xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chắp cánh cho miền Trung

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Ngày mai, 21-8, hầm đèo Cả sẽ chính thức thông xe, cùng với hầm Hải Vân đã đi vào hoạt động và hầm đèo Cù Mông sắp hoàn tất, con đường huyết mạch đã xuyên suốt, tạo điều kiện cho miền Trung cất cánh

Sau gần 5 năm thi công, ngày mai, 21-8, hầm đường bộ qua đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa chính thức được thông xe và đi vào hoạt động.

Bàn đạp khai thác tiềm năng

Trong lần thăm hầm đường bộ qua đèo Cả gần đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Việc thông hầm đèo Cả sẽ nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt là giữa Phú Yên và Khánh Hòa, làm bàn đạp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, thương mại, du lịch cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên".

Chắp cánh cho miền Trung - Ảnh 1.

Hầm đèo Cả được chính kỹ sư, công nhân Việt Nam thi công

"Cha đẻ" ý tưởng con đường hầm này hơn 15 năm trước là ông Nguyễn Thành Quang, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Ngày đó, Khu Kinh tế Nam Phú Yên và cả Đặc khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) chưa có hình hài gì nhưng ông đã nghĩ cần một đường hầm xuyên qua con đèo lắm tai nạn và trắc trở này để kết nối 2 khu kinh tế trọng điểm của 2 tỉnh trong tương lai, vực dậy kinh tế 2 địa phương.

"Nếu có được đường hầm qua đèo Cả sẽ tác động đến liên vùng, cụ thể là Tây Nguyên. Nếu có đường hầm qua đèo Cả, chúng ta sẽ tập trung nâng cấp Quốc lộ 25 lên Gia Lai, Quốc lộ 29 lên Đắk Lắk, rồi có điều kiện làm con đường sắt lên Tây Nguyên, cả hệ thống bơm nhiên liệu lên Tây Nguyên nữa sẽ tạo thành một động lực mới" - ông Quang đưa ra ý tưởng rồi đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chính phủ.

Tuy nhiên, tiềm lực đất nước lúc đó chưa đủ và cũng không ai dám nghĩ đến chuyện hợp tác công - tư ở một dự án xuyên núi quy mô như hầm đèo Cả nên ý tưởng ấy đành xếp lại. Phải đợi hơn 10 năm sau, ý tưởng ấy mới được vẽ ra giấy và bây giờ đã thành hiện thực. "Tôi hết sức mừng. Cơ hội đã đến, phát triển nhanh hay chậm là nội tại của Phú Yên và các tỉnh. Tôi mong anh em lãnh đạo các tỉnh sẽ biết cách lựa chọn để phát huy hiệu quả tốt nhất" - ông Quang bày tỏ.

Hầm đường bộ đèo Cả được đầu tư theo hình thức BOT và BT do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, với chiều dài toàn tuyến 13,4 km. Trong đó, hầm đèo Cả và hầm đèo Cổ Mã dài khoảng 4,3 km. Phần hầm được bố trí 2 hầm đơn, mỗi hầm lưu thông một chiều, cách nhau 30 m; mỗi hầm có 2 làn xe, rộng 10,9 m.

Nắm bắt cơ hội

Không chỉ hầm đèo Cả, hầm đèo Cù Mông nối hai tỉnh Phú Yên - Bình Định cũng đang được Công ty CP Đầu tư Đèo Cả xây dựng theo hình thức BOT, với chiều dài 6,6 km (trong đó đường hầm dài 2,6 km), kinh phí 4.000 tỉ đồng. Dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019, hầm đèo Cù Mông sẽ phá thế bí bị chặn giữa 2 đèo của vùng đất Phú Yên.

Không chỉ Phú Yên, các tỉnh trong khu vực đã xây dựng chiến lược để phát triển dựa trên liên kết vùng khi giao thông thuận lợi. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết chiến lược phát triển TP Quy Nhơn của tỉnh này theo 2 hướng: Tây và Đông Bắc. Trong đó, hướng Tây sẽ dựa vào 2 trục Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19 để phát triển.

"Việc đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng của sự phát triển Quy Nhơn trong tương lai, góp phần mở toang cánh cửa cho TP này cũng như Bình Định phát triển" - ông Dũng kỳ vọng.Đón đầu cơ hội này, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore đang xúc tiến một dự án với quy mô lên đến 2.370 ha ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định - nơi tiếp giáp khu vực đèo Cù Mông.

Trong khi đó, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc hầm đèo Cả đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển mạnh vùng phía Bắc của tỉnh này. "Nó tác động tích cực đến sự phát triển đô thị Vạn Giã và kinh tế - xã hội của huyện Vạn Ninh. Đặc biệt, hầm đèo Cả sẽ tạo thuận lợi về hạ tầng thiết yếu để phát triển Đặc khu Kinh tế Vân Phong" - ông nhìn nhận. Không chỉ thế, ông Vinh cho rằng việc thông hầm đèo Cả sẽ còn tác động tích cực đến đô thị du lịch Nha Trang một khi giao thông thuận lợi.

Theo ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, với việc đưa hầm đèo Cả vào hoạt động, cả nước sẽ được hưởng lợi nhưng hưởng lợi nhất vẫn là người dân 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ông Việt gọi đây là "bước ngoặt quan trọng để tỉnh cất cánh trong thời gian tới". Hầm đường bộ qua đèo Cả đã kết nối Đặc khu Kinh tế Vân Phong - 1 trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước - với các khu kinh tế Phú Yên, đặc biệt là Khu Kinh tế Nam Phú Yên mà Thủ tướng Chính phủ đã cho chủ trương.

"Việc đưa hầm đường bộ qua đèo Cả vào hoạt động trong thời điểm Khu Kinh tế Nam Phú Yên và Đặc khu Kinh tế Vân Phong bắt đầu khởi động là điều tuyệt vời, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Phú Yên" - ông Việt hồ hởi.

Ông Việt cho biết du khách đến Phú Yên tăng cao theo từng năm. Năm 2016, du khách đến Phú Yên đã gần 1,2 triệu lượt, tăng hơn 30% so với năm 2015. Đặc biệt, khách quốc tế bắt đầu chọn Phú Yên như một điểm đến hấp dẫn. Trong số gần 700.000 lượt khách đến với tỉnh này 6 tháng đầu năm 2017, đã có 16.500 lượt khách quốc tế.

"Việc đưa hầm đường bộ qua đèo Cả vào hoạt động sẽ tiếp tục thu hút du khách đến Phú Yên bằng đường bộ. Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư du lịch như một ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế" - ông Việt nói.

Giảm vốn, rút ngắn thời gian thu phí

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, đầy hứng khởi khi nói về dự án mà ông "đánh cược" cả sự nghiệp giờ đã hoàn thành. Ông nhắc lại câu chuyện "chuyến xe định mệnh" chở 54 sinh viên về quê ăn Tết lao xuống vực khi qua đèo Cả đã ám ảnh ông thời sinh viên. Rồi câu chuyện của những người bạn bác sĩ về các trường hợp đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhưng tử vong ngay trên đèo Cả đã thôi thúc ông Hoàng làm hầm, dù ông thừa nhận tiềm lực của mình đối với một dự án quy mô như hầm đèo Cả chỉ như "muối bỏ bể".

"Bắt tay vào làm, tôi chỉ có một chọn lựa là thành công. Nếu không thành công, tôi sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được nữa. Gần như tôi đánh cược cả tương lai, sự nghiệp của mình vào hầm đèo Cả. Nói thật, tôi đã chịu khó và cũng nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người để làm dự án này" - ông Hoàng nhớ lại.

Ông Hoàng cho biết lúc đầu, ông chọn hình thức đầu tư vay vốn nước ngoài và chỉ làm thầu phụ cho nước ngoài. Một ngân hàng nước ngoài đứng ra bảo lãnh để ông đầu tư theo hình thức ấy.

"Phải nói là mình chấp nhận làm "trâu cày" để kiếm ít tiền. Tuy nhiên, khi đụng vào rồi thì không phải dễ. Họ muốn thu hết bằng cách nâng đủ các loại chi phí. Lợi nhuận đều chui vào túi của nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài hết. Hơn nữa, làm thuê cho nước ngoài cũng cảm thấy nhục. Họ chèn ép lắm, sẽ không cho mình cơ hội nào để ngóc đầu lên" - ông Hoàng chia sẻ. Lúc đó, hướng tuyến mà nhà đầu tư nước ngoài chọn có đường hầm dài đến 5,6 km và vốn đội lên trên 15.600 tỉ đồng. Vì vậy, để thu hồi vốn, thời gian thu phí phải kéo dài đến 30 năm.

Ông Hoàng quyết định thay đổi phương thức đầu tư bằng cách tìm nguồn vốn trong nước là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; nhà thầu và nhà đầu tư cũng sử dụng nguồn lực chủ yếu trong nước với sự tư vấn của chuyên gia Nhật Bản. Khảo sát lại, các chuyên gia Nhật Bản đưa ra hướng tuyến mới với đường hầm chỉ còn 4,3 km, lại an toàn.

Ông Hoàng cho hay từng chật vật với chọn lựa này, kể cả việc kiện ngược của nhà đầu tư nước ngoài trước đây nhưng nhiều thành viên Chính phủ và Bộ GTVT ủng hộ nên ông quyết theo đuổi. Nhờ sự thay đổi táo bạo này, dự án đã giảm vốn đầu tư xuống còn 11.000 tỉ đồng và thời gian thu phí cũng giảm còn 28 năm. Số vốn giảm được tiếp tục đầu tư để làm hầm Cù Mông. "Nếu không làm hầm đèo Cù Mông thì thời gian thu phí sẽ còn giảm nữa" - ông Hoàng cho biết.

Để người dân chọn lựa

Đề cập việc cánh tài xế đang phản đối một số trạm thu phí BOT, người "nhạc trưởng" của dự án hầm đường bộ qua đèo Cả cho biết: "Tôi vừa trao đổi với Bộ GTVT với mong muốn bộ cho sửa chữa lại đường đèo Cả để người dân thuận lợi qua lại nếu họ chỉ thích đi trên đèo mà không muốn qua hầm phải đóng phí. Phải để cho người dân chọn lựa".

"Nói thật, làm được thế này là tôi mừng lắm rồi. Riêng mình, tôi không nghĩ sẽ "kiếm chác" gì ở dự án này" - ông Hoàng bộc bạch.

Điều hiếm thấy

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho rằng điều tuyệt vời ở công trình hầm đèo Cả không chỉ là chất lượng bảo đảm mà còn là an toàn lao động. Không một tai nạn thương vong nào xảy ra trong suốt quá trình triển khai dự án. Đó là điều hiếm thấy ở các công trình hầm xuyên núi trước đây tại Việt Nam.

Hoàn thiện các khâu cuối cùng để đưa hầm đèo Cả vào hoạt động

Hoàn thiện các khâu cuối cùng để đưa hầm đèo Cả vào hoạt động

Đề cập ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt Nam làm, thể hiện sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt, PGS Chủng tự hào: "Có thể nhiều người không tin được khi người Việt Nam chúng ta tự đầu tư và là lực lượng thi công chủ yếu hầm qua đèo Cả. Sức mạnh thôi thúc người Việt chính là mong muốn làm được công trình tầm cỡ và có ý nghĩa này".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo