xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dốc toàn lực chống bão số 11

Văn Duẩn - Thanh Tuấn - Đức Ngọc

Sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua, nếu bão số 11 tiếp tục gây mưa lớn thì lớp địa chất sâu đến vài chục mét không thể chịu thêm được nữa, hậu quả cực kỳ lớn. Do đó phải huy động tổng lực, dốc hết sức phòng chống bão

Chiều 14-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, bàn biện pháp ứng phó với bão số 11.

Tổn thương không lường được

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, lúc 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão số 11 ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc, 117,8 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và còn mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ vĩ Bắc; 113,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15, biển động dữ dội. Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) từ ngày 15-10 gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, nhận định cơn bão số 11 có thể gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. "Trong nhận định cao nhất, khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang có thể có lượng mưa 100-200 mm; khu vực Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An mưa 50-100 mm; các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào mưa vừa 50 mm trong đợt này" - ông Cường dự báo.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị tinh thần cao nhất đối phó với bão số 11.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ lo lắng: "Vùng núi phía Bắc đã trải qua mưa lịch sử, lũ trên sông Hoàng Long qua Ninh Bình đã cao hơn mức lịch sử năm 1985. Giờ nếu mưa tiếp 100-200 mm thì hậu quả cực kỳ lớn, tổn thương không lường được. Lớp địa chất sâu đến vài chục mét cũng không thể chịu thêm được nữa".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị cơ quan khí tượng thủy văn cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão số 11 để đưa ra các bản tin cập nhật thường xuyên hơn. Các địa phương, nhất là các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra không được chủ quan, dốc toàn lực phòng chống bão. Phải tổng kiểm tra công trình đập, rà soát 29 hồ thủy điện nguy cơ cao, các hồ thủy lợi xung yếu. "Bên cạnh đó cần tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tập trung khắc phục hạ tầng sau lũ, sạt lở, đặc biệt là giao thông và điện (hiện còn 126 xã chưa có điện); lưu ý xử lý môi trường, đặc biệt tại khu vực 6.000 con lợn bị chết do lũ tại Thanh Hóa..." - ông Cường lưu ý.

Dốc toàn lực chống bão số 11 - Ảnh 1.

Gia cố đê sông Chu ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để bảo vệ 1.167 hộ dânẢnh: Thanh Tuấn

Thiệt hại quá nặng nề

Cùng với việc chuẩn bị các phương án phòng chống bão số 11, trong ngày 14-10, các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái... tiếp tục dồn sức khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều 14-10, đợt mưa lũ gây sạt lở đất những ngày qua đã làm 60 người chết, 37 người đang mất tích, 31 người bị thương; 214 nhà bị sập, 39.977 nhà bị ngập, 1.967 nhà phải di dời khẩn cấp; hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hỏng.

Đối với sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến sáng 14-10 đã tìm được 11 thi thể nạn nhân, 7 người còn mất tích.

Hiện tại, ở các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, nhiều vị trí vẫn chưa thông tuyến. Tại tỉnh Hòa Bình còn 19 xã ở huyện Đà Bắc và huyện Lạc Thủy vẫn đang bị cô lập do giao thông còn ách tắc. 35 xã/7 huyện của tỉnh Thanh Hóa và 8 xã/2 huyện của tỉnh Ninh Bình vẫn đang bị ngập.

Ngày 14-10, trên địa bàn Nghệ An không còn mưa nhưng nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về khiến nhiều vùng ở các huyện Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳnh Lưu... vẫn bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ ở địa phương này làm 9 người chết và mất tích; 207,5 ha cây trồng lâu năm và 296,85 ha cây ăn quả bị thiệt hại; hàng ngàn con gia súc, gia cầm chết. Tại Hà Tĩnh, các huyện Đức Thọ, Hương Khê... vẫn còn bị ngập, nhiều trường học trên địa bàn thuộc 2 huyện Đức Thọ và Hương Sơn vẫn bị mưa lũ chia cắt, hơn 2.000 học sinh vẫn chưa thể quay trở lại trường học.

Trận mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 9 đến 13-10 khiến một đoạn đê phía bờ tả dài hơn 250 m đoạn qua địa bàn xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện vết nứt gây sạt trượt. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi thị sát và chỉ đạo khắc phục sự cố trên để bảo đảm an toàn cho hàng ngàn hộ dân phía trong đê. Ngay trong chiều 14-10, UBND huyện Thọ Xuân đã huy động lực lượng sử dụng 10.000 bao đất cát, 3.000 m3 đất để xử lý vết nứt. "Chúng tôi đang tiếp tục gia cố đoạn đê trên để phòng bão số 11 có thể đổ bộ và đất liền trong nay mai. Huyện đã chỉ đạo xã Thọ Trường xây dựng phương án di dời khoảng 1.167 hộ dân khi có sự cố xảy ra" - ông Phạm Mai Anh, Phó Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, thông tin. 

TP HCM kêu gọi cứu trợ đồng bào bị thiên tai

Ủy ban MTTQ TP HCM vừa ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cán bộ - công nhân viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, các đơn vị kinh tế, đồng bào trong và ngoài nước cùng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung vừa bị thiên tai. Ủy ban MTTQ TP đã đề xuất tổ chức một số đoàn lãnh đạo TP đến thăm hỏi, động viên và chuyển tiền hỗ trợ đồng bào các tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra với tổng số tiền hơn 13 tỉ đồng.

Địa chỉ tiếp nhận: số 57 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1; chuyển khoản qua số tài khoản 000.870.406.001.484 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, Chi nhánh Bình Chánh, Phòng Giao dịch Kỳ Hòa. Thời gian tiếp nhận đến hết ngày 31-10.

Ph.Anh

Truy tặng bằng khen cho phóng viên Đinh Hữu Dư

Sáng 14-10, gia đình, cơ quan, đồng nghiệp bạn bè tiễn phóng viên Đinh Hữu Dư (phóng viên thường trú tại Yên Bái của TTXVN), người bị nước lũ cuốn trôi trong lúc tác nghiệp trên cầu Thia (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vào ngày 11-10, về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Ninh Bình. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã gửi vòng hoa viếng; ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN, cùng lãnh đạo 2 tỉnh Yên Bái, Ninh Bình đến viếng, thắp hương đưa tiễn.

Chiều 14-10, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã quyết định truy tặng bằng khen "Vì đã có hành động dũng cảm hy sinh thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về phòng chống thiên tai" của Trưởng ban - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho phóng viên Đinh Hữu Dư. Hội Nhà báo Việt Nam cũng truy tặng bằng khen cho anh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo