầu, học để hiểu biết, để có danh khoa bảng làm rạng rỡ cha ông và dòng họ chứ không phải đua nhau làm quan ngồi trên cổ dân bằng mọi giá kiểu “con nên chức phận cha mòn trán, em được khoa danh chị nát đồ”.
 
Thái độ coi khinh làm quan thời Tây là nhân cách của nhiều kẻ sĩ xứ Nghệ. Giáo sư Phan Ngọc kể cho tôi nghe rằng lúc cụ cử Phan Võ là bố ông định kết thông gia với cụ hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, có người huynh trưởng họ Phan hỏi xem đã biết gia đình bên người ta thế nào mà gả con gái. Cụ cử Võ đáp: “Bác yên tâm, nhà người ta đến con chó cũng biết chữ!”. Nếp học, nếp nhà như vậy cũng gọi là có “thương hiệu”.
 
Gia huấn ca lưu truyền trong họ nội họ ngoại, người nói do cụ Lê Kinh Tế (cố ngoại của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện), người bảo cụ Lê Kinh Hạp (ông ngoại của giáo sư Hoàng Xuân Hãn) làm ra. Lớp người như mẹ tôi đều thuộc lòng, hễ có dịp lại đưa ra đọc cho nhau nghe như là kể Truyện Kiều vậy. Sau khi mẹ tôi mất, tôi phải nhờ bà chị họ Lê Thị Lựu đọc cho mà chép để lưu lại. Cả bài hơn hai trăm câu lục bát, vậy mà rất nhiều người thuộc.
 
Những bài gia huấn ca như thế nhiều dòng họ đều có. Tất nhiên, nước chảy qua cầu, nhiều thứ đều có thể đổi thay, một số lời răn trong gia huấn đã trở thành cũ kỹ, lạc hậu, không dùng được nữa nhưng cái cốt lõi về đạo đức, về quan niệm sống, về danh dự con người thì đời nào, nước nào, dân tộc nào chắc cũng không khác. Cái mạch gia phong, nếp nhà chảy trong những câu dặn dò của người lớp trước cho người lớp sau. Với chúng tôi, đó là hành trang mang theo để vào đời.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo