xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

HỐI HẢ NHỮNG CÔNG TRÌNH TRỌNG ÐIỂM (*): Gỡ vướng để dự án về đích

THU HỒNG - Ý LINH

Ngoài tổ chức thi công an toàn, các đơn vị liên quan những dự án trọng điểm ở TP HCM mong các vướng mắc sớm được giải quyết để công trình hoàn thành đúng tiến độ

Nói về metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho hay song song việc tăng cường lực lượng thi công ở công trường theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM thì giải pháp mà đơn vị này mong chờ nhất để dự án về đích theo tiến độ chính là giải quyết nhu cầu vốn cấp bách cho dự án.

HỐI HẢ NHỮNG CÔNG TRÌNH TRỌNG ÐIỂM (*): Gỡ vướng để dự án về đích - Ảnh 1.

Nhánh 1 cầu Bưng (nối quận Tân Phú và Bình Tân, TP HCM) dự kiến hoàn thành trước Tết nguyên đán 2022. Ảnh: THU HỒNG

Cần sự chung tay

Liên quan đến vốn cho metro số 1, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung 2.283 tỉ đồng vốn ODA cấp phát còn lại của tuyến metro này chưa giải ngân giai đoạn 2021-2025. Theo UBND thành phố, tổng vốn ODA cấp phát còn lại chưa giải ngân cho tuyến metro số 1 hơn 3.987 tỉ đồng, trong đó khoảng 1.704 tỉ đồng đã được bố trí ở kế hoạch đầu tư công trung hạn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Hiện còn thiếu 2.283 tỉ đồng.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA chiếm hơn 38.200 tỉ đồng (gồm hơn 14.333 tỉ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỉ đồng vốn vay lại); còn lại gần 5.500 tỉ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Ðến hết tháng 1-2021, vốn ODA cấp phát từ trung ương cho metro số 1 đã được giải ngân hơn 10.346 tỉ đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, con số này chưa thống nhất với số liệu báo cáo của UBND TP HCM vào năm 2017.

Lý giải việc này, UBND TP HCM cho biết năm 2017, do vướng mắc trong xác định chi phí thiết bị liên quan đến khai thác, vận hành kinh doanh vận tải thuộc diện áp dụng hình thức cho vay lại nên chưa thể xác định mức vốn cho vay lại của dự án dẫn đến việc hợp đồng cho vay lại đã được ký kết nhưng chưa xác định giá trị. Do vậy, việc giải ngân vốn vay để thanh toán các gói thầu kể từ thời điểm dự án bắt đầu triển khai đến năm 2017 chỉ được thực hiện từ nguồn vốn ODA cấp phát đã bố trí cho dự án theo từng năm.

Ðể giải quyết vướng mắc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh sau đó chấp thuận về nguyên tắc việc xác định giá trị cho vay lại của dự án, đề xuất cách thức giải quyết với các hiệp định vay đã ký, số vốn vay đã giải ngân và chưa giải ngân. Qua rà soát, đối chiếu số liệu, vốn ODA cấp phát cho dự án đã giải ngân phù hợp với con số nêu trên. "Hiện chúng tôi rất mong các vướng mắc sớm được giải quyết, góp phần đưa dự án về đích đúng kế hoạch đề ra" - vị đại diện MAUR cho biết.

Báo cáo lãnh đạo UBND TP HCM về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), MAUR thông tin trong năm 2020, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đã hoàn thành thủ tục bồi thường và bàn giao mặt bằng được 458/603 trường hợp, đạt 75,95%. Dự kiến, trong quý IV/2021, các quận 1, 10, Tân Bình sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng mặt bằng dự án tại quận 3 chưa rõ ngày bàn giao. Nguyên nhân do hệ số giá đất điều chỉnh của quận 3 chưa được phê duyệt, một số hộ chưa chấp nhận giá bồi thường nên không bàn giao mặt bằng.

Trước thực tế này, MAUR kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tại quận 3. Ðồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND quận 12 khẩn trương tham mưu giải quyết dứt điểm vướng mắt dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại khu vực depot Tham Lương. Kiến nghị các quận tăng cường vận động người dân nhận kinh phí bồi thường và bàn giao mặt bằng, quản lý mặt bằng đã thu hồi, chuẩn bị kế hoạch thực hiện đối với các trường hợp vướng mắc. Ngoài ra, MAUR mong muốn Công an TP HCM và Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị sớm cho ý kiến về thỏa thuận thiết kế đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của metro số 2.

HỐI HẢ NHỮNG CÔNG TRÌNH TRỌNG ÐIỂM (*): Gỡ vướng để dự án về đích - Ảnh 2.

Việc giải phóng mặt bằng metro số 2 đang được tiến hành một cách khẩn trương. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hoàn thành 11 gói thầu, dự án trước Tết

Thông tin về tiến độ một số công trình trọng điểm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư, ông Lương Minh Phúc, giám đốc ban này, cho biết đến nay chỉ có 45 công trường chính thức thi công trở lại với khoảng 850 công nhân, giám sát, kỹ sư, đạt 60%-80% yêu cầu lao động. "Tuy vậy, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu trước Tết nguyên đán này phải hoàn thành 11 gói thầu, dự án như nhánh 1 cầu Bưng, cầu Hang Ngoài, cầu Mỹ Thủy 3, lắp đặt hệ thống thoát nước đường Trần Văn Mười, đường Ðặng Thúc Vịnh..." - ông Phúc nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, 45 công trình thi công trở lại đều là những công trình dân sinh trọng điểm, góp phần tăng năng lực giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trong khu vực. "Để các dự án về đích theo tiến độ đề ra, chúng tôi đặt ra nhiều giải pháp nhằm thúc tiến độ như tiếp tục phối hợp tỉnh, thành đưa lao động các tỉnh về TP HCM, dự trữ suất tiêm

vắc-xin cho công nhân, phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, duy trì họp giao bàn 2 tuần/lần với lãnh đạo thành phố. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nảy sinh" - ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, khẳng định để bù lại tiến độ các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai dang dở, 2 giải pháp quan trọng đã được sở đề ra là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông qua các cuộc họp giao ban thường xuyên, định kỳ. Ðiển hình, dự án mở rộng, nâng cấp đường Ðặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) hiện ngoài vướng mặt bằng thì công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần thúc đẩy nhanh từ nay đến giữa năm 2022. Hay công trình nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trong công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên dưới...

Ngoài ra, theo ông Phan Công Bằng, hiện các chủ đầu tư dự án giao thông trọng điểm đang gặp khó khăn do chưa thể huy động nhân công đang thiếu hụt tại các công trình. Vì vậy, song song với việc đưa ra các tiêu chí cho lao động tại chỗ thi công trở lại, việc huy động lao động cho các dự án cũng được ngành giao thông đặc biệt quan tâm. "Sở đang là đầu mối phối hợp sở GTVT các tỉnh, thành lên phương án đưa người lao động từ các tỉnh trở lại TP HCM làm việc" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM nói. Ông Bằng còn cho hay Sở GTVT đang cùng các chủ đầu tư lớn đánh giá những khó khăn liên quan khâu cung cấp vật tư, bê-tông cấu kiện... để đưa ra giải pháp tháo gỡ một cách nhanh nhất. 

Từ nay đến năm 2025, Sở GTVT sẽ xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án với tổng số vốn 675.000 tỉ đồng, trong đó có các tuyến metro số 3A và số 5.

Xúc tiến xây dựng tuyến metro số 3A và số 5

Theo MAUR, ngoài metro số 1 và số 2, đơn vị đang tiếp tục thực hiện dự án metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Ðây là 2 trong những tuyến huyết mạch, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP HCM.

Trong đó, metro số 3A có tổng chiều dài khoảng 19,58 km, nối trực tiếp với tuyến metro số 1, tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng, kết nối khu vực Ðông Bắc và Tây Nam thành phố. Dự kiến trong năm 2021, sau khi được Thủ tướng phê duyệt, MAUR sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Metro số 5 được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tuyến ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài 8,9 km. Metro số 5 là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang các đường Hoàng Văn Thụ, Phan Ðăng Lưu, Bạch Ðằng, Ðiện Biên Phủ, kết nối nhiều tuyến metro của thành phố trong tương lai. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,9 tỉ USD.

Theo MAUR, giai đoạn 1 của metro số 5 đang được trình Hội đồng Thẩm định nhà nước xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Sau khi Quốc hội thông qua sẽ đến bước lập dự án đầu tư và các bước thiết kế. Nếu mọi việc thuận lợi thì dự án này sẽ được khởi công vào năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2030. Riêng giai đoạn 2 của metro số 5 (Bến xe Cần Giuộc - ngã tư Bảy Hiền) đang được nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 22-10

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo