xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vương quốc độc xà

Minh Khanh

Trung tâm Nuôi trồng - Nghiên cứu - Chế biến dược liệu Quân khu 9 tại xã Bình Ðức, huyện Châu Thành - Tiền Giang, tức Trại rắn Ðồng Tâm, quy tụ hơn 1.000 con, phân nửa là độc xà thuộc 10 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Ðồng Tâm, cho biết trại có 2 nhiệm vụ chính là bảo tồn các loài rắn và chữa trị cho người bị độc xà cắn.

Trại rắn Ðồng Tâm như một vương quốc độc xà với cơ man là rắn, từ con mới nở khoảng hơn gang tay đến những con trưởng thành dài 2-3 m với đủ màu sắc, được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo. Theo anh Nguyễn Danh Hiếu, chiến sĩ tổ nuôi rắn, độc xà được cho ăn 2 lần mỗi tuần nhưng lượng mỡ cơ thể cho phép chúng nhịn đói cả 1-2 tháng.
 
Anh Hiếu cho biết thức ăn của độc xà là cóc, nhái, chim, chuột… được rửa sạch, loại bỏ nội tạng, xắt nhỏ. "Do họng rắn rất mỏng nên thức ăn quá lớn có thể làm rách, còn việc loại bỏ nội tạng là để giảm nguy cơ nhiễm giun sán. Ðộc xà chỉ xơi thức ăn tươi, món thối rữa chúng không thèm, vì vậy chúng tôi phải trang bị 4 tủ đông để trữ đồ ăn. Khi rắn bị bệnh hoặc lở miệng không nuốt được, chúng tôi phải xắt đồ ăn thật nhuyễn rồi bón từng chút một" - anh giải thích.
 
img
Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm thuần dưỡng độc xà. Ảnh: T.S
 
Trong thế giới độc xà này, hổ hèo có thể phun độc xa 1-2 m, cạp nong chỉ cần mổ một phát là nạn nhân đã xuất huyết toàn thân, bị rắn hổ chúa đớp phải thì không tử vong cũng trụy tim, xuất huyết não... Vậy mà, những người nuôi rắn ở đây lại chăm chút chúng chẳng khác gì chó, mèo. "Bốn người trong tổ đều chứng kiến rắn từ thuở mới nở đến khi trưởng thành hoặc từ lúc chúng được đưa bên ngoài về trại nuôi dưỡng nên ngoài trách nhiệm còn có tình cảm" - anh Hiếu lý giải.
 
Rắn hay mắc bệnh giun sán và nấm da, vì thế, không chỉ thức ăn mà nơi ở của chúng cũng phải được vệ sinh sạch sẽ. Chỉ một chú rắn hổ chúa đang nghển cổ phùng mang, thượng úy Nguyễn Hữu Viên, tổ trưởng tổ nuôi rắn, nói như trách móc: "Xem oai vệ là vậy nhưng đây là loài mất vệ sinh nhất. Rắn hổ chúa toàn đi vệ sinh vào máng đựng nước uống, chúng tôi tập hoài nhưng chúng không bỏ được".
 
Ðộc xà ở Trại rắn Ðồng Tâm "xuất thân" nhiều nơi: Hổ mang chúa từ những cánh rừng đước Cần Giờ - TPHCM, Cà Mau hay tận Campuchia; lục đuôi đỏ trên núi cao Tây Bắc, rừng già Trường Sơn… Chúng có thể được thu giữ từ kẻ buôn bán động vật hoang dã hay do bắt ngoài tự nhiên đem về trại gây nuôi. "Rắn do người dân săn bắt đem đến bán hoặc thu giữ trong các vụ buôn lậu thường rất dữ tợn và tuổi thọ thấp do bị tổn thương nhiều; còn loại được chúng tôi bắt về gây nuôi thì như rắn nhà nên hiền hơn và tuổi thọ cao hơn" - anh Hiếu cho biết.
 
Theo thượng úy Viên, chăm sóc độc xà phải nhẹ nhàng và luôn chú ý đề phòng, phải nắm được đặc tính từng loài và thói quen từng con. Hai mươi năm gắn bó với nghề nuôi rắn, chính anh cũng từng bị rắn cắn phải điều trị hơn một tháng. Anh khoe: "Chỉ cần nói số chuồng, chúng tôi đã hình dung ngay "mặt mũi" từng con, dù với mọi người, cùng một loại rắn thì con nào cũng giống nhau".
 
Ðưa chúng tôi đến chuồng một con rắn hổ chúa màu nâu xám, thượng úy Viên đùa: "Thấy hắn đẹp trai không? Năm tuổi rồi đó, nó ở đây đã 2 năm. Khi bắt được nó, người dân sợ bị cắn nên lấy kẽm gai quấn miệng lại rồi mang tới đây bán. Lúc đó trông nó tội nghiệp lắm, miệng lở lòi cả xương, thịt thì thối... Chúng tôi phải xắt đồ ăn thật nhỏ bón từng chút cho nó, rồi xức thuốc điều trị các vết loét, cho xổ giun…".
 
Nuôi dưỡng rắn lục, hổ mang chúa, hổ hèo, cạp nong…, toàn là "cao thủ độc xà" nhưng nọc của chúng được Trại rắn Ðồng Tâm nghiên cứu ứng dụng để cứu người. Trung tá Lương cho biết nọc độc rắn được dùng để bào chế huyết thanh kháng độc. Khoa Cấp cứu rắn cắn tại Trại rắn Ðồng Tâm trung bình mỗi năm cứu được khoảng 1.000 nạn nhân của độc xà. Ngoài ra, nọc rắn hổ mang còn là nguyên liệu chính sản xuất thuốc xoa bóp Cobratoxan dùng chữa nhức mỏi, viêm xương khớp.
 
Hiện nay, Trại rắn Ðồng Tâm đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Khai thác, phát triển nguồn gien rắn hổ mang đất, hổ mang chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc", đồng thời thực hiện dự án bảo tồn nguồn gien rắn hổ hèo. Theo trung tá Lương, rắn ở đây sẽ được chuyển dần sang nuôi nhốt trong điều kiện tự nhiên.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo