Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Mo Rai ở huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum nằm heo hút ở vùng biên giới giáp với Campuchia. 99 hộ dân với 255 nhân khẩu đến từ mọi miền của đất nước nhưng có điểm chung là ai cũng nghèo.
Thiếu thốn trăm bề
Theo anh Võ Văn Vinh - Tổng hội trưởng thanh niên xung phong, Tỉnh đoàn Kon Tum - khi lên làng, mỗi hộ được giao 4-5 ha đất, đối với cặp vợ chồng thì 7-10 ha. Bên cạnh đó, còn được cấp căn nhà trị giá 50 triệu đồng và vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng. Hiện ngôi làng có 99 hộ, đa phần là bộ đội xuất ngũ, đồng bào dân tộc thiểu số, một số ít học xong không xin được việc làm.
Đợt đầu tiên có 24 người tham gia lập làng, cùng nhau dựng lều ở, sáng đi dọn rẫy, tối về không có gì làm nên chỉ biết… uống rượu.
“Anh em phải dựng lều bằng bạt để ở trong những ngày mưa gió não nề, gió có khi giật tung tất cả, anh em chỉ cố giữ cho bao gạo và bao cá khô khỏi ướt” - anh Vinh nói. Nơi đây chưa có trạm y tế, muốn ra tới trung tâm xã phải mất 30 km và ra trung tâm huyện mất 40 km. Mỗi khi có ai bị đau ốm, mọi người đều phải đưa tới trạm y tế của bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó, tại đây chỉ có 1 điểm trường tiểu học gồm 3 lớp học là 1+2, 3 và 4+5.
Anh Đỗ Thanh Thành, một hộ dân, kể lúc mới lên cày đất để trồng cao su, anh cày trúng rất nhiều hang rắn hổ mang. Bị phá ổ, rắn hổ mang đuổi theo phun nọc độc và cắn vào máy cày. Rắn hổ mang nhiều đến nỗi anh Thành bị ám ảnh, thậm chí khi ngủ còn mơ bị rắn cắn. Đến khi tỉnh dậy, thấy tay bị xước, anh hốt hoảng lên đồn biên phòng chữa trị thì mới phát hiện chỉ là vết xước do... va vào vách tường!
Thiếu đất sản xuất
Nằm sát biên giới Việt - Lào, làng TNLN của Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế ở xã Hương Phong, huyện A Lưới có 45 hộ dân sinh sống. Những gia đình trẻ là các thanh niên vừa mới lập gia đình bắt đầu lên đây định cư vào năm 2011, muộn nhất là đầu năm 2013.
Ăn vội miếng cơm rồi nhanh chóng vào rừng keo vác gỗ thuê, anh Hồ Văn Toàn cho hay từ lúc lên đây, hoàn cảnh gia đình anh còn khó khăn hơn trước. Theo bản cam kết giữa các hộ gia đình với Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế, khi lên lập nghiệp, mỗi gia đình ngoài việc được hỗ trợ tiền làm nhà, cấp 2.000 m2 đất ở và đất vườn còn được cấp từ 1-3 ha đất rừng sản xuất, hỗ trợ 14 triệu đồng/ha để khai hoang, mua cây giống. Thế mà đã 3 năm từ khi lên định cư, gia đình anh chưa nhận được đất sản xuất.
“Đất vườn thì cằn cỗi, nằm sát con suối nên trồng cây gì cũng khó. Vào đây ở, địa bàn xa xôi nên mỗi lần đi làm thuê rất tốn kém, khó kiếm việc” - anh Toàn nói.
Anh Hồ Văn Đông, Trưởng khu B làng TNLN A Lưới, cho biết trước khi lên đây định cư, anh bán một lô đất được 60 triệu đồng rồi bù vào khoản hỗ trợ 30 triệu đồng từ dự án mới làm đủ căn nhà. Những tưởng lên làng TNLN, cuộc sống của gia đình sẽ ấm no hơn nhưng giờ anh Đông đang thất nghiệp vì chưa được cấp đất rừng sản xuất.
Không đất sản xuất, vợ anh đành “cắm” sổ lương vay hơn 100 triệu đồng cho chồng chăn nuôi, trồng cây trong vườn nhưng chẳng được gì. Cuộc sống gia đình anh đành phải trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người vợ dạy học ở Trường Mẫu giáo Hương Phong.
Theo anh Đông, tại khu B của làng TNLN có 26 hộ dân lên sinh sống vào đầu năm 2013, tất cả đã được hỗ trợ tiền xây dựng nhà, đất ở và đất vườn nhưng chỉ 5 hộ có đất rừng sản xuất. Những hộ này chủ yếu là người quen, con cháu của cựu chủ tịch UBND xã Hương Phong hoặc là công chức huyện A Lưới. Trong 26 hộ dân, chỉ có 19 hộ đăng ký tham gia các hoạt động nhưng chưa tới 10 hộ sinh sống thường xuyên.
Theo anh Đông, gia đình anh vừa nộp 800.000 đồng tạm ứng cho UBND xã Hương Phong để xin được cấp 0,7 ha đất rừng vừa mới được một đơn vị bộ đội trả lại cho địa phương. Anh phải nộp thêm 1,2 triệu đồng để chính quyền thuê đơn vị đi đo đạc, cắt thửa. Anh Đông và nhiều hộ dân ở làng TNLN A Lưới hiện rất lo lắng khi chính quyền địa phương cảnh báo có thể họ phải nộp một khoản tiền thuế đất hàng chục triệu đồng để được cấp giấy chứng nhận đất vườn và đất ở mà dự án bố trí.
“Chúng tôi lên vùng kinh tế mới theo dự án của đoàn thanh niên. Các hộ dân đã rất khó khăn mà còn phải nộp số tiền lớn như vậy” - anh Đông bức xúc.
Quỹ đất quá khó!
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Quản lý dự án Làng TNLN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dự án này được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt với kinh phí 24 tỉ đồng nhưng chỉ thực hiện được 19 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự án kết thúc từ năm 2013. Đến nay, còn 20 hộ dân tại làng vẫn chưa được cấp đất sản xuất như cam kết ban đầu do quỹ đất ở xã Hương Phong hạn hẹp.
“Huyện A Lưới đang có kế hoạch thu hồi đất rừng của một số đơn vị và người dân địa phương tự lấn chiếm để cấp cho các hộ dân này. Dù dự án đã kết thúc nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành với người dân để giải quyết vướng mắc” - ông Cường khẳng định.
Kỳ tới: Gỡ khó cho dân
Bình luận (0)