xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không để dân đói sau bão

Nhóm phóng viên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc khắc phục hậu quả do bão, không để nhân dân sống màn trời chiếu đất; đứt bữa, đói cơm

Tiếp tục hoạt động chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 10, ngày 16-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Quảng Bình đến Hà Tĩnh và Nghệ An, hai địa phương bị thiệt hại nặng nề sau bão.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Thị sát tại Trường Tiểu học và THCS xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh), Thủ tướng yêu cầu lực lượng đang làm nhiệm vụ thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng nỗ lực triển khai liên tục việc tái thiết các phòng học, nhà điều hành, công trình xây dựng của trường đã bị tốc mái hoàn toàn, khẩn trương khôi phục hoạt động để học sinh sớm học tập trở lại.

Không để dân đói sau bão - Ảnh 1.

Trường THCS Quảng Đông (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tan hoang sau bão Ảnh: MINH TUẤN

Thống kê bước đầu, Hà Tĩnh có hơn 69.000 căn nhà bị đổ, tốc mái; ngập 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông; trên 3.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại hoàn toàn; khoảng 8.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, hư hại.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do bão, không được để nhân dân sống màn trời chiếu đất, đứt bữa, đói cơm.

Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến chiều 16-9, bão số 10 đã làm chết 8 người (Thừa Thiên - Huế: 2, Quảng Bình: 2, Nghệ An: 2, Thanh Hóa: 1, Hà Tĩnh: 1); làm 28 người bị thương (Quảng Bình: 11 người, Quảng Trị: 9, Hà Tĩnh: 6, Nghệ An: 1, Thừa Thiên - Huế: 1).

Với sức gió giật cấp 14-15 khi đổ bộ, bão số 10 đã làm tốc mái 121.621 nhà; trong đó, tỉnh Hà Tĩnh 69.112 nhà, Quảng Bình 49.155 nhà, Quảng Trị 2.325 nhà...

Hoang tàn sau bão dữ

Chỉ sau một ngày bão số 10 đi qua, phóng viên Báo Người Lao Động tìm về xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng sau bão. Dọc những con đường, cây cối, cột điện gãy đổ nằm ngổn ngang. Ven đường, hàng chục ngôi nhà của nhiều hộ dân bị bão đánh tốc mái, đồ đạc tung tóe khắp nơi.

Căn nhà xây khá kiên cố của chị Bùi Thị Nga (SN 1985, ở thôn Thọ Sơn) bị bão đánh tốc mái, công trình phụ kế bên bị sập hoàn toàn. Ngồi thất thần bên đống đổ nát, chị rưng rưng nước mắt: "Biết bão đến, cả gia đình phải lánh sang nhà bà con trú nhờ. Khi về thấy cảnh nhà như thế, không tin nỗi vào mắt mình. Chừ tan tành cả rồi, không biết sắp tới phải sống ra sao".

Kế bên, nhà bà Nguyễn Thị Phẩm (SN 1945, thôn Thọ Sơn) bị bão đánh sập mất bức tường. Gia đình bà có hoàn cảnh rất thương tâm lại là hộ nghèo của xã, tài sản trong nhà không có gì đáng quý ngoài mấy tạ lúa vừa thu hoạch. Bão qua, lúa bị ướt sũng trộn theo bùn đất, căn nhà trống trơn. Dù thất thểu, bơ phờ sau bão nhưng bà vẫn gắng sức đào bới nhặt nhạnh những gì còn sót lại chống chọi qua những ngày sắp tới.

Thầy Nguyễn Đức Khôi, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Đông, đưa chúng tôi về trường. Một ngôi trường vững chãi của bao thế hệ học sinh giờ đã tan nát. "Lúc đó tầm 10 giờ ngày 15-9, gió mạnh đập liên hồi, các thầy cố thủ trong nhà nội trú không dám ra ngoài. Nhưng chỉ ít giờ sau, bão cuốn phăng luôn mái, ngói đổ sạt, mọi người đành liều mạng chạy trốn để bảo toàn tính mạng. Khi về thì thấy 2 dãy trường tốc mái, khu nội trú bị sập tường, bay ngói… không còn chi nữa rồi" - thầy Khôi kể.

Kế bên, Trường Tiểu học Quảng Đông cũng thiệt hại nặng. Mái trường bị gió bật tôn văng tung tóe, cây cối nằm phủ kín lối đi. Nhiều tư liệu của giáo viên, học sinh cũng bị bão cuốn phăng. Các thầy cô phải liên tục dọn dẹp để học sinh sớm đi học trở lại, theo kịp chương trình.

Tại thị xã Ba Đồn có nhiều trường học như: Mầm non Quảng Thọ, Tiểu học số 2, số 1 Ba Đồn… bị tốc mái, sập tường rào, phá tan nhà ăn nội trú. Men theo dòng sông Gianh lên thượng nguồn, đi qua các xã Quảng Lộc, Quảng Hải (thị xã Ba Đồn); Phù Hóa, Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch); Châu Hóa, Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa)... đâu đâu cũng thấy những ngôi làng xơ xác, trường học tan hoang.

Cứu 2 ngư dân trôi trên biển

Khoảng 8 giờ ngày 16-9, một tàu cá của ngư dân xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) trên đường tránh bão trở về khu đảo Nẹ đã cứu 2 ngư dân bị trôi trên biển.

Hai ngư dân được cứu tên Lê Văn Luông (SN 1985) và Danh Bành (SN 1991; cùng ngụ xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), trong tình trạng kiệt sức. Hai người cho biết khoảng 15 giờ 30 phút ngày 15-9, tàu cá của họ đang di chuyển trên vùng biển Nam Định - Ninh Bình tránh bão thì bị sóng lớn đánh lập úp. Trên tàu lúc đó có 5 người. Hai người ôm can nhựa trôi trên biển được người dân địa phương cứu, còn 3 người khác đang mất tích. Th.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo