xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ nhà máy giấy của TQ ở Hậu Giang: Chỉ tham vấn cộng đồng... cấp xã

Bài và ảnh: CA LINH

Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam chỉ gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan cấp xã và 20 người dân tham vấn

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (100% vốn đầu tư từ Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) tham vấn cộng đồng rất sơ sài. Trong khi đó, nếu có sự cố xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới tỉnh Hậu Giang mà còn tác động đến nhiều địa phương dùng nước từ sông Hậu.

Xây cảng, trạm điện riêng

Năm 2008, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam lập báo cáo ĐTM do Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) tư vấn với hơn 250 trang. Báo cáo nêu đây là một trong những dự án quy mô không chỉ của tỉnh Hậu Giang mà còn ở khu vực ĐBSCL. Dự án chia làm 2 khu: Khu 1 là nơi đặt nhà máy sản xuất giấy sản lượng 420.000 tấn/năm, trạm nhiệt điện, khu xử lý nước cấp, hệ thống xử lý nước thải. Khu 2 gồm nhà máy sản xuất bột giấy 330.000 tấn/năm, phân xưởng sản xuất ClO­­2, phân xưởng sản xuất ôxy.

Bên trong Nhà máy Giấy Lee & Man vẫn còn ngổn ngang
Bên trong Nhà máy Giấy Lee & Man vẫn còn ngổn ngang

Để bảo đảm nhu cầu điện cho toàn bộ dự án, công ty đã xây dựng 1 trạm điện công suất 75 MW. Lượng than (chủ yếu lấy từ Quảng Ninh) sử dụng cho nhà máy phát điện là 1.101 tấn/ngày. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng cảng trên diện tích 33.703,2 m2 trong khu 1, có khả năng bốc dỡ tối đa 1,4 triệu tấn than và 300.000 tấn nguyên liệu, sản phẩm/năm. Khu xử lý nước cấp có tổng diện tích 12.000 m2, công suất của nhà máy xử lý nước là 270.844 m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu cho cả 2 khu.

Tổng nhu cầu lao động cho toàn bộ dự án là 1.349 người, trong đó 52 lao động nước ngoài. Qua đánh giá, với công suất hoạt động trong năm ổn định đạt 100%, doanh thu của nhà máy sẽ đạt 120 triệu USD/năm. Trong 14 năm đầu của dự án, dự tính đóng góp cho ngân sách nhà nước hằng năm trên 12 triệu USD và tăng trên 18 triệu USD/năm từ năm thứ 15. Dự kiến, 750 lao động sẽ có công ăn việc làm từ dự án này.

Giám sát chất thải quá sơ sài!

Báo cáo ĐTM năm 2008 đã phân tích khá rõ về ô nhiễm không khí, đất, nước, tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học từ các hoạt động của dự án. Tuy nhiên, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định báo cáo ĐTM của dự án Nhà máy Giấy Lee & Man cho thấy việc tham vấn cộng đồng thực quá mức sơ sài. Báo cáo ĐTM chỉ gửi văn bản cho UBND xã và Ủy ban MTTQ xã Phú Hữu A (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - nơi dự án triển khai), sau đó thu lại ý kiến bằng văn bản.

“Liệu 2 cơ quan cấp xã đó có đủ năng lực để hiểu về những tác động môi trường để phản hồi có ý nghĩa hay không? Chắc chắn là không! Vậy nên, không lạ gì khi cả 2 cơ quan trên đều bày tỏ ủng hộ dự án và chỉ dặn dò rằng cần lưu ý thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường” - ông Thiện phân tích.

Ngoài ra, phần tham vấn cộng đồng dân cư do Trung tâm Công nghệ Môi trường tiến hành khảo sát 20 người dân địa phương về tác động đối với đất, nhà và hoa màu. Khảo sát này không hề cho người dân biết về nguy cơ tác động đối với nguồn nước, thủy sản. Do đó, tất cả ý kiến đều đánh giá tích cực sự hình thành và hoạt động của dự án, người dân chỉ kiến nghị giải tỏa đền bù phải thỏa đáng.

Ông Thiện phân tích: Theo khoản 4, điều 12 Nghị định 18/2015/NĐ-CP, trong quá trình thực hiện báo cáo ĐTM, chủ dự án phải tiến hành tham vấn các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Cũng theo ông Thiện, sự tham vấn như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa, khó chấp nhận được. Do hệ thống kênh rạch chằng chịt và chế độ thủy triều lên xuống mỗi ngày của sông Hậu, trong trường hợp nước thải không đạt chuẩn thì hậu quả sẽ khôn lường đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu, các kênh rạch, thủy sản biển vùng cửa sông Trần Đề và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL. Khi thủy triều đưa nước thải lên thì sức khỏe toàn bộ dân số TP Cần Thơ và ven sông sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, các cộng đồng và các tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án không chỉ là 20 người dân ở xã Phú Hữu A. Cộng đồng được tham vấn ít nhất phải có đại diện TP Cần Thơ, tổ chức được tham vấn ít nhất phải có Trường ĐH Cần Thơ - những nơi có thể sử dụng nước ô nhiễm từ nhà máy này và bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ngoài ra, với một dự án khổng lồ như thế, mối quan ngại chính nằm ở chất lượng nước thải. Báo cáo ĐTM cho biết tổng kinh phí dành cho giám sát chất lượng nước thải trong giai đoạn hoạt động chỉ gần 44 triệu đồng/năm với tần suất giám sát 4 lần/năm đối với 15 chỉ tiêu.

“Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, thủy sản nước ngọt ĐBSCL liên quan đến sông Mê Kông ước tính 220.000-440.000 tấn/năm và sản lượng đánh bắt thủy sản ven biển ĐBSCL khoảng 500.000-700.000 tấn/năm. Vào mùa khô, thủy sản tập trung rất nhiều ở cửa sông Hậu. Kinh phí dành cho giám sát chất lượng nước thải chưa đến 50 triệu đồng so với rủi ro những thiệt hại to lớn như vậy thì như chuyện đùa” - ông Thiện quan ngại.

Theo báo cáo ĐTM, nhu cầu nước thô cung cấp cho trạm xử lý nước cấp của dự án là 270.844 m3/ngày đêm hay khoảng 3,13 m3/giây. Lưu lượng trung bình hằng năm của sông Hậu hiện nay là 2.440 m3/giây. Lưu lượng dòng chảy cực đại là 18.000 m3/giây (tháng 10) và lưu lượng dòng chảy cạn nhất là 800 m3/giây (tháng 5). Khi trạm hoạt động, lưu lượng trung bình sẽ giảm 0,13%. “Có thể thấy tác động do thay đổi lưu lượng này rất nhỏ và không đáng kể. Hơn nữa, sông Hậu cũng có khả năng tự làm sạch rất lớn. Các công trình nghiên cứu gần đây nhất đã xác định khả năng tự làm sạch chủ yếu do thủy triều với biên độ dao động lớn tạo nên” - báo cáo nêu.

Tuy nhiên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng Hậu Giang được xem là khu vực vùng trũng nước ở ĐBSCL và là nơi chịu giao thoa của 2 chế độ thủy triều biển Đông và biển Tây nên nơi đây hình thành nhiều vùng “giáp nước” (nơi năng lượng triều và dòng chảy gần như bị triệt tiêu) khiến việc trao đổi nước rất kém. Khi xảy ra sự cố môi trường nước, khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn nước sẽ rất chậm và gây nhiều thảm họa cho việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

“Tạo mọi điều kiện” cho Lee & Man

Tháng 8-2007, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tổ chức khởi công dự án nhà máy giấy Lee & Man khiến không ít địa phương phải thán phục trước những chính sách thu hút đầu tư của lãnh đạo một tỉnh non trẻ như Hậu Giang. Bởi lẽ, khi tách ra từ tỉnh Cần Thơ (cũ) vào năm 2004 thì tỉnh Hậu Giang gặp vô vàn khó khăn. Vậy mà chỉ 3 năm sau, tại tỉnh này lại xuất hiện dự án nhà máy giấy 1,2 tỉ USD khiến ngay cả “đàn anh” TP Cần Thơ cũng chưa làm được. Lãnh đạo của tỉnh này lúc đó đã hứa địa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tập đoàn này đầu tư, sản xuất. C.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo