xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ sập đường hầm thủy điện: Trở về trong nước mắt hạnh phúc

Hồng Ánh - Kỳ Nam - Cao Nguyên

Sau 4 ngày bị vùi lấp trong hầm thủy điện, 12 công nhân đã được giải cứu an toàn lúc 16 giờ 30 phút ngày 19-12, sớm hơn 48 giờ so với dự kiến

Lúc 16 giờ 30 phút, mũi khoan của lực lượng cứu hộ Bộ Tư lệnh công binh (Bộ Quốc phòng) đào ngách bên trái hầm chính đã thông sang vị trí 12 nạn nhân mắc kẹt. Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ đã mở rộng ngách và lần lượt đưa 12 nạn nhân ra khỏi hầm trong sự ngỡ ngàng của lực lượng cứu hộ còn bên ngoài.

Nín thở chờ đợi...

Quả là một sự bất ngờ vì chỉ trước đó 2 giờ, lực lượng cứu hộ vẫn còn tổ chức diễn tập cứu nạn và sơ cứu cho những người bị nạn. Tại buổi diễn tập, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, còn nói với lực lượng diễn tập là chuẩn bị mọi phương án vì có thể sáng mai (20-12) hoặc sớm nhất là khuya 19-12, lực lượng cứu hộ mới  có thể tiếp cận được nạn nhân. Cánh báo chí cũng ngỡ ngàng trước việc đưa các nạn nhân ra khỏi hầm sớm hơn nhiều so với dự kiến. Đến khi nghe tiếng vỗ tay, nhiều nhà báo đã phải chạy thục mạng đến hiện trường để kịp ghi lại giờ phút mong đợi suốt 4 ngày qua.

 

Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân ra khỏi khu vực hầm sập Ảnh: CAO NGUYÊN
Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân ra khỏi khu vực hầm sập Ảnh: CAO NGUYÊN

 

Thượng sĩ Lê Đức Ánh (Công an tỉnh Lâm Đồng) vừa ra khỏi hầm, quần áo ướt sũng cho biết: Hầm rất ẩm thấp, nước thấm quần áo rất lạnh nhưng anh em ai cũng nỗ lực quyết tâm đào càng nhanh càng tốt. Mọi người ai cũng thầm nghĩ các anh chị em bị nạn hãy cố lên đợi chúng tôi. Khoảng 16 giờ 30 phút, anh Phạm Văn Hanh, kỹ sư của Công ty Sông Đà 10, đang chuẩn bị đấu đèn thì nghe tiếng ồn ào từ phía hầm trái. “Đội trưởng đội cứu hộ của Bộ Tư lệnh công binh yêu cầu phía cứu hộ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản ngưng nổ mìn. Mọi người hiểu ý, tất cả đứng yên nín thở chờ đợi. Một khoảng hồi hộp khó tả” - thượng sĩ Ánh chia sẻ.

 

 

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh Bộ Tư lệnh công binh, cho biết: Anh em chúng tôi nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc cứu người. Điều quan trọng nhất là có phương pháp tìm kiếm một cách khoa học. Do đó, mặc dù bắt tay vào công việc cứu nạn muộn, khoảng 12 giờ ngày 18-12 nhưng chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã giải cứu thành công 12 công nhân, vượt kế hoạch mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề ra gần 48 giờ. Để làm được điều này chúng tôi đã tính toán dựa trên khối lượng đất đá sạt trượt và vòm hầm bảo vệ còn lại và đưa ra phương án ngắn nhất, chính xác nhất.

Theo đó, nếu đào đường xiên thì mất thêm nửa ngày và khoảng hầm rất dài do vậy công binh đề nghị đào thẳng. “Đây là kỹ thuật truyền thống của lực lượng công binh. Phương án này thay đổi so với báo cáo với Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng ban chỉ đạo cứu nạn đã tin tưởng để chúng tôi thực hiện. Nhờ phương án này chúng tôi chỉ đào hơn 20 m hầm rút ngắn được 7 m so với báo cáo của Công ty CP Sông Đà 505 đưa ra là đoạn sập dài 27 m” - đại tá Hùng chia sẻ.

Đua từng phút với tử thần

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho rằng tỉnh này đã kịp thời huy động các lực lượng tham gia cứu nạn, nhiều phương án hay được đưa ra và áp dụng một cách hợp lý. Đầu tiên là nỗ lực của đơn vị thi công đã thông khí cho các nạn nhân, tiếp đó huy động tháo nước phía trong hầm chống ngập. Khi các nạn nhân kiệt sức đã truyền được dung dịch dinh dưỡng đặc biệt để duy trì sức khỏe. “Đơn vị cứu nạn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam đã đưa ra phương án hay, hợp lý. Đặc biệt có sự trợ giúp của các cán bộ, chiến sĩ công binh đã đẩy nhanh tiến độ cứu nạn thành công” - ông Tiến cảm kích.

Việc đào các ngách cứu nạn trong ngày 18-12 được nhìn nhận là rất chậm do địa chất khu vực phức tạp, chỉ cát và đá mồ côi, rất dễ xảy ra sập hầm tiếp theo. Tuy nhiên, các đơn vị cứu hộ đã tìm cách khắc phục bằng cách dùng những tấm thép lót xung quanh và dùng các trụ gỗ để chống đỡ. Các đơn vị cứu hộ cũng thay đổi phương pháp đào hầm chữ A bằng đào ngách hình thang để cứu nạn. “Nhưng quan trọng nhất là Ban Chỉ huy công tác cứu nạn cứu hộ tại hiện trường đã huy động toàn lực, tăng cường đưa đất đá từ bên trong ra ngoài, tạo thông thoáng để chúng tôi đẩy nhanh tiến độ đào hầm”- ông Nguyễn Văn Thành, Chánh thanh tra mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chia sẻ.

Có mặt tại hiện trường mới thấy hết sự khẩn trương trong công tác cứu nạn. Dường như lực lượng cứu hộ phải dành từng phút một với tử thần để cứu người. Một kíp đào ngách vừa ra khỏi miệng hầm liền có một kíp khác thay thế.

“Chúng tôi quyết tâm với nhau một kíp nếu đào chưa được 3 vỉ (độ dài của 3 khung gỗ chống đỡ trong ngách hầm) sẽ không ra. Nhiều anh em khi ra khỏi hầm đã mệt lả nhưng đều quyết tâm. Một phút trôi qua chưa đưa được anh em ra thì sự sống của họ có thể bị rút ngắn lại. Nghĩ vậy nên chúng tôi như quên cả mệt”- Hoàng Trọng Nam, một chiến sĩ công binh đào ngách bên trái nói.

 

Thủ tướng khen ngợi lực lượng cứu hộ

Mặc dù đang có chuyến công tác tại Thái Lan, khi nhận được tin cứu hộ thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng và có thư khen ngợi lực lượng cứu hộ ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok chiều tối 19-12.

Trong thư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Chiều 19-12, toàn bộ 12 người kẹt trong đường hầm bị sập đã được các lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn, với tình trạng sức khỏe tốt. Đây là kết quả rất đỗi vui mừng, đáp ứng mong đợi của người thân, đồng bào cả nước những ngày qua đã quan tâm theo dõi, sẻ chia, ủng hộ...”.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng động viên, thăm hỏi các công nhân bị nạn; đồng thời chỉ đạo các y, bác sĩ tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế để khám, cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho các công nhân bị nạn, hỗ trợ gia đình có khó khăn sớm ổn định trở lại...”.

P.Nhung

 

 

Đóng cửa bảo vệ hầm, tìm nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Chúng tôi rất mừng khi đã cứu được các nạn nhân. Khi vừa cứu được 12 nạn nhân xong chúng tôi đã tiến hành bảo vệ hiện trường, trước mắt để thu dọn làm sạch và làm theo quy trình xử lý sự cố. Lực lượng chức năng đã tập hợp các tài liệu liên quan để làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố và làm rõ trách nhiệm.

Trước đó, sáng 19-12, tại khu vực hầm hạ du, một công nhân của Công ty Sông Đà 10 cho biết: Công ty mới tiếp quản khắc phục sự cố sập hầm ở đây gần 2 tháng nay. Theo người này, đoạn hầm hạ du bị sập gần 20 m, khi vào khắc phục đơn vị  phải bắn gần 50 tấn xi măng để gia cố. Những lần tiếp theo, mỗi lần phải bắn thêm từ 10 - 20 tấn nữa. Phải mất nhiều thời gian mới khắc phục được một phần thì tiếp tục xảy ra sự cố ở cửa thượng du.

 

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo