xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xáo trộn vì đóng tài khoản ngân hàng

THÁI PHƯƠNG

Hàng loạt tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… sẽ phải đóng, nếu không chuyển sang tài khoản cá nhân hoặc pháp nhân

Đây là quy định trong Thông tư 32/2016/TT-NHNN (Thông tư 32) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ gây xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức này. Trong khi đó, NHNN khẳng định quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên và bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.

Sợ ảnh hưởng đến kinh doanh

Những ngày qua, nhiều khách hàng là văn phòng luật sư, doanh nghiệp (DN) tư nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác… nhận được thông báo từ NH thương mại về việc thực hiện Thông tư 32, thông báo chuyển đổi tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Cụ thể, thông báo của NH TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) nêu: Thực hiện quy định của Thông tư 32, trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1-3, các khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân như chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, DN tư nhân, hộ gia đình… đã mở, sử dụng tài khoản tại PVcomBank trước ngày 1-3 sẽ phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản.

Kể từ ngày 1-3-2018, với các khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản, PVcomBank sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để đóng tài khoản.

Nhiều DN tư nhân, văn phòng luật sư bày tỏ lo lắng khi quy định này được áp dụng bởi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chủ một tiệm vàng tại quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết đã nhận được thông báo từ NH nơi mở tài khoản yêu cầu chuyển tài khoản thanh toán sang hình thức tài khoản cá nhân hoặc tài khoản DN. Hiện tiệm vàng đăng ký hoạt động dưới hình thức DN tư nhân, nếu chuyển sang tài khoản cá nhân sẽ không được khấu trừ các chi phí thuế chính đáng hoặc phải mở riêng 2 tài khoản thanh toán: một để phục vụ các hoạt động mua bán của tiệm vàng và một để sử dụng cho mục đích cá nhân riêng nhưng cách này khá phiền phức.

Tương tự, luật sư Nguyễn Sa Linh, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Linh (quận 10, TP HCM), cho biết chưa nhận được thông báo của NH nơi mở tài khoản về việc chuyển đổi nhưng cũng lo ngại hoạt động của văn phòng sẽ gặp khó khăn. Bởi lâu nay, tài khoản thanh toán được sử dụng cho hoạt động tư vấn là của văn phòng chứ không phải tên cá nhân. Theo quy định, khi văn phòng luật sư ký hợp đồng, giao dịch với các đối tác từ 20 triệu đồng trở lên thì phải chuyển khoản qua NH. Nay, nếu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của luật sư, khách hàng là DN sẽ không đồng ý vì lo ngại không được hoàn thuế, tính chi phí thuế hợp lý cho các giao dịch này…

Xáo trộn vì đóng tài khoản ngân hàng - Ảnh 1.

Hộ gia đình kinh doanh là đối tượng phải chuyển đổi hình thức tài khoản thanh toánẢnh: Tấn Thạnh

Hạn chế rủi ro cho các bên

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM nhìn nhận đối với khách hàng là DN tư nhân, hộ kinh doanh, việc chuyển đổi tài khoản sang cá nhân sẽ không gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, DN tư nhân thường do một cá nhân làm chủ, giờ đổi sang tài khoản cá nhân thì số tài khoản có thể giữ nguyên và ghi chú thêm "là chủ DN tư nhân".

"Nhưng, với các khách hàng là tổ chức khác như quỹ đầu tư, tổ hợp tác, văn phòng luật sư…, việc áp dụng quy định trong Thông tư 32 sẽ gặp khó khăn hơn. Bởi khi các dòng thu chi của những tổ chức này được chuyển vào tài khoản cá nhân có thể tạo sự thiếu tin tưởng, ngại không minh bạch và gặp khó khăn khi chứng minh chi phí hợp pháp để được khấu trừ thuế theo quy định" - vị phó tổng giám đốc này nhìn nhận.

Bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán - NHNN, khẳng định việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ Luật Dân sự 2015. Quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định.

"Việc tồn tại các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế và để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, NHNN đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này" - bà Minh nói.

Liên quan đến việc thực hiện thủ tục thuế của các văn phòng luật sư, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết theo quy định, văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình DN tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Theo quy định, DN tư nhân không có tư cách pháp nhân và văn phòng luật sư không đủ tư cách chủ thể độc lập để mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Vì vậy, tài khoản thanh toán của văn phòng luật sư thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản thanh toán của cá nhân.

Ngoài ra, về chính sách thuế đối với DN tư nhân, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn và bộ này đã có công văn hướng dẫn cụ thể cho phép khấu trừ chi phí vay vốn của cá nhân chủ DN tư nhân khi tính thuế thu nhập DN của DN tư nhân.

Không nên gây cản trở

Ở góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), phân tích Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về các chủ thể pháp lý và giao dịch dân sự để áp dụng cho mọi quan hệ dân sự nói chung bao gồm cả hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật có nhiều chủ thể không phải pháp nhân, cũng không đơn thuần là một cá nhân mà là một tổ chức như tổ hợp tác, nhóm trẻ lớp mẫu giáo, văn phòng luật sư, quỹ đầu tư chứng khoán, văn phòng giám định tư pháp, hộ gia đình, DN tư nhân, văn phòng thừa pháp lại…

Theo luật sư Trương Thanh Đức, khi giao dịch với pháp nhân là chấp nhận nhiều tên gọi khác nhau thì khi giao dịch với cá nhân cũng cần chấp nhận tương tự. Nếu cứ bắt phải giao dịch duy nhất với cá nhân, trong khi pháp luật định danh nhiều loại thực thể pháp lý khác nhau không phải là pháp nhân là không đúng và dù có đúng cũng không hợp lý. Chưa kể, điều 344 Bộ Luật Dân sự năm 2015 vẫn bắt buộc NH phải cho vay tín chấp đối với hộ gia đình nghèo chứ không phải là đối với các cá nhân thành viên của hộ gia đình.

"Nên giữ nguyên tên gọi các thực thể pháp lý theo quy định của pháp luật trong giao dịch nhưng xử lý bản chất pháp lý với chúng như với cá nhân. Việc này vừa đúng với quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 vừa hoàn toàn phù hợp với hàng ngàn đạo luật và văn bản dưới luật khác; đồng thời không gây ra sự xung đột, khó khăn, cản trở, vướng mắc gì cho khách hàng, NH và cá nhân, pháp nhân khác" - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Thông tư 32 được NHNN ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ Luật Dân sự năm 2015, quy định chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự nên không đủ điều kiện là chủ thể độc lập tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Cần lộ trình phù hợp

Lãnh đạo NHNN cho biết đang tiếp tục theo dõi, ghi nhận và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư 32.

Chuyên gia tài chính NH, TS-LS Bùi Quang Tín cho rằng việc NHNN quy định các tổ chức không có tư cách pháp nhân phải chuyển đổi tài khoản thanh toán sang tài khoản cá nhân hoặc pháp nhân nhằm phù hợp với Bộ Luật Dân sự năm 2015 là đúng, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng tính khả thi, tính thực tế và không gây xáo trộn lớn cho hoạt động của các tổ chức này cần được xem xét kỹ và có lộ trình áp dụng phù hợp. Bởi thực tế, có hàng trăm ngàn tài khoản của các hộ kinh doanh, văn phòng luật sư, DN tư nhân… có thể phải chuyển đổi hoặc đóng tài khoản theo quy định trong Thông tư 32, tác động này là không nhỏ. Không chỉ liên quan đến tài khoản NH, việc chuyển đổi sang tài khoản cá nhân sẽ tác động đến chi phí thuế, bảo hiểm của DN tư nhân. Do đó cần thời gian dài hơn và lộ trình chuyển đổi phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân.

"NHNN có thể phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các nhóm đối tượng nào ít chịu tác động nhất của quy định này để triển khai thí điểm nhằm hạn chế sự xáo trộn trước khi áp dụng cho toàn bộ khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân như hiện nay" - TS Bùi Quang Tín nói.

L.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo