xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ xẻ vườn quốc gia làm thủy điện: Cơ quan chức năng đã đồng ý (?)

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án thủy điện Ea K’tuor nằm trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, được Bộ Công Thương cho nghiên cứu đầu tư xây dựng

Ngày 21-8, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục liên hệ các cơ quan chức năng và chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor về dự án xẻ Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin để làm thủy điện (Báo Người Lao Động số ra cùng ngày đã thông tin).

Ém nhẹm thông tin

Một số tài liệu mà phóng viên có được cho thấy các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho Công ty TNHH Hoàng Nguyên khảo sát xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor trong VQG Chư Yang Sin. Cụ thể, ngày 1-8, Sở Công Thương có báo cáo gửi UBND tỉnh cho biết ngày 30-8, sở chủ trì cùng đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp xem xét điều chỉnh công suất của dự án thủy điện Ea K’tuor từ 7,5 MW xuống 5 MW.
 
Dự án này nằm trong quy hoạch dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt và được Bộ Công Thương cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng. Vì vậy, các sở - ngành đồng ý điều chỉnh công suất để chủ đầu tư tiến hành các thủ tục tiếp theo.
img
Khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor có nhiều loài động - thực vật quý hiếm
 
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chủ trì phối hợp với đại diện các sở, ngành khảo sát hiện trạng rừng khu vực xây dựng thủy điện. Ngày 25-6, sở này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh cho rằng khu vực xây dựng thủy điện thuộc trạng thái rừng trung bình, là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Chư Yang Sin.
 
Dự án sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, hang đá Đắk Tur. Dù vậy, sở vẫn đề nghị UBND tỉnh xem xét cho Công ty TNHH Hoàng Nguyên tiếp tục triển khai dự án, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi mục đích 6 ha rừng VQG Chư Yang Sin để làm thủy điện.

Tuy nhiên, trong những lần trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện các sở nói trên đều khẳng định chưa có thông tin gì về dự án. Khi được hỏi UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Công Thương tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành khảo sát, đánh giá và đã báo cáo tỉnh chưa, ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương, cũng nói là chưa.

Làm thủy điện để chặn lâm tặc (?)

Ngày 21-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Đình Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên, chủ đầu tư dự án thủy điện Ea K’tuor - khẳng định dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Riêng UBND xã Cư Pui và VQG Chư Yang Sin không đồng ý nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến dự án vì 2 nơi này không có quyền quyết định.
 
Ông Tuấn nói: “UBND xã Cư Pui và VQG bảo kê cho lâm tặc khai thác gỗ, săn bắn thú rừng”, nếu công ty đặt nhà máy thì sẽ chặn ngay cửa rừng, coi như chặn đường làm ăn của họ nên họ không đồng ý (?!). Nếu không tin, anh thử vào đó hỏi mua thú rừng, gỗ pơmu giờ nào cũng có”.
 
Trong khi đó, ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, phản bác: “Sao lại nói chúng tôi bảo kê cho lâm tặc trong khi chúng tôi luôn có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đó là một sự vu khống trắng trợn, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này”.

Lý giải về việc vì sao xây dựng thủy điện trong VQG, ông Hoàng Đình Tuấn cho biết: “Dự án đã được tỉnh phê duyệt. Tỉnh Đắk Lắk mời chúng tôi tới chứ chúng tôi có vẽ ra đâu. Có 5 MW điện mà chỉ mất khoảng 5 ha rừng thì có gì đâu. Ngoài ra, thủy điện không ảnh hưởng gì tới khu di tích lịch sử hết. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là một trong những dự án thủy điện hiệu quả nhất nước (?!)”.

Thủy điện nhỏ thì nên dẹp!

Chiều 21-8, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về những vấn đề liên quan đến dự án thủy điện Ea K’tuor, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết chưa có thông tin về dự án. Tuy nhiên, ông Liên khẳng định: “Một dự án thủy điện chỉ có 5 MW mà lại lấy đất rừng đặc dụng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG thì không thể đồng tình”.

TS Đào Trọng Tứ, cố vấn cao cấp Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), cho rằng đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ thì cần cân nhắc lợi, hại vì đầu tư vào các dự án này rất tốn kém, hiệu quả không cao; chưa kể việc đặt ở vị trí xa xôi thì còn phải tính đến đường dây truyền tải, làm đường...
 
Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, xây thủy điện nhỏ sẽ để lại hậu quả là nạn phá rừng không thể cứu vãn nổi. “Thủy điện từ 5-7 MW thì nên dẹp đi bởi chỉ tổ làm đường cho lâm tặc “mượn gió bẻ măng” phá rừng mà thôi” - ông Ngãi nói.
 
Cũng theo ông Ngãi, đến năm 2017, Chính phủ sẽ chấm dứt không cho làm thủy điện nữa, còn những thủy điện cỡ 50-70 MW thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà đã làm hết rồi, số lượng như hiện nay là đủ dùng.
 
“Vì vậy, dự án này không những không giải quyết được nhu cầu bổ sung điện năng mà còn gây nhiều tác hại. Cả khi dự án này không nằm trong VQG Chư Yang Sin thì cũng không nên cho làm” - ông Ngãi quả quyết.
Ph.Nhung - V.Duẩn

“Khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor tập trung nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Nếu chặn suối Ea K’tuor làm thủy điện, các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt diệt” - PGS-TS Bảo Huy, Khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, nhận định.


 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo