xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cổ phần hóa VFS: Bức xúc lên cao trào

Lan Anh - Huy Thanh

Nước mắt của các nghệ sĩ đã rơi trong một ngày diễn ra liên tiếp 3 cuộc họp về việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam cho thấy những bức xúc đã lên đến đỉnh điểm

Chiều 21-9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng Công ty CP Vận tải thủy (Vivaso) và đại diện Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) về việc cổ phần hóa (CPH) VFS.

Tất cả phải minh bạch!

Theo đại diện Hội Điện ảnh, các nghệ sĩ đều ủng hộ CPH nhưng việc CPH ở hãng phim lại là vấn đề gây bức xúc. Các nghệ sĩ đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện CPH được cho là chưa minh bạch, khách quan; thực hiện các cam kết của chủ đầu tư đối với cán bộ, người lao động tại VFS; việc sử dụng các khu đất... Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch trong CPH: một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật về nhiều mặt nhưng giá trị thương hiệu lại bị định giá là 0 đồng ở thời điểm xây dựng phương án CPH (năm 2014). Giá trị của các khu đất "vàng" VFS đang sử dụng cũng không được tính đến.

Cổ phần hóa VFS: Bức xúc lên cao trào - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì họp báo sáng 21-9. Ảnh: YẾN ANH

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vivaso, chủ sở hữu mới của VFS, khẳng định việc sửa sang lại nhà xưởng của hãng phim nhằm phục vụ sản xuất phim, hoàn toàn không có chuyện cho thuê mặt bằng. Chế độ cho các nghệ sĩ sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng quá trình CPH đều thực hiện theo đúng quy trình. Duy chỉ có việc định giá thương hiệu của hãng phim thì chưa có tiền lệ nên chưa định giá được.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sẽ báo cáo Thủ tướng để thanh tra toàn diện quá trình CPH VFS; đồng thời yêu cầu các Bộ VH-TT-DL, Tài chính, Khoa học và Công nghệ khẩn trương xác định giá trị thương hiệu của VFS. Không nên để tình trạng các nghệ sĩ và người dân nghi ngờ "cái gì nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì nhà nước mua thì định giá cao’’. Tinh thần là phải minh bạch để có sự đồng tâm, góp phần đưa nền điện ảnh nước nhà phát triển tốt hơn - Phó Thủ tướng lưu ý.

Đất hãng phim không thể muốn làm gì thì làm

Tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho hay trước những dư luận trái chiều, lãnh đạo bộ đã yêu cầu lãnh đạo Vivaso phải xây dựng cơ chế làm việc, trong đó có phân công công việc rõ ràng, sửa chữa trụ sở làm việc, không được cho thuê địa điểm, tập trung cho việc làm phim. Trước mắt, trả lương tháng 7, 8, 9 như trước khi CPH, sau đó tính toán bảng lương cụ thể theo quy định của công ty.

Cũng theo Thứ trưởng Ái, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu lãnh đạo công ty khẩn trương xây dựng, công khai lộ trình sản xuất các bộ phim. Mặc dù công ty cổ phần đã đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng chưa xác định được giá trị doanh nghiệp lần 2. Theo luật, phải xác định lần 2 xong mới chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Nói thêm về thông tin cho rằng Bộ VH-TT-DL bán hãng phim có 32 tỉ đồng nhưng thực tế giá trị đất đai của hãng hàng ngàn tỉ đồng, ông Ái khẳng định không đúng. "Trong quá trình hoạt động, hãng phim nợ thuế đất 21 tỉ đồng. Hãng thuê đất hằng năm chứ không có đất, chỉ có tài sản trên đất. Khi CPH, chúng tôi đã xin ý kiến rất nhiều cơ quan và khẳng định nếu đất thuê hằng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp" - ông Ái nói.

Trước lo ngại nhà đầu tư sẽ triển khai xây cao ốc, nhà hàng trên những khu đất vàng, ông Ái khẳng định việc này là không thể. "Đất hãng phim không phải muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư phải đưa ra phương án sử dụng đất, tập thể hãng phim cho ý kiến góp ý, rồi còn lấy ý kiến Cục Công sản - Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL và UBND địa phương. Nếu đất đai được sử dụng không đúng như trong cam kết khi CPH thì đề nghị thu hồi, rút giấy phép sử dụng" - ông Ái nhấn mạnh.

Đại diện Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ VH-TT-DL cho biết Vivaso đã cam kết doanh thu từ các hoạt động sản xuất phim chiếm 90% doanh thu của công ty cổ phần và có nghĩa vụ phải thực hiện.

Đạo diễn Quốc Tuấn: Không minh bạch

img

Chưa bao giờ có một cuộc CPH nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy.

Một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỉ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự cao cấp.

NSND Thanh Vân, nguyên phó giám đốc nghệ thuật VFS: Đầy dối trá!

img

Các nghệ sĩ không phản đối CPH nhưng công cuộc CPH này ngay từ đầu đã đầy dối trá. Vivaso với chỉ 32,5 tỉ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi hãng trở thành công ty cổ phần. Trong khi đó, ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của VFS theo giá thị trường khoảng 2.000 tỉ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập.

Đại gia bất động sản đứng sau

Tháng 4-2016, VFS chính thức CPH. Sau CPH, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỉ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về Vivaso.

VFS quản lý nhiều khu đất vàng có giá trị rất lớn như khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, số 4 Thụy Khuê hay số 6, Thái Văn Lung, TP HCM. Vivaso chỉ bỏ ra khoảng 33 tỉ đồng đã có thể sở hữu 65% vốn cổ phần tại VFS. Tuy nhiên, Vivaso cũng chỉ là một doanh nghiệp trong quá trình CPH tương tự như VFS với số vốn điều lệ hơn 320 tỉ đồng và Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này vào năm 2014.

Hiện Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường đang sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, công ty này được thành lập từ năm 1992, do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm đại diện pháp luật và là tổng giám đốc công ty. Vạn Cường chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hạ tầng giao thông, xây dựng với vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

Công ty Vạn Cường từng được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiều dự án thi công đường bộ lớn như Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14… Công ty này đang nổi lên sau hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp CPH trong đó có Vivaso và VFS.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo