xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gượng dậy sau bão

MINH TUẤN - THANH TUẤN - - ĐỨC NGỌC

Bão số 10 đi qua để lại hàng trăm ngàn căn nhà hư hỏng cùng ruộng vườn, tài sản mất sạch. Người dân đối mặt muôn vàn khó khăn, nỗi nhọc nhằn nhân lên gấp bội

Xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình được bao bọc bởi các dãy núi, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi bão số 10 càn quét qua, 100% căn nhà trong xã đều bị tốc mái. Bão tan, người dân an toàn nhưng nhà cửa, tài sản chỉ còn trơ lại đống đổ nát.

Màn trời chiếu đất

Căn nhà khá kiên cố của anh Mai Anh Tuấn ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng mới cất cách đây không lâu nhưng khi bão quật qua chỉ trơ lại 4 bức tường.

Gượng dậy sau bão - Ảnh 1.

Hơn 350 nhà dân, ki-ốt ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An bị bão số 10 phá tan hoang Ảnh: ĐỨC NGỌC

Tuấn cho biết gia đình anh mới vay tiền làm nhà riêng. Anh không có công việc ổn định nên mở quán tạp hóa phục vụ bà con trong thôn. Trước đó, anh Tuấn đã nhập về gần 20 triệu tiền hàng. Nghe bão đến, vợ chồng anh đã che chắn cẩn thận nhưng cũng không giữ nổi. "Mái nhà cũng không biết lúc nào mới có tiền làm lại, nợ nần càng chồng chất" - anh Tuấn buồn bã.

Gượng dậy sau bão - Ảnh 2.

Một người dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bên vườn cây cao su bị bão quật ngã Ảnh: MINH TUẤN

Cách đó không xa là căn nhà tốc mái của anh Trần Đình Oánh. Năm 2013, một trận bão đã quét sạch tài sản của gia đình anh. Cố gắng làm lụng, tằn tiện chi tiêu để xây nhà mới nhưng lần này, căn nhà 80 tấm lợp fibro xi măng của gia đình anh bị gió thốc vỡ vụn; 2 ha cây keo trong vườn cũng gãy đổ hết.

Xã Cao Quảng có 606 nóc nhà, khi bão quét qua thì toàn bộ đều bị tốc mái, hư hỏng. Sau bão, người dân sống cảnh màn trời chiếu đất. Trường học, trạm y tế ở xã gần như không đủ chỗ để các gia đình tá túc.

Xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng có tới 1.700 căn nhà bị tốc mái, hư hại. Đây cũng là xã bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 10. "Nhà tui bị bão lật hết sạch mái ngói, giờ mà mưa là không có chỗ trú nữa" - anh Trần Xuân Quý (ngụ thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương) lo lắng.

Trong khi đó, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vốn được mệnh danh là "thủ phủ vàng trắng" khi có tới 100% hộ dân trồng cao su. Bão số 10 đã làm khoảng 70% cây cao su đang trong quá trình khai thác bị thiệt hại với diện tích khoảng hơn 6.000 ha.

Ông Nguyễn Phi Đài (ngụ tổ dân phố Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung) gần như tuyệt vọng, ngồi thất thần nhìn 2 ha cao su đang cho mủ đổ rạp. "Bao nhiêu năm vất vả chăm bón, giờ đến tuổi thu hoạch thì bão quật cây gãy đổ hết. Mất nguồn thu lại phải bỏ tiền thuê máy mọc dọn dẹp nữa, ông Trời không thương dân tụi tui rồi…" - ông Đài thở dài.

Được xem là hộ nông dân giỏi của thị trấn Nông trường Việt Trung, gia đình chị Trần Thị Ánh Ngọc bất lực để bão quét đổ hơn 1.000 cây cao su. Nhặt những chén mủ vướng trên thân cây gãy đổ, chị Ngọc sụt sùi: "Giờ xem như trắng tay rồi, chẳng biết gắng gượng sao đây...".

Tập trung mọi nguồn lực giúp dân

Hai ngày sau khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền, người dân thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vẫn chưa hết bàng hoàng khi sức mạnh của cơn cuồng phong đã làm đổ sập, cuốn bay trên 350 nhà dân, ki-ốt.

Đi dọc bờ biển từ bãi biển Cửa Hội tới bãi biển Cửa Lò, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng tan hoang. Anh Lê Mạnh, chủ một nhà hàng hải sản tại Cửa Hội (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò), không thể ngờ trận bão làm toàn bộ nhà hàng của anh đổ sập, thiệt hại gần 1 tỉ đồng.

Theo ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, không biết bao giờ huyện mới khắc phục được hậu quả nặng nề do bão gây ra. Ông Hùng bày tỏ: "Chúng tôi đang làm hết sức có thể, tập trung mọi nguồn lực giúp người dân khắc phục hậu quả, gượng dậy sau bão".

Sức mạnh của bão đã làm tăng sức công phá của sóng biển. Toàn bộ bờ biển dài 12 km ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị sóng biển ngoạm sâu 30-40 m. Tại Khu Du lịch Hải Tiến ở bờ biển Hoằng Hóa, toàn tuyến đường và bờ kè chắn sóng dài 4,5 km đã bị nước cuốn trôi. Dọc bờ biển Hoằng Hóa, hàng trăm cây dừa và hàng ngàn cây phi lao gãy đổ nằm la liệt, trơ gốc. Toàn bộ hệ thống đê bao nuôi trồng thủy sản, bến cá xã Hoằng Thanh cũng bị cuốn trôi; 1.212 ha nuôi trồng thủy sản của người dân mất trắng...

Đứng thẫn thờ trên bờ nhìn đồng tôm chìm trong biển nước, nhiều nông dân chỉ còn biết than trời khi bao nhiêu tiền của, công sức của họ đã bị bão cuốn hết. Ông Nguyễn Văn Hải (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) đau xót: "Gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng vào 5 ha nuôi tôm, chừng 1 tháng nữa thu hoạch nhưng bão đã lấy đi hết, giờ không biết bấu víu vào đâu".

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Bão số 10 gây ra thiệt hại ở tỉnh hơn 1.000 tỉ đồng. Phải mất nhiều thời gian, người dân mới có thể ổn định lại cuộc sống".

13 người chết và mất tích

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 17-9, bão số 10 đã làm 9 người chết, 4 người mất tích, 112 người bị thương.

Về tài sản, bão đã làm sập 1.185 căn nhà; 152.599 căn bị tốc mái, hư hỏng; 10.923 nhà bị ngập (tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, 1 cột truyền hình bị đổ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.559 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 7 tàu cá và 183 thuyền bị chìm, cuốn trôi; 16.108 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hơn 26.000 m kênh mương bị sạt lở…

V. DUẨN

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo