xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vốn ưu đãi nhưng lắm rào cản

Bảo Trân

Thời gian cho vay vốn đóng tàu vỏ thép giống tàu vỏ gỗ nhưng giá thành đắt gần gấp đôi mà công suất như nhau. Sản lượng khai thác của tàu vỏ thép cũng không hơn nhiều nên người dân ngại

Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương để sơ kết việc thực hiện Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Lúng túng về thủ tục

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám cho biết đã có 22 tỉnh, thành phố (trong tổng số 28 địa phương thực hiện Nghị định 67/2014) phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Cụ thể, số tàu đăng ký đóng mới là 628 chiếc, công suất từ 400 CV trở lên. Trong đó có 317 tàu vỏ gỗ, 267 tàu vỏ thép, còn lại dùng vật liệu mới. Số tàu nâng cấp theo ưu đãi của nghị định này chỉ hơn 77 chiếc. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 28 tàu với tổng số tiền 243,31 tỉ đồng (thời hạn vay 11 năm). Dư nợ hiện khoảng 67 tỉ đồng.

Ngư dân tỉnh Bình Định vẫn đóng tàu theo mẫu truyền thống vì mẫu mới của Bộ NN-PTNT đưa ra không phù hợp Ảnh: ANH TÚ
Ngư dân tỉnh Bình Định vẫn đóng tàu theo mẫu truyền thống vì mẫu mới của Bộ NN-PTNT đưa ra không phù hợp Ảnh: ANH TÚ

Tuy nhiên, theo ông Tám, các địa phương và ngư dân còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu. Một số chính sách tín dụng vẫn còn nhiều cản trở như quy định mức vay tối đa nên một số ngân hàng cho rằng có thể cho vay ở hạn mức thấp hơn. Lãi suất vay vốn lưu động ở mức 7%/năm cũng chưa đủ hấp dẫn chủ tàu, bởi không thấp hơn nhiều so với lãi suất vốn vay thông thường nhưng lại cần nhiều thủ tục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết ở tỉnh này mới có 2 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ gỗ. Số lượng tàu đóng mới quá ít là do mẫu tàu, phương án thiết kế tàu còn nhiều chi tiết chưa phù hợp tập quán đánh bắt thủy sản của ngư dân; giá đóng mới còn cao; việc vay vốn rất khó, đặc biệt một số chủ tàu rơi vào tình trạng tài sản thế chấp đang khó khăn, chưa chứng minh được tài sản đối ứng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho biết đã công nhận 79 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn với 73 tàu đóng mới và 6 tàu nâng cấp gia cố. Trước mắt đã ký hợp đồng tín dụng được 4 tàu, giải ngân trên 17 tỉ đồng. Mức cho vay vốn lưu động chỉ có 1,91 tỉ đồng là còn ít quá.

Theo ông Thọ, vướng mắc hiện nay là quy định thời gian cho vay đóng tàu vỏ thép cũng giống tàu vỏ gỗ trong khi giá thành đắt gần gấp đôi mà công suất như nhau. Sản lượng khai thác của tàu vỏ thép không hơn nhiều nên người dân ngần ngại. Ông Thọ đề nghị kéo dài thời gian vay đối với tàu vỏ thép lên 16 năm, nếu để 11 năm thì rất khó hoàn vốn, trả nợ cho ngân hàng. “Quảng Ngãi có tình trạng ngân hàng chần chừ cho vay gây thiệt hại cho ngư dân, thậm chí có hộ đã bán tàu cũ để vay thêm tiền mua tàu mới cũng không được giải quyết dẫn đến mất kế sinh nhai” - ông Thọ gay gắt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà thông tin nhu cầu đóng mới tàu cá ở tỉnh này rất lớn. Hiện đã phê duyệt 76 tàu, trong đó có 25 tàu vỏ thép nhưng mới có hồ sơ của 4 tàu được ký hợp đồng tín dụng. Như vậy là rất chậm. “Bộ NN-PTNT đưa ra giá dự kiến 1 tàu thép là dưới 10 tỉ đồng nhưng hiện nay giá lên đến 18-19 tỉ đồng. Việc giải ngân của ngân hàng rất chậm” - bà Hà băn khoăn.

Ông Thọ cho hay hầu hết ngư dân đóng tàu vỏ gỗ muốn được mua máy cũ chất lượng còn tốt vì giá khoảng 1-1,2 tỉ đồng trong khi máy mới là 2 tỉ đồng, sẽ tiết kiệm được rất lớn. Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết sẽ báo cáo Chính phủ nhưng tinh thần là quản lý được thì vẫn cho phép ngư dân sử dụng.

Kéo dài thời gian vay, giảm thêm lãi suất

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Không có chuyện năm 2016 là dừng chương trình này, bà con yên tâm. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá giai đoạn 2016-2020 cho phép chủ tàu có công suất 400 CV trở lên (không thay máy) được vay vốn để nâng cấp, gia cố vỏ tàu, hầm bảo quản, mua ngư lưới cụ…; cho phép các thành viên của nghiệp đoàn nghề cá được hưởng chính sách bảo hiểm”.

Phó Thủ tướng đồng ý phương án ngư dân có thể trả vốn đối ứng (khi vay vốn đóng tàu) theo tiến độ, không cần trả 1 lần mà có thể chia làm 3 hoặc 4 đợt cho tới khi hoàn thành đóng tàu. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phần vốn đối ứng cho ngư dân có thể vay thương mại. Về thời gian vay vốn, Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ quyết định. Với quy định lãi suất cho vay vốn lưu động 7% là cao hơn lãi suất thông thường, Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất, đồng thời phải để người dân thuận lợi nhất khi tiếp cận vốn lưu động vì họ rất cần mặc dù không có tài sản bảo đảm.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chọn đơn vị xây dựng, công bố thiết kế mẫu tàu bằng vật liệu mới; giao các địa phương lựa chọn đơn vị xây dựng và công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ theo quy định để ngư dân lựa chọn. Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá thành và thẩm định giá đóng mới, nâng cấp tàu làm cơ sở cho việc xác định khoản vay và giám sát thực hiện. Bộ NN-PTNT chỉnh sửa, hoàn thiện các kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 67/2014 để báo cáo Chính phủ cho ý kiến.

Mẫu tàu không đáp ứng thực tế

Cách đây gần một năm, khi tỉnh Bình Định triển khai thực hiện Nghị định 67/2014, ngư dân Đỗ Kén (ngụ xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) rất mừng vì nghĩ ước mơ có tàu mới đánh bắt xa bờ thay tàu gỗ cũ của gia đình sắp thành hiện thực. Vậy nhưng sau khi nghiên cứu thiết kế và giá tiền 21 mẫu tàu khai thác hải sản do Bộ NN-PTNT phê duyệt, ông đã dừng ngay ý định vì không có cái nào phù hợp. Theo ông Kén, chi phí đóng một tàu vỏ gỗ công suất 400 CV với đầy đủ các thiết bị như lâu nay ngư dân địa phương vẫn làm chỉ tầm 3,5 tỉ đồng. Với công suất đó, nếu đóng tàu gỗ theo mẫu mới có giá khoảng 5 tỉ đồng, còn tàu vỏ thép mất khoảng 8 tỉ đồng. Không chỉ vậy, nhiều chi tiết thiết kế của mẫu tàu không phù hợp khi đánh bắt xa bờ, như cabin quá cao gây cản gió khiến tàu rung lắc lớn; nắp khoang chứa không phù hợp với việc vận chuyển sản phẩm ra vào; vị trí đặt giàn câu cá ngừ không hợp lý… Nhiều ngư dân tỉnh Bình Định cũng có chung nhận định như vậy khi nghiên cứu các mẫu tàu khai thác hải sản mới và cho biết việc tiếp cận nguồn vốn vay tại một số ngân hàng cũng lắm nhiêu khê.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cũng nhận định 21 mẫu tàu do Bộ NN-PTNT đưa ra đều không đáp ứng thực tế đánh bắt của ngư dân địa phương. Không phù hợp thì đương nhiên họ phải sửa lại mẫu.

A.Tú

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo