xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không để ai đứng bên lề phát triển

Thế Dũng - Dương Thùy

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không được chủ quan với những thành tích đạt được bởi "không tiếp tục nỗ lực thì bộ máy phát triển sẽ dừng lại"

Chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc nhấn mạnh chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính

Trong nước, thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi, làm hơn 300 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng trên 60.000 tỉ đồng. Nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn. Kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, nợ xấu cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất. "Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế" - Thủ tướng nói.

Không để ai đứng bên lề phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam phải phát triển hơn nữa và không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Thủ tướng thông báo với nhiều nỗ lực, đến nay, các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt, đã cắt giảm được trên 5.000 thủ tục hành chính.

Một kết quả đáng lưu ý khác là Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo và thực hiện thành công năm APEC 2017 và được thế giới đánh giá cao. Ngoài ra, năm 2017 cũng là năm chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch một bước bộ máy nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước có được niềm tin của nhân dân.

Phương châm 10 chữ

Ghi nhận sự đồng tâm hiệp lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính tri, sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự cố gắng của người dân, doanh nghiệp nhưng Thủ tướng cũng nhắc nhở: "Nếu bằng lòng, chủ quan với kết quả đó mà không tiếp tục nỗ lực thì bộ máy phát triển sẽ dừng lại, khi đó khởi động lại từ đầu sẽ rất khó khăn". Theo đó, Chính phủ mong muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để vượt lên những thành tích mà năm 2017 đã đạt được.

Thủ tướng cho rằng để tái cơ cấu thành công, khắc phục hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí đội ngũ cán bộ; tái cơ cấu sức làm việc của bộ máy; tái tạo lại môi trường làm việc, phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt. "Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ đề ra trong năm 2018 trình hội nghị: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh "hành động và hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay". Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế.

Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ: "Hãy sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi. Phải làm sao sử dụng nguồn lực của dân ít nhưng đem lại hiệu quả tốt nhất".

TP HCM kiến nghị triển khai cơ chế đặc thù năm 2019

Phát biểu tại buổi họp trực tuyến, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP đạt 8,25%; thu ngân sách đạt 347.982 tỉ đồng (vượt dự toán). Khách quốc tế đến TP đạt 6,4 triệu lượt, tăng 22,88%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 78,3 tỉ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Khẳng định với phương châm "quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo", ông Phong cho hay TP HCM quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ TP hoàn chỉnh, thẩm định các đề án thuộc thẩm quyền của trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm thông qua trong năm 2018, bắt đầu triển khai năm 2019. Ngoài ra, TP cũng đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh một số nghị định theo hướng tiếp tục phân cấp mạnh mẽ trên một số lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận trên địa bàn thủ đô còn để xảy ra một số vụ việc an ninh nông thôn phức tạp, gây ảnh hưởng chung đến TP và tác động đến một số địa phương khác.

"Cháy nổ còn diễn biến phức tạp; còn xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện tốt quy tắc ứng xử với công dân, tổ chức; có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính khiến dư luận bức xúc" - ông Chung báo cáo.

Đại diện TP Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề cập vụ việc khởi tố, điều tra, truy nã đối với ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm". Thay mặt TP Đà Nẵng, ông Thơ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo truy bắt Vũ "nhôm"; khẩn trương thanh tra, điều tra sớm xử lý các vụ việc liên quan đến đối tượng này, không để kéo dài gây bức xúc dư luận.

Theo ông Thơ, về khối lượng nhà, đất liên quan đến Vũ "nhôm", khi các cơ quan chức năng điều tra thì đối tượng đã rút vốn ra khỏi các công ty, chuyển nhượng tài sản cá nhân. "Đề nghị sớm xử lý các tài sản mang tên ông Vũ và các tài sản nghi vấn để thuận lợi cho việc điều tra và xử lý sau này" - ông Thơ nhấn mạnh.

Phát biểu thêm một số vấn đề trong phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở khiếu kiện xảy ra nhiều, nhiều vụ đùn đẩy lên trung ương. "Năm nay, tôi sẽ thực hiện chủ trương là ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội khiếu nại thì tôi mời chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết" - Thủ tướng nói rõ.

Giảm phí BOT cho xe nhóm 4 và 5

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018 đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng: GDP tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10%, tăng thu ngân sách nhà nước đạt 3% so với dự toán Quốc hội giao, tỉ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu.

Dự thảo Nghị quyết cũng xác định rõ năm 2018 sẽ đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh…

Về các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện nghị quyết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý triệt để tiết kiệm chi, sử dụng hiệu quả tài sản công; đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng yếu như cao tốc Bắc - Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Thủ tướng đã chấp thuận cho giảm giá phí BOT đối với loại xe nhóm 4 và 5 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 20 feet trở lên).

"Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải làm thế nào để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không bị giẫm chân vào chiếc bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh cho mọi người dân và không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển" – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo