xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chính sách BHXH có vấn đề!

THÙY DƯƠNG - VĂN DUẨN

Từ chuyện cô giáo mầm non sau 37 năm công tác nhận lương hưu 1,3 triệu đồng, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng chính sách BHXH đang có vấn đề, cần điều chỉnh

Sáng 1-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV liên quan đến việc cô giáo mầm non Trương Thị Lan sau 37 năm làm việc chỉ được nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, đại biểu (ĐB) QH Trần Kim Yến - Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - đã bày tỏ sự không đồng tình với chính sách BHXH về lương hưu.

Lo vỡ quỹ hơn vì người lao động

Bà Trần Kim Yến cho biết theo trả lời của lãnh đạo cơ quan BHXH, cách tính lương hưu của cơ quan quản lý đối với lương hưu của cô Trương Thị Lan là không sai, hoàn toàn đúng theo quy định.

Theo bà Yến, phải có sai ở đây dư luận xã hội mới không đồng tình. Nếu nói không sai, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn thì chắc chắn không ai phản đối. "Như vậy, chúng ta có thể hình dung hoặc hiểu theo nghĩa nếu cơ quan quản lý không sai, quy định không sai thì có lẽ cô giáo Trương Thị Lan đã sai khi chọn nghề giáo để làm việc trong suốt cuộc đời lao động của mình, hay không?" - Chủ tịch LĐLĐ TP HCM đặt vấn đề.

Chính sách BHXH có vấn đề! - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến cho rằng chính sách về BHXH hiện nay bộc lộ nhiều bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp Ảnh: NGUYỄN NAM

Từ những lập luận trên, ĐBQH Trần Kim Yến khẳng định chính sách về BHXH như vậy đã không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. "Khi chính sách không còn phù hợp thì chúng ta cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để nhận được sự đồng thuận của xã hội" - bà Kim Yến nhấn mạnh.

Vẫn theo bà Kim Yến, quá trình đóng và quá trình hưởng BHXH hiện nay có quan điểm cho rằng nếu như điều chỉnh lại mức hưởng theo hướng cao lên thì sẽ làm mất cân đối quỹ BHXH. Nếu quan điểm như vậy thì rõ ràng là đang bảo vệ nguồn quỹ mà chưa đứng trên thực tiễn việc đóng như thế nào và hưởng như thế nào cho hài hòa, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phù hợp chính sách chung. "Tôi cảm nhận rằng chính sách BHXH hiện nay đang lo vỡ quỹ và nặng về bảo vệ cơ quan quản lý quỹ hơn là bảo vệ quyền lợi của những người đóng góp vào quỹ"- bà Yến nói.

Do vậy, theo bà Yến, cần phải bảo đảm công bằng trong chính sách để giữ vững nguồn quỹ, không vỡ quỹ BHXH. Đừng chỉ nghĩ đến việc làm sao để bảo vệ quỹ, thay vào đó nên xây dựng chính sách phù hợp làm sao để người lao động tiếp tục đóng vào quỹ.

Cân nhắc quy định nghỉ hưu với lao động nữ

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đề xuất Ủy ban Thường vụ QH trình QH xin lùi thời gian thực hiện quy định đối với lao động về hưu từ ngày 1-1-2018 để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ. Song song đó là sửa đổi Luật BHXH khi thực hiện đề án cải cách tiền lương.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nếu chúng ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng lương hưu theo quy định 3% thì tác động đến quỹ BHXH không lớn. "Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới" - ông Lợi đề xuất.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị đặt vấn đề cải cách chính sách tiền lương của công chức hành chính nhà nước gắn với việc cải cách bộ máy hành chính của nước ta hiện nay. Tuy đã qua nhiều đợt cải cách tiền lương nhưng số thang bảng lương, ngạch bậc lương công chức hành chính còn nặng về bằng cấp, thâm niên, chưa theo yêu cầu công việc hoặc chức vụ đảm nhận, hệ số giãn cách giữa các bậc lương còn thấp, làm giảm hiệu quả của hệ số lương và làm tăng tính bình quân trong trả lương, giảm tính kích thích của tiền lương đối với công chức.

"Các mức lương công chức hành chính được tính toán trên cơ sở tiền lương tối thiểu nên bảng lương của khu vực này thấp hơn so với mức bình quân chung của lương trên thị trường. Do đó, mức lương của công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao, không thu hút được nhân tài". Theo ông Bình, phải mạnh dạn đổi mới cải cách thang, ngạch, bậc lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các bậc lương, hoàn thiện các loại phụ cấp cho phù hợp, tạo động lực cho công chức phấn đấu và thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

So sánh trường hợp cô giáo Trương Thị Lan hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng với mức hưởng cao ngất ngưởng trên 100 triệu đồng của một người ở TP HCM, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Kim Yến bày tỏ: "Mức chênh lệch lớn như thế rõ ràng chính sách có vấn đề và cần điều chỉnh".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo