xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết thời kinh tế chỉ dựa vào dầu thô

Phương Nhung - Tô Hà

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nếu tăng 1 triệu tấn dầu thô thì thà tăng 1 triệu du khách bởi vừa xanh vừa sạch vừa an toàn

Ngày 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Không phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc Chính phủ có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu là một bất ngờ. Đây cũng là năm đầu tiên trong suốt 10 năm qua, mức bội chi giữ được 3,5%. Tuy nhiên, Chủ tịch QH nhìn nhận kết quả quý III/2017 đạt mức tăng trưởng 7,46% nhưng vẫn không được chủ quan vì quý IV vẫn cần tăng tới 7,31%.

Hết thời kinh tế chỉ dựa vào dầu thô - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước Ảnh: PHƯƠNG NHUNG

Chủ tịch QH cũng chỉ ra công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chủ yếu dựa vào doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nhờ vào một số sản phẩm nhất định chứ không phải tổng thể nền kinh tế, dẫn đến khó phát triển bền vững. Chẳng hạn, tăng trưởng quý III phải có một số yếu tố đột biến mới có thể đạt được 6,7%. Cụ thể, ngành điện tử tăng 45% do Samsung có sản phẩm mới S8 hay sản xuất kim loại tăng 24,4% nhờ Formosa đi vào hoạt động. DN FDI cũng là một thành phần trong nền kinh tế nhưng cần phân tích, đánh giá để biết nội tại nền kinh tế đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu.

"Hồi tôi còn công tác tại Hải Dương, nguồn thu lớn nhất của tỉnh trông vào DN ô tô Ford nên khi "ông" này "hắt hơi sổ mũi" là ngân sách tỉnh có vấn đề. Hay điện thoại Samsung Galaxy Note 7 năm trước bị lỗi, lập tức ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu của cả nước. Chúng ta phải đa dạng hóa, đừng để bị lệ thuộc vào một sản phẩm" - Chủ tịch QH dẫn chứng.

Mổ xẻ một nguồn thu lớn khác là dầu thô, Chủ tịch QH góp ý trong điều kiện giá dầu không tăng thì không nên quá tập trung khai thác để bán rẻ tài nguyên. Giá thấp mà vẫn khai thác thì có thể gây lỗ, không bảo đảm bù đắp giá thành.

Trấn an những băn khoăn của đại biểu (ĐB) QH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: "Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm làm kỹ đến từng con số, rất kỹ lưỡng. Trước đây, ta cứ nói muốn tăng trưởng thì khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu một cách dễ dàng thì bây giờ không đơn giản. Trong 9 tháng đầu năm 2017 thì khai khoáng đã giảm 8% so với năm trước".

Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch đều tăng trưởng

Ông Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm cho rằng tăng trưởng của Việt Nam dựa vào vốn là chưa đúng. Bởi lẽ, tín dụng có thể điều hành tăng trưởng 21% nhưng tùy vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Kinh tế tăng trưởng là do công nghiệp tăng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh, đây là động lực tăng trưởng của quý III và 9 tháng đầu năm. "Năm ngoái, sự cố Galaxy Note 7 đã làm Samsung mất 1 tỉ USD, sau đó họ tập trung vào làm Note 8, đến quý III năm nay bán rất chạy, góp phần giúp ngành linh kiện điện tử trong 9 tháng tăng hơn 41%, trong đó Samsung tăng 45%. Bắc Ninh công nghiệp tăng 25,1%, Hải Phòng 20,1%, Thái Nguyên 18,1%, Hải Dương 11,2%, Đồng Nai 8,3%..." - ông Huệ phân tích.

Theo đại diện Chính phủ, dịch vụ năm 2017 cũng bứt phá, tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh, thành, trong đó bán buôn, bán lẻ tăng cao nhất. Mỗi tháng, Việt Nam đón hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế, ước tính cả năm có 13 triệu du khách quốc tế là chắc chắn. Chỉ tính riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% trong tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn ngành xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm do dầu khí.

"Nếu cố gắng tăng 1 triệu tấn dầu thô thì thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn, bởi nó vừa xanh vừa sạch vừa đẹp vừa an toàn. Từ nay về sau, dầu thô không còn là chỗ dựa nữa" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, nông nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng: 9 tháng đầu năm 2017 tăng 2,78%, gấp 4,3 lần năm 2016. Chính phủ phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt 3%-3,05% cả năm. Đóng góp vào tăng trưởng chung của nông nghiệp đã cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu nông sản năm nay có khả năng đạt 30-34 tỉ USD.

Chặn BOT "tay không bắt giặc"

Đề cập câu chuyện BOT đang rất "nóng", Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng (ĐBQH tỉnh Yên Bái) khẳng định chủ trương làm BOT là đúng nhưng lưu ý phải ngăn chặn được tình trạng lợi dụng BOT để làm không đúng, "tay không bắt giặc".

"Đây là kênh huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng, không có nguồn lực này thì không thể làm được. Quan trọng là những người làm dự án phải thực sự có nguồn vốn bỏ ra mới được làm BOT" - ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) đặc biệt lưu ý đến những bất cập về các dự án giao thông BOT và cho rằng cần phải có giải pháp thích hợp. Bởi lẽ, trong giai đoạn 2016-2020 cần hơn 900.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng mà hợp tác công - tư (PPP) là cách làm duy nhất để huy động vốn.

Là người trực tiếp tham gia giám sát các dự án BOT, ĐBQH Nguyễn Phi Thường chỉ ra 7 bất cập trong cơ chế đầu tư BOT hiện nay. Trong đó, đáng lưu ý là khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa bao quát hết toàn bộ quy trình hợp tác công - tư nói chung và BOT nói riêng, mới chỉ sa vào cục bộ từng phần, chữa cháy từng chỗ. Chưa kể, các luật còn có sự chồng chéo, "đá" nhau. Một dự án BOT chỉ vài cây số cũng phải chịu sự điều chỉnh của các luật: Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng, Đất đai... Thế nhưng, nhiều vấn đề cốt lõi như lựa chọn nhà thầu BOT và quản lý như thế nào cho ổn thì năm này qua năm khác vẫn chưa làm được.

Một vấn đề khác được ĐBQH Hà Nội chỉ ra là nguyên tắc công bằng và logic đã bị vi phạm trong đầu tư BOT khi đa số dự án đều là nâng cấp, cải tạo các tuyến hiện hữu. Thậm chí, một số dự án BOT được xây dựng trên các tuyến huyết mạch buộc người dân phải đi mà không có lựa chọn. Kiểm soát thu phí, bố trí vị trí trạm, thời gian thu phí... cũng đang rất rối loạn.

Miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT

Cuối chiều 24-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phan Văn Sáu.

Phát biểu trước khi Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình miễn nhiệm nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết do yêu cầu công tác, Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020. QH cũng đồng ý để cho ông Phan Văn Sáu, Tổng TTCP, thôi giữ chức Tổng TTCP, để giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.

V.DUẨN

Uống thuốc ung thư giả, bồi thường thế nào?

ĐBQH TP HCM Phạm Khánh Phong Lan mong muốn nhận được sự chia sẻ với những khó khăn, sức ép của đội ngũ bác sĩ. Bởi lẽ, đội ngũ bác sĩ gặp rất nhiều áp lực từ điều kiện làm việc, cơ sở vật chất kỹ thuật bệnh viện ngày càng xuống cấp, ý kiến dư luận… Trong đó, quan trọng nhất là sức ép "đến từ cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo".

"Tôi nói điều này hơi nặng. Nhưng thời gian qua, biết bao nhiêu cuộc tấn công bác sĩ, kể cả hiếp dâm điều dưỡng, rất nhiều vấn đề… nhưng chúng tôi nhận thấy ngành y tế phản ứng hết sức chậm chạp, không đứng ra để bảo vệ cho các bác sĩ kịp thời. Trong khi đó, chỉ cần một lời góp ý của bác sĩ từ ngày 14-7 thì chỉ một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy khi thấy động chạm đến uy tín của bộ trưởng" - bà Lan chỉ rõ.

Liên quan đến vụ việc ở Công ty CP VN Pharma, bà Lan nêu vấn đề bất cập hiện nay là chuyện thống nhất đây là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả. Tại tòa, các bị cáo "lý luận" rằng thuốc này vẫn còn trong kho nhưng cũng có lúc đưa thông tin là chúng đã ra thị trường.

"Tôi xin hỏi những bệnh nhân đã sử dụng thuốc ung thư giả này thì chúng ta có cơ chế bồi thường thiệt hại như thế nào?" - bà Lan đặt vấn đề, đồng thời đề nghị giải pháp tìm ra những người tích lũy được tài sản, ăn hoa hồng, tham nhũng khi cấp phép cho các loại thuốc này lưu hành để sử dụng tài sản của họ bồi thường cho bệnh nhân.

Ngoài ra, với việc báo chí rộ lên thông tin đề nghị xác định 7 loại thuốc do VN Pharma nhập về trước đó, bà Lan cho rằng vấn đề không phải là rà soát lại xem bệnh viện nào đã mua loại thuốc này cho bệnh nhân để yêu cầu xuất toán mà là ở chỗ phải bồi thường cho bệnh nhân, là trách nhiệm của người cấp phép.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo