xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức: Bóng trăng ngày ấy

Bài và ảnh: TRẦN CAO DUYÊN

Đây là câu chuyện của gia đình tôi, diễn ra vào mấy năm đầu sau giải phóng. Kể ra chuyện này, tôi muốn gửi tới ba, mẹ và má hai mấy nén nhang của lòng cảm thấu

Mẹ kể khi ba tôi đi tập kết (năm 1954) thì mẹ đang mang thai tôi. Đầu năm sau tôi mới chào đời. Quê tôi là làng Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Cháy lòng mong đợi

Tuổi thơ tôi có đôi điều đáng nhớ. Đi học trường làng thì áo vá, chân đất, đầu trần. Năm nào cũng mấy lần ôm bọc áo quần lon ton theo gia đình đi tránh bom. Nhớ nhất là câu nói của mẹ khi nhắc về ba: "Người gì bạc bẽo. Nói đi 2 năm mà giờ chưa chịu về".

Năm 1972, bộ đội về làng, tôi xin được tập "Thơ Tố Hữu". Tôi đùa với mẹ: "Nghe ba làm thơ tặng mẹ nè: Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có dài lê thê...". Mẹ nói: "Thôi thôi, nghe lạ hoắc. Tao với ổng đời nào "anh em". Vợ chồng quê, "tui với ông" cho gọn. Mà tao không tin thơ. Chỉ tin ba mày và kháng chiến thôi". Nói là "tin" vậy nhưng khi ai nhắc tới ba là mẹ xổ ngay điệp khúc: "Người gì bạc bẽo...".

Có lần mẹ nhận thư ba. Thư thăm hỏi chuyện nhà, bà con hàng xóm. Cuối thư có câu: "Thôi, giấy ngắn tình dài...". Mẹ cuộn lá thư trong tờ giấy học trò, quấn thêm hai lớp ni-lông, giữ khư khư trong túi áo như giữ cục vàng. Ai hỏi thăm ba thì mẹ nhìn trước ngó sau, kéo vô nhà, tay run run mở thư ra cho đọc.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Bóng trăng ngày ấy - Ảnh 1.

Căn nhà của ba mẹ tôi ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bây giờ

Một lần mẹ ra đưng (rừng đước) đóng tiền "đảm phụ" (phụ nữ đảm đang) cho cách mạng. Một cán bộ nói: "Ảnh có bà hai ngoài Bắc rồi. Hội đồng hương xác nhận vợ trong Nam mất. Tổ chức ngoài đó cho phép... Chị thông cảm. Kháng chiến còn dài. Chị thương ảnh thì thương luôn người thay chị chăm sóc ảnh".

Chiều lọ mặt người mẹ mới về. Dáng liêu xiêu, hụt hẫng. Mẹ ném cái nón vô xó nhà rồi nằm khóc. Lần đó mẹ đau liệt giường hơn 10 ngày.

Tháng 4-1975, cả làng ngất ngây trong không khí hòa bình. Ông Lành (tay bợm rượu, hay chửi bậy) nhậu say, đi ngang nhà tôi hét: "Bà Sơ đâu rồi? Bà làm heo mời cả xóm ăn mừng đi! Miền Bắc sắp trả ông Sơ cho bà đó". Bà con chòm xóm ai cũng khen ông Lành nói phải. Ông Lành vênh mặt lên: "Sao mấy người hổng giỏi nói tui là thứ tào lao xịt bộp nữa đi. Giờ bày đặt khen".

Xin nói rõ về tên "Sơ". Sơ là tên con trai đầu của ba mẹ tôi (anh đã mất). Ở quê người ta gọi cha mẹ bằng tên của người con trưởng. Thực ra, ba tôi là Trần Nhứt. Mẹ tôi là Hồ Thị Thìn. Sau anh Sơ, tôi còn có 2 anh và 1 chị. Tôi là con út.

Giải phóng được hơn 1 năm, cán bộ tập kết ở làng tôi lần lượt hồi hương. Cứ thêm một người về là lòng mẹ cháy thêm niềm mong đợi. Bà con ai cũng hỏi "ông Sơ" chừng nào về? Hay "bà hai" trẻ đẹp giữ riết ngoài đó? Mẹ làm thinh, vẻ mặt thẫn thờ. Tôi nhiều lần thay mẹ trả lời: "Ba chờ cơ quan ngoài đó làm chế độ hưu rồi về luôn một thể".

Những ngày đoàn tụ

Chuyện cán bộ tập kết về làng thì nhiều "màu sắc" lắm. Chuyện nào cũng "dính" tới ông Lành.

Ông Lữ về đầu tiên. Họ hàng xúm tới đông nghịt. Khói thuốc lá Điện Biên bay khắp nhà. Ông Lành lách vô, lè nhè: "Anh Lữ hả? Tui bà con với anh. Nếu không nhận, anh nói một tiếng là tui biến". Ông Lữ đang lớ ngớ thì ông Lành đã cầm gói thuốc Điện Biên đang để trên bàn, rút một điếu, gắn lên môi rồi châm lửa. Rít một hơi dài, ông Lành nói "thuốc miền Bắc ngon dữ". Trước khi về, ông Lành rút thêm ba điếu bỏ tọt vô túi. Ra cửa, ông cười: "Ai nói miền Bắc nhận hàng miền Nam nhận họ là nói bừa! Tui với ông Lữ có máu mủ thì tìm tới thôi".

Ông Pha mang về nhà hai chục chén. Người nhà nói "còn sống về là quý rồi, chén bát chi. Nhà còn cả mớ chén đĩa sứ". Ông Pha giải thích: "Vì có tin trong này bom cày đạn xới, không còn gì lành lặn nên mới đem ít chén về ăn cơm". Ông Lành nghe, tới xin 5 cái chén rồi đi thẳng ra quán bà Ngà đổi 1 lít rượu trắng.

Ông Hoàng đem về mấy bộ quân trang. Con cháu ông mặc đi chơi khắp làng. Ông Lành say, chặn hỏi: "Tụi bay đi bộ đội hồi nào? Bộ muốn làm cách mạng mùa hả?" Nói vậy nhưng bữa sau ông năn nỉ ông Hoàng cho một bộ rồi cũng mặc vào, đi xuống đi lên. Thôn trưởng dọa "mặc đồ bộ đội mà say sưa sẽ bị đưa ra dân kiểm điểm". Ông Lành nói: "Thì khi uống tao cởi hết ra. Được chưa?".

Chuyện ông Huấn về thì buồn lắm. Vợ ông bỏ làng theo một sĩ quan "cộng hòa" từ năm 1969. Hai con trai ông, một đứa đi biển mất tích. Đứa còn lại tâm thần, thường nghêu ngao đúng một câu: "Cho mau tới tết ăn xôi với chè".

Ông Huấn dựng một mái tranh trên nền nhà cũ. Ông Lành đóng một cái giường tre đem cho ông Huấn để ngoài hiên. Trên chiếc giường "tình nghĩa" này, hai ông hay ngồi đối ẩm, hát nhạc bolero, nói chuyện nhân tình thế thái. Ông Huấn hay đọc mấy câu thơ của nhạc sĩ Văn Cao: "Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn những tiếng rạn vỡ...". Nguyễn Bột, bí thư chi đoàn thôn, nói ông Huấn bị ông Lành "nhuộm đen" bằng rượu trắng. Hai lão này hay nói linh tinh, đọc thơ bí hiểm, hát toàn những bài ủy mị.

Cuối cùng ba tôi cũng về. Ba mang ba lô, đội mũ cối, quẹo đúng ngõ, vô đúng nhà. Tin ba tôi về bay đi rất nhanh. Mẹ tôi mừng quýnh, từ chợ chạy về suýt vấp ngã. Các anh chị tôi cứ đứng ngây ra nhìn ba. Lát sau bà con xóm giềng kéo đến. Chị tôi nấu nước liên tục. Ba tôi đãi chè thuốc thoải mái.

Khuya, gia đình tôi mới ngồi lại với nhau. Ba mở ba lô lấy ra nhiều bằng khen, huân huy chương, mấy cân chè, thuốc lá... Ba cho tôi cây bút kim tinh, nói "thằng Duyên là giáo viên, cần bút để soạn bài".

Bóng người dưới trăng

Ba về, mẹ tôi vẫn ăn mặc đơn sơ nhưng màu vải có sáng hơn. Mẹ cũng hay soi gương. Điều này trước giờ tôi không hề thấy. Bữa cơm, mẹ hỏi ba: "Nghe nói bà Đoàn Thị Yến sắp vô thăm ông?". Ba giật mình làm rớt đũa. Tôi đang tự hỏi vì sao mẹ biết tên má hai thì mẹ hỏi tiếp: "Ông còn ra Bắc nữa không?". Ba nói chắc phải ra vài lần nữa để giải quyết mấy việc. Mẹ hỏi việc gì? Ba làm thinh. Ông chan canh vô chén cơm mà đổ cả ra ngoài. Mẹ kêu mệt, bỏ mâm đứng dậy. Ai cũng nói nhà tôi đoàn tụ nhưng họ đâu biết có những bữa cơm không vui.

Một bữa tôi họp về khuya, nghe đứt nối tiếng ba mẹ cãi nhau trong buồng. "Tui chết cho ông thấy". "Thôi mà. Do hoàn cảnh... đâu phải mình tui". "Bà thông cảm... cũng tội nghiệp người ta". "Vậy ai tội nghiệp cho tui? Hai mốt năm nuôi con chờ chồng". Tôi vặn to ngọn đèn, cố tình gây ra tiếng động. Ba má tôi im lặng.

Mấy tháng sau, má Yến từ Hà Nội vô thăm ba. Mẹ và anh chị tôi không nói gì. Riêng tôi thấy vui vui. Má Yến da trắng, khuôn mặt tròn đẹp, rất phúc hậu, nói năng lịch lãm. Bữa cơm đầu tiên có má Yến, không khí hơi nặng nề. Suốt bữa cơm mẹ im lặng. Ba lóng ngóng. Má Yến ngượng nghịu. Tôi bàn với ba đưa má Yến qua ở nhà ông anh, kề nhà tôi.

Rất gần mà rất xa. Ba ít dám gặp má Yến vì "tai mắt" của mẹ tôi nhiều lắm. Cho đến một mùa trăng...

Đi tập văn nghệ cho học trò về lúc quá nửa đêm, tôi thấy má Yến ngồi bó gối trên thềm nhà tôi, sát căn buồng ba mẹ tôi. Tôi lặng người. Bóng má Yến ngập trong ánh trăng. Hai giọt trăng trong đôi mắt má long lanh, ươn ướt.

Tôi vòng ngõ sau vô nhà. Ba mẹ tôi đang trò chuyện. Tôi vui buồn lẫn lộn. Mẹ tôi khắc khoải 21 năm. Hòa bình, mẹ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Nhưng còn má Yến? Gần 20 năm sống chết cùng ba tôi. Giờ tàn cuộc chiến, má Yến lại một mình? Đêm đó tôi không ngủ. Tôi bất giác nhớ câu thơ ông Huấn hay đọc: "Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn những tiếng rạn vỡ...".

Đêm sau, má Yến vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, trăng chảy đầy vai. Má đang "vọng phu". Tôi nghĩ, "vọng phu" xưa thì sơn khê biền biệt; "vọng phu" nay chỉ gang tấc mà thôi. Cách bức vách, ba mẹ tôi chắc không hay biết nên chuyện trò vui vẻ. Tôi thấy hai giọt trăng trong mắt má Yến lấp lánh, rưng rưng. Cuối mùa trăng, má Yến buồn bã trở về Hà Nội. Mấy năm sau má Yến mất. Rồi mẹ tôi cũng đi. Ba tôi theo sau cùng. Ba về với hai người ba thương yêu nhất.

Ngồi viết những dòng này, tôi ray rứt nhớ mẹ, nhớ ba. Và tôi cũng bồi hồi nhớ dáng ngồi của má Yến dưới bóng trăng ngày ấy. 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Bóng trăng ngày ấy - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo