xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuân “cấp cứu”

Bài và ảnh: PHÚ THÀNH

Dù phải chạy xe ôm để nuôi cả gia đình nhưng hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Xuân đã tham gia sơ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện hàng trăm người gặp nạn

Vừa đến đầu đường vào ấp Phước Hiệp, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, dừng trước một quán cà phê cóc ven đường, hỏi anh Xuân “ba gác”, những người đang nhâm nhi cà phê chuyện trò trong quán nhanh miệng hỏi lại “Có phải Xuân “cấp cứu” không?”. Theo hướng dẫn của họ, chúng tôi tìm được nhà anh Xuân rất dễ dàng, cũng vì trước nhà anh có treo biển “Đội sơ cấp cứu ấp Phước Hiệp”, trong đó có kèm bảng tên Hoàng Xuân và số điện thoại của anh.

Y sĩ bất đắc dĩ

Khi chúng tôi đến, anh Nguyễn Hoàng Xuân (38 tuổi) trong bộ đồ lao động cũ kỹ đang tay chổi, tay cầm ống nước quét dọn chuồng bò. Anh kể: Do nhà ít đất, cất căn nhà nhỏ, một chuồng heo, một chuồng bò đã hết nên phải chạy xe ôm kiếm sống. Công việc này suốt ngày “mài mặt” trên đường, do vậy mà hay gặp người bị nạn. “Thấy người ta bị tai nạn giao thông không có người cứu, mình bỏ sao đành, dù chưa biết sơ cứu nhưng đưa người ta kịp đến bệnh viện chữa trị cũng là điều nên làm. Có người nhà đến kịp thì trả tiền công, không thì cũng vui vẻ ra về coi như làm việc thiện” - anh Xuân tâm sự.

img
Chiếc xe ba gác của anh Xuân đã góp phần cứu sống hàng trăm người bị tai nạn, bệnh tật

Đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của anh, năm 2000, Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Hòa cử anh đi học khóa sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ huyện Long Hồ tổ chức. Tiếp sau đó, anh được cử đi học lớp dành cho đội trưởng Đội Sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long mở. Khi trở về địa phương, anh mở điểm sơ cấp cứu tại ấp nhà. Mỗi năm, trung bình, anh Xuân sơ cứu cho khoảng 100 người hoàn toàn miễn phí.

Khi giao thông phát triển, tai nạn xảy ra nhiều hơn, Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Hòa mở trạm cấp cứu đường bộ khu vực Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bàn xã Lộc Hòa. Đây là đoạn thường xảy ra tai nạn giao thông. Từ khi có trạm cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ, anh Xuân cùng với 5 người trong đội tổ chức luân phiên trực sơ cứu người bị tai nạn và đưa đến bệnh viện.

Cứu thương bằng xe ba gác

Năm 2004, anh Xuân sắm xe ba gác để chở heo mướn cho các lò mổ và từ đó, phương tiện này cũng trở thành “xe cứu thương”. Có trường hợp đang trên đường đi chở heo, thấy người bị tai nạn, anh liền gỡ lồng heo ra để bên đường và đưa người bị nạn đến bệnh viện, sau đó mới quay lại chở heo, bị trễ hẹn nhưng chủ lò cũng không trách vì biết anh làm việc nghĩa.
 
“Lúc nào đi đường, tôi cũng thủ sẵn cờ chữ thập đỏ và bao tay vì người bị tai nạn thường ra máu rất nhiều nên cần đến nó” - vừa nói, anh vừa lấy cặp bao tay và cờ ra như để làm chứng. Anh kể thêm: Cách đây không lâu, có người uống rượu, điều khiển xe và té vào ban đêm, máu chảy đã sắp khô. Người dân hay tin đã báo công an xã và gọi điện thoại cho anh. Lập tức, anh phóng đến chở nạn nhân vào bệnh viện. Bác sĩ nói nếu trễ khoảng 20 phút thì nạn nhân khó được cứu sống.
img
Anh Nguyễn Hoàng Xuân lấy nhà mình làm điểm liên hệ của tổ cấp cứu
 
Trong 5 năm, từ năm 2008 đến nay, đội của anh Nguyễn Hoàng Xuân đã sơ cấp cứu cho trên 758 trường hợp; trong đó, chủ yếu là cấp cứu tai nạn giao thông, cấp cứu bị rắn cắn, ngộ độc thuốc... Ngoài ra, các trường hợp bị bệnh cần chuyển viện khẩn cấp cũng được các thành viên trong đội giúp đỡ, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, đội sẽ vận chuyển miễn phí hoặc chỉ nhận tiền chi phí xăng dầu.
 
Đối với việc trợ giúp tang chế, đội của anh còn hỗ trợ 312 trường hợp, trong đó 128 hộ nghèo được giúp hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, anh Xuân còn là đội trưởng Đội Trợ táng của Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Hòa. Đối với những hộ nghèo, đội trợ táng làm giúp hoàn toàn miễn phí. Trong năm 2011 và 2012, anh cùng các thành viên trong đội vớt được nhiều xác chết trôi sông, tẩm liệm và đưa đi an táng.

Anh Xuân còn tham gia ngày công lao động bắc cầu, xây dựng nhà tình thương, tham gia các đợt cứu trợ, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh dịch, tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện trên địa bàn xã do Hội Chữ thập đỏ hoặc các ngành, đoàn thể khác tổ chức… “Lúc trước, tôi nhậu cũng nhiều lắm nhưng thấy việc uống rượu mà chạy xe nguy hiểm quá, đa số vụ tai nạn giao thông tôi tham gia cấp cứu đều có liên quan đến rượu nên bây giờ chỉ nhậu khi có đám tiệc. Ngay cả những ngày Tết, lễ cũng phải trực cấp cứu vì những ngày này, tai nạn nhiều hơn ngày thường” - anh Xuân cho biết.

Kỳ tới: Giữ rừng không lương

Được Thủ tướng tặng bằng khen

Với nhiều thành tích trong hoạt động từ thiện - xã hội, anh Nguyễn Hoàng Xuân đã được Hội Chữ thập đỏ huyện Long Hồ và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2010, anh được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào yêu nước chuyên đề sơ cấp cứu ban đầu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa tặng bằng khen cho Nguyễn Hoàng Xuân vì có thành tích xuất sắc trong công tác làm từ thiện.

Người tốt quanh ta

L.T.S: Giữa những cái ác, cái xấu, quanh ta vẫn có rất nhiều người tốt làm việc nghĩa, tô điểm cho cuộc sống thêm đẹp. Kể về họ, ngoài sự biểu dương, đấy còn là sự tri ân.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo