xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vượt qua nỗi niềm “có H”

Bài và ảnh: THU HỒNG

Sau những lỗi lầm, nhiều người có HIV/AIDS đã đứng dậy, gột bỏ quá khứ, cố gắng sống có ích với mong mỏi được gia đình và xã hội thừa nhận, xóa bỏ kỳ thị

Căn nhà nhỏ trong một con hẻm trên đường Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận - TPHCM, nơi T.T.V.L - Phó nhóm Tự lực Tình bạn 1 - cư ngụ, từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người có H (HIV/AIDS). Hàng trăm lượt người đã đến đây nhờ anh tư vấn, giúp đỡ về sức khỏe, luật pháp, chuyện sinh nở, kết hôn… Thân nhân nhiều người có H giai đoạn cuối cũng thường đến gõ cửa nhờ L. chăm sóc người nhà. Dù đêm hôm hay mưa gió, khi có ai cần là anh lại đi ngay.

Quyết tâm gượng dậy

Khi chúng tôi đến, L. đang có một ca tư vấn. Một phụ nữ da sạm đen, nét mặt khắc khổ, nói như van lơn: “Xin anh hãy giúp tôi”. Trước những lời hỏi han chân tình của L., chị đã không ngần ngại kể về chuyện tình éo le của mình khi yêu và muốn kết hôn với người có H.

Dẫn người phụ nữ tham quan một vòng nơi trưng bày sách vở, hình ảnh về người có H trong nhà, L. ân cần: “Chị hãy cùng anh đến trung tâm tư vấn và xét nghiệm trước khi kết hôn. Dù chị yêu anh nhưng đi khám sẽ là cơ sở vững chắc để hai người bảo đảm cuộc sống an toàn và chất lượng hơn”.
Người phụ nữ vẫn băn khoăn: “Tôi có thể có con với người có H không? Tôi khao khát một đứa con nhưng rất lo cho bé và cũng không thể lựa chọn ai khác ngoài anh ấy”. Nắm lấy tay chị, L. nhẹ nhàng: “Chị hãy tin tình yêu rất kỳ diệu, một đứa bé là kết quả đẹp nhưng nếu chị thương con, muốn bé khỏe mạnh thì hãy đến các trung tâm, bệnh viện để được tư vấn trước đã”. Nét mặt người phụ nữ dãn hẳn ra, chị thở phào: “Tôi đã trút đi phần nào nỗi lo”.

img
Anh N.V.H.Q.C rất vui vẻ với công việc thiện nguyện tại nhà thờ

Khi L. định quay sang tiếp chuyện chúng tôi, anh lại có một ca tư vấn qua điện thoại. “Anh muốn mổ amidan à? Anh có bảo hiểm không, định khi nào mổ?” - L. nhỏ nhẹ. Nghe từ đầu dây bên kia một hồi, L. trấn an: “Như vậy là sức khỏe bình thường, anh có thể mổ được. Từ giờ đến khi mổ, anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”.

Với dáng vẻ luôn tất bật, tự tin của L., ít ai nghĩ chàng trai 28 tuổi này đã 10 năm sống chung với H. Ở tuổi 18 tràn đầy nhựa sống, L. nhiễm H sau những tháng ngày bị bạn bè lôi kéo chơi ma túy. “Thi đậu ĐH, tôi bị nhóm bạn thân rủ rê tụ tập hít heroin, chưa đầy một năm thì bị đưa vào trại cai nghiện. Vào trại vẫn có “hàng” tuồn vào, tôi chuyển qua chích và nhiễm H. Tôi trở về nhà với thân hình gầy trơ xương, bị bao người khinh miệt. Mẹ khóc hết nước mắt, bán đi miếng đất dành dụm để đưa tôi vào bệnh viện điều trị. Tôi không thiết sống, xin về nhà chờ những ngày cuối đời” - anh nhớ lại.

Những ngày đó, điều kinh khủng nhất với L. không phải là cái chết đang đến mà là mỗi sáng thức dậy, anh chứng kiến người mẹ ngày càng hao mòn đang ngồi khóc.  Người bác của L. đã lặn lội nhiều nơi tìm các điểm sinh hoạt dành cho người có H. “Thế là tôi quyết tâm gượng dậy. Đầu tiên, tôi tìm đến CLB Bạn giúp bạn ở Phú Nhuận, nơi dành cho những người có H. Sự rụt rè, nhút nhát không còn nữa, tôi dần dà cởi mở, biết chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ. Cuối năm 2009, tôi tiếp tục tham gia Tự lực Tình bạn 1 và được cử làm phó nhóm; làm đồng đẳng viên dự án dự phòng tích cực cho người có H” – L. khoe.

Biết sống có ích

“Con người ai cũng có lỗi lầm, quan trọng là phải biết đứng dậy. Xin hãy trân trọng những điều họ làm”. Câu nói của N.V.H.Q.C làm tôi nhớ mãi. Cũng có quá khứ tăm tối vì nghiện ngập, năm 2009, C. phát hiện mình nhiễm H, dù đoán trước hậu quả nhưng anh không khỏi hụt hẫng và sống ngày càng tụt dốc. Từ bệnh viện trở về nhà, C. co rúm người chờ chết. Thế nhưng, khi những người không ruột rà đến thăm và động viên, rồi hình ảnh người mẹ già và đứa em gái thay nhau thức trắng đêm xoa đầu cho mình ngủ đã khiến anh thức tỉnh.

Đến quý I/2011, cả nước có 185.623 người nhiễm HIV còn sống, gồm 44.700 bệnh nhân AIDS. (Nguồn: Bộ Y tế)

Sáu tháng liền, C. tập đi, tập chạy xe đạp. Sau đó, anh đến nhà thờ T.A ở gần nhà tại quận Tân Phú – TPHCM xin được làm việc thiện nguyện. Đều đặn mỗi ngày, cứ 8 giờ, C. đến nhà thờ quét sân, rồi chiều lại đến để giữ xe cho khách đi lễ. Khi có đoàn đi làm từ thiện, anh xin theo để khuân vác đồ đạc, phụ việc lặt vặt. Rồi ở đâu có ca nhiễm H cần tư vấn, C. sẵn sàng đi ngay. “Đi để chia sẻ và để thấy cuộc sống rất đẹp. Người có H không chết vì bệnh này mà chết vì bệnh cơ hội và những u sầu họ mang lấy. Nếu biết sống có ích, họ sẽ không cô đơn và không bị xã hội kỳ thị nữa” - anh tự tin.

“Biết sống có ích” cũng là điều mà 6 năm nay, P.M.H và N.T.N.T, đôi vợ chồng trẻ có H ngụ tại quận Gò Vấp – TPHCM, hiện làm đồng đẳng viên của quận Phú Nhuận, luôn tâm niệm. Họ đều đặn đi khắp nơi để tư vấn, chăm sóc người cùng cảnh ngộ nhưng bệnh tình nặng hơn. Anh chị cũng không ngần ngại tìm đến những bệnh nhân đã quá bi quan vào cuộc sống.

Chúng tôi theo chân vợ chồng H. đến thăm Th., một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối ở phường 2, quận Phú Nhuận. Thấy chúng tôi, Th. gượng cười, run run chỉ vào những mụn nhọt đang lở loét dưới lưng. H. nhẹ nhàng lật người Th. qua, còn T. nhanh chóng dùng bông băng, thuốc sát trùng lau vết thương. Vừa bôi thuốc cho Th., T. vừa hướng dẫn người nhà cách chăm sóc. Nét mặt đau đớn cách đó vài phút tan nhanh, Th. khều tay T. nói nhỏ: “Mai cô lại đến nhé”…

Cũng nghiện rồi dính H và lây sang vợ, khi nghe tin dữ, H. như rơi xuống vực sâu. Bao dự định đều tan biến, nhất là khi T. lại đang mang thai đứa con thứ hai, nỗi lo của họ càng chất chồng. T. thổ lộ: “Đau đớn quá, tôi định tự vẫn nhưng vì thương con nên phải cố sống. Những ngày đầu H. từ trại về, anh cứ tự trách, tự làm khổ mình. Thế nhưng, tôi khuyên anh hãy đứng lên và sống có ích. Tôi tham gia CLB Bạn giúp bạn, rồi chuyển qua làm đồng đẳng viên của quận Phú Nhuận. Thấy việc gì có ích cho xã hội, tôi đều kéo chồng tham gia”.

Gặp gỡ nhiều người có H, điều chúng tôi nhận thấy là sau những lỗi lầm, họ đã cố vượt qua để sống và khao khát được cống hiến, giúp ích cho xã hội.

Không tuyệt vọng!

Đó là thông điệp mạnh mẽ mà những nạn nhân HIV/AIDS muốn gửi tới cộng đồng qua cuộc triển lãm “Những đóa Hướng Dương” tại Hà Nội từ ngày 2 đến 30-12, hưởng ứng Tháng Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS năm 2011 do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức. Câu chuyện của các mẹ, các chị và các em nhỏ đã để lại những ấn tượng sâu sắc về những phận người tuy mất mát, đau đớn nhưng đầy nghị lực vươn lên.
 
img
Anh T.T.V.L tư vấn cho một đôi vợ chồng có H tại nhà riêng
T.T.Q, quê Thái Nguyên, nghẹn ngào nhớ lại ngày cô phát hiện mình nhiễm HIV. Vừa đau đớn tột cùng vừa tủi phận nghiệt ngã, Q. chưa kịp định thần thì đã gặp phải cảnh xa lánh, ruồng bỏ từ gia đình chồng. “Ai cũng sợ em. Đến nỗi một hôm có người đến mua tóc, chị hàng xóm phải chạy về nhà lấy kéo cắt vì sợ lây nhiễm từ chiếc kéo của em” - Q. tấm tức.
Chị Đ.T.O, cũng ở Thái Nguyên, đang vật vã vì HIV thì chồng chết, bỏ lại chị và 3 con nhỏ. O. suy sụp đến mức không thiết sống. O. đã 3 lần viết di chúc gửi lại con, xin “được chôn trên ngọn đồi trước nhà để hằng ngày còn được trông thấy cha mẹ và các con”. Nhưng rồi nghĩ thương con, chị lại xé bỏ di chúc. Chị N.T.M ở Yên Bái thì thường xuyên tích trữ thuốc ngủ để quyên sinh...

Nhiều phụ nữ không chỉ khóc cho bản thân mình mà còn phải từ giã chồng, con mà không thể làm gì được. Thế nhưng, họ đã gắng gượng vượt qua. Mỗi người một số phận nhưng không ai bảo ai, họ đều quyết tâm vượt lên nỗi đau thể xác và tâm hồn để trở thành người có ích. Họ đã kết nối với nhau, cùng trao đổi để phòng chống HIV tốt hơn và có thể giúp nhau, giúp cả những người bình thường, kiến thức cần thiết để phòng chống căn bệnh thế kỷ này.

“Hãy xem những người có HIV/AIDS là con người, đừng xa lánh và kỳ thị họ, để họ có được niềm tin vào cuộc sống” - chị N.T.L, ngụ Yên Bái, mong mỏi. Bích Diệp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo