xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Định "số phận" buýt nhanh số 1

PHAN ANH

Sau nhiều tranh cãi, dù quyết tâm cao nhưng chủ đầu tư tuyến xe buýt nhanh số 1 phải thừa nhận giờ chưa phải lúc làm

Ngày 8-9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nghe các đơn vị báo cáo Dự án Phát triển Giao thông xanh TP. Chuyện làm hay không làm tuyến buýt nhanh số 1 được đem ra mổ xẻ và đi đến quyết định dừng để đợi thời cơ.

Đổi phương án vì… chưa chín muồi

Đại diện chủ đầu tư dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông - Đô thị TP (UCCI), cho biết để phục vụ mục tiêu xây dựng tuyến BRT số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với tổng chiều dài 23 km, UCCI cùng các đơn vị liên quan đã 4 lần khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo 3 mô hình BRT Nam Mỹ, BRT châu Âu, BRT châu Á.

Trên cơ sở kinh nghiệm BRT Hà Nội và thế giới, ông Phúc đúc kết có 8 nguyên nhân thành công. Đó là quyết tâm chính trị; sự phù hợp và đồng bộ với quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển đô thị; sự phù hợp và đồng bộ với thực tiễn phát triển giao thông và phát triển đô thị của từng thành phố; bảo đảm chất lượng dịch vụ cao nhất, tạo ra sự khác biệt với các loại hình giao thông công cộng khác: nhanh - đúng giờ - tiện lợi - an toàn - thân thiện - thông minh; bảo đảm quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả và bền vững: lượng hành khách, nguồn thu, chi phí khai thác, vận hành, trợ giá...; tạo thành mạng lưới liên thông, tích hợp, toàn diện; có sự ủng hộ và đồng thuận của người dân; làm tốt công tác truyền thông. "Nếu thiếu 1 trong 8 yếu tố trên thì BRT khó thành công" - ông Phúc nói.

Định số phận buýt nhanh số 1 - Ảnh 1.

Tuyến buýt chất lượng cao sẽ thay thế tuyến BRT số 1 để hoạt động trên đại lộ Võ Văn Kiệt Ảnh: GIA MINH

Từ đó, ông Phúc cho rằng phải điều chỉnh tuyến BRT số 1 thành tuyến buýt chất lượng cao. Theo ông Phúc, có 6 lý do để làm tuyến buýt chất lượng cao ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt thay cho tuyến BRT số 1. Đó là phù hợp, làm được, hiệu quả, thành mạng lưới, an toàn và gắn với chiến lược phát triển giao thông công cộng của TP. Vì vậy, ông Phúc kiến nghị UBND TP tiếp tục đồng ý cho triển khai dự án Phát triển Giao thông xanh TP với mục tiêu xây dựng tuyến xe buýt chất lượng cao số 1 dọc hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ thay vì tuyến BRT như mục tiêu ban đầu của đề án. 5-10 năm sau, TP có những điều kiện tương ứng thì nâng cấp lên BRT.

"Việc triển khai xây dựng tuyến buýt chất lượng cao số 1 là giải pháp bảo đảm các yêu cầu về tính khả thi, hiệu quả cao của dự án và phù hợp nhất với thực tế giao thông, đô thị của TP hiện nay và định hướng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, tuyến xe buýt chất lượng cao số 1 không chỉ có ý nghĩa xác lập một loại hình vận tải hành khách công cộng mới có khả năng nhân rộng, phát triển thành mạng lưới và thiết lập, duy trì ngay từ bây giờ một hành lang vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên trục Đông - Tây của TP" - ông Phúc nói. Ông Phúc cho biết Ngân hàng Thế giới cũng đồng thuận với điều chỉnh này nhưng yêu cầu bảo đảm tính ưu việt của loại hình BRT.

Vậy là đúng!

Dưới góc độ cơ quan tham mưu, Sở GTVT TP cũng thống nhất với UCCI. Phó Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết dự báo nhu cầu lượng khách năm đầu tiên khi làm BRT số 1 là 24.709 hành khách/ngày. Qua rà soát, điều chỉnh còn 17.711 hành khách/ngày. So với lượng hành khách của các tuyến xe buýt thường hiện nay thì sản lượng cao hơn không nhiều, thậm chí thấp hơn một số tuyến. "Đây là vấn đề chúng ta cần phải tính toán bởi đầu tư BRT kinh phí rất lớn" - ông Lâm nêu.

Cũng theo ông Lâm, trong trường hợp phương án tổ chức tuyến xe buýt chất lượng cao được chấp thuận, dự kiến sẽ giảm được quy mô đầu tư các hạng mục như hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.

Sau khi nghe các đơn vị trình ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đồng ý cho tiếp tục thực hiện dự án theo hướng tổ chức tuyến xe buýt chất lượng cao trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Ông Tuyến yêu cầu UCCI chuẩn bị một tờ trình cho UBND TP để xin ý kiến của Thường vụ Thành ủy TP kèm theo đề án cụ thể. "Trước mắt là xin chủ trương của Thường vụ Thành ủy, sau đó hoàn chỉnh các tiêu chí để tiến hành mời thầu" - ông Tuyến nói và lưu ý không xé nhỏ gói thầu mà phải là gói thầu chung về phương tiện lẫn công nghệ.

Cuối cùng, ông Tuyến chỉ đạo Sở GTVT và UCCI tính toán xây dựng tuyến xe buýt chất lượng cao theo hướng sử dụng công nghệ để gắn kết với đô thị thông minh, nhiên liệu sạch, hấp dẫn người dân. "Đây là 3 tiêu chí bắt buộc phải có" - ông Tuyến nhấn mạnh.

Đến năm 2018 sẽ không còn trợ giá xe buýt!

Theo ông Tuyến, trên thế giới, muốn đánh giá một TP văn minh hiện đại hay không thì xem người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng như thế nào. Giao thông công cộng không hấp dẫn thì người dân không đi.

"Mình không thể ép người dân đi phương tiện giao thông công cộng nếu phương tiện trễ giờ, không thuận tiện nên phải tính toán giờ giấc phù hợp, giá vé hợp lý, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Hiện nay, một số tuyến còn trợ giá nên thái độ phục vụ không tốt bởi suy nghĩ anh không đi tôi cũng có tiền. Thế nên dứt khoát đến năm 2018 sẽ không còn trợ giá xe buýt nữa" - ông Tuyến nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo