xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Yên bình “địa ngục trần gian”

Bài và ảnh: Hồng Đào

Sau mỗi chuyến đi đến các vùng đất thiêng, dường như ai cũng thấy mình trưởng thành hơn và tự dặn lòng phải sống có trách nhiệm, làm sao để xứng đáng với những người đã ngã xuống

Bị hoãn chuyến bay một lần vì thời tiết xấu, đến ngày đi thăm Côn Ðảo, sáng sớm trời mưa thật to khiến chúng tôi ai cũng lo lắng. Thật may, mưa tạnh dần và bầu trời trở nên yên ả. Chỉ mất 45 phút, chuyến bay từ TP HCM đã đưa các cán bộ Công đoàn đoạt Giải thưởng 28-7 của LÐLÐ TP đáp xuống Côn Ðảo.

img
Thăm nơi Chủ tịch Tôn Ðức Thắng từng bị giam giữ

Xúc động, tự hào

Khác với hình dung của chúng tôi, "địa ngục trần gian" khét tiếng thuở nào giờ là một vùng đất xinh đẹp, yên bình.

Ngay trong đêm đầu tiên ở Côn Ðảo, chúng tôi đã đến thắp hương trên mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Hàng ngàn ngôi mộ được thắp sáng bằng hệ thống năng lượng mặt trời. Sương lạnh, không khí đặc quánh. Dù đã rất khuya nhưng vẫn còn rất nhiều người đến viếng nghĩa trang.

Thoạt nhìn, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy các ngôi mộ tại Nghĩa trang Hàng Dương không được ngay hàng thẳng lối, cũng chẳng quay đầu về một hướng nào cố định. Anh hướng dẫn viên đưa đoàn đi giải thích: "Bị bắt giam, tra tấn dã man, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Thi thể họ chỉ được trùm 2 chiếc bao tải lên rồi bọn lính kéo lê ra khu nghĩa địa đào hố, chôn lấp rất sơ sài. Về sau, khu nghĩa địa này được chọn làm Nghĩa trang Hàng Dương. Phần mộ của các chiến sĩ đã hy sinh được tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên vị trí để tố cáo tội ác dã man của giặc".

Sau khi thắp hương tại bia tưởng niệm và viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Lê Hồng Phong, chí sĩ Nguyễn An Ninh..., đoàn chúng tôi tranh thủ tỏa ra nhiều hướng thắp hương cho nhiều ngôi mộ vô danh. Bà Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Ðảo, cho biết trong 113 năm, đã có khoảng 20.000 người ngã xuống ở "địa ngục trần gian". Trong đó, chỉ 1.921 người được tìm thấy nơi chôn cất, 713 ngôi mộ có tên, phần còn lại đều vô danh.

"Thật xúc động và tự hào khi được đặt chân đến vùng đất linh thiêng này. Sự hy sinh của các chú, các bác, các cô… quá lớn lao. Nhiều người mất đi, tên tuổi còn chưa kịp ghi lại" - chị Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Cường Tài, quận Gò Vấp, TP HCM - xúc động.

img
Ðoàn cán bộ Công đoàn TP HCM viếng Nghĩa trang Hàng Dương

Nghe chuyện Bác Tôn

Hôm sau, đoàn chúng tôi đến tham quan những nơi khét tiếng ở "địa ngục trần gian" thuở nào: Trại giam Phú Hải, trại giam Phú Bình, khu biệt lập chuồng cọp kiểu Pháp, khu biệt lập chuồng cọp kiểu Mỹ... Nhiều người đã hết sức cảm phục khi được nghe kể lại những câu chuyện về Chủ tịch Tôn Ðức Thắng.

Tại phòng số 9 Trại giam Phú Hải, bọn quản lý trại đã đưa Bác Tôn lên làm "cặp rằng" (cai tù). Âm mưu của chúng là nhằm mượn tay những người tù khác "trị" Bác. Tuy nhiên, ở vị trí này, Bác Tôn đã từng bước thay đổi cách đối xử của tù nhân với nhau. Bác bố trí người yếu sàng thóc, người khỏe đẩy cối xay - bản thân Bác cũng làm việc này. Người biết chữ thì dạy cho người không biết… nên chỉ một thời gian sau, một số người tù đã có thể viết thư về cho gia đình.

"Câu chuyện cảm hóa những người tù dữ dằn của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng thật xúc động. Bác đã dùng cái nhân, cái đức, cái tâm của người cách mạng để đối xử với anh em tù, đập tan âm mưu tàn ác của kẻ địch. Tôi ghi chép kỹ câu chuyện về Bác để về kể cho anh em công ty nghe" - anh Trần Ðắc Nhân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vinametric, tâm sự.

Ðến tận nơi, nghe kể lại cảnh giam cầm tàn bạo ở khu chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ…, chúng tôi lặng người. Ai cũng không giấu được sự khâm phục khi hình dung tình cảnh nhiều chiến sĩ cách mạng đã kiên cường vượt qua biết bao kiểu tra tấn dã man của địch: Chọt tầm vông nhọn vào người, rắc vôi bột vào vết thương, dầm mình trong hố phân bò…

"Sau ngày 30-4-1975, khi Côn Ðảo vừa được giải phóng, quân ta đến khu chuồng bò và phát hiện 2 người tù còn bị giam giữ. Khi đưa lên, đôi chân của họ đã bị hoại tử, không thể cứu chữa được" - giọng người hướng dẫn viên chùng xuống.

"Sau chuyến đi, tôi thấy mình trưởng thành hơn và cần phải sống có trách nhiệm hơn, sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các bác, các chú, các cô…" - chị Nguyễn Ðoàn Phi Phượng - Chủ tịch Công đoàn Công ty SX-TM-XD Việt Hưng, quận 8, TP HCM - thổ lộ.

"Các bác, các chú, các cô dù không còn nhưng
sự kiên trung, hy sinh vì dân, vì nước của họ mãi
soi sáng cho các thế hệ đi sau".
Ông Kiều Ngọc Vũ (Phó Chủ tịch LÐLÐ TP HCM)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo