xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên kết vùng để cùng phát triển

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Hệ thống giao thông đã có quy hoạch cụ thể sẽ là điều kiện để đẩy nhanh liên kết vùng

TP HCM cần mở rộng liên kết vùng để nhận hỗ trợ từ các tỉnh lân cận là hiến kế của nhiều chuyên gia tại Hội thảo tầm nhìn phát triển đô thị TP HCM hướng tới mục tiêu xây dựng TP sống tốt do Viện Nghiên cứu Phát triển TP tổ chức ngày 17-11.

Cảnh báo những thách thức

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP, cho rằng một thành phố lớn như TP HCM mà làm quy hoạch chưa bài bản, mỗi người làm một mảng, kinh tế làm một kiểu, đô thị làm một cách,… thì rất khó để phát triển đồng bộ. "Cần phải làm trình tự từ quy hoạch chung đến chi tiết rồi mới dồn toàn lực để phát triển" - ông Cương nói. Theo ông, TP phải nhìn thẳng vào những hạn chế, thách thức đang đối mặt để điều chỉnh hướng phát triển cũng như giải quyết được hạn chế hiện nay mà trước mắt là tập trung giải quyết ngay bài toán giao thông và ngập nước.

Liên kết vùng để cùng phát triển - Ảnh 1.

Muốn chống được ngập thì nhất thiết TP HCM phải đẩy mạnh liên kết vùng

TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt Đức) chỉ ra những thách thức mà TP đang phải đối mặt. Đó là xu hướng phát triển đô thị chưa lành mạnh. Cụ thể, phát triển đô thị thiếu tích hợp, thiếu hụt các dịch vụ xã hội ở khu vực ngoại vi TP. Việc phát triển dự án kiểu "nhảy cóc" và thiếu đồng bộ không những gây lãng phí đất đai và vốn đầu tư mà còn tạo nên xu hướng phát triển thiếu lành mạnh. "Trung tâm TP quá tải và ô nhiễm cùng với quá trình quản lý xây dựng, các dự án cải tạo triển khai không tính toán đến tác động và khả năng bù đắp sự thiếu hụt về hạ tầng cũng như tiện ích xung quanh đang làm giảm chất lượng sống ở khu vực trung tâm TP" - TS Hiếu đánh giá.

Ngoài ra, theo TS Hiếu, sự kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng còn yếu dẫn đến sự cạnh tranh không cần thiết giữa các khu công nghiệp và cảng biển, trong khi lại thiếu sự phối hợp giải quyết những vấn đề chung. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa các khu công nghiệp, cảng biển. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cùng với tình trạng nước biển dâng cũng là một thách thức mà TP phải giải quyết.

Đừng giải quyết một mình

Theo TS Hiếu, để giải quyết những vấn đề trên thì TP cần phải liên kết vùng và Đồ án quy hoạch xây dựng vùng TP HCM bao gồm 8 tỉnh, TP được phê duyệt vào năm 2008 là khung pháp lý cho việc hợp tác, liên kết này. Cơ sở của phát triển không gian vùng là hệ thống giao thông. Mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa cùng hệ thống đường cao tốc, cảng biển đã có quy hoạch cụ thể sẽ là điều kiện để đẩy nhanh liên kết vùng.

TS Hiếu chỉ ra: Việc đầu tư hạ tầng cho vùng phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách quốc gia vốn đang chịu nhiều áp lực do nợ công gây ra. Vì vậy, để đẩy mạnh liên kết vùng, về lâu dài, cần xây dựng quy trình cho việc lập và thực thi quy hoạch ở cấp độ vùng. Miễn sao quy hoạch phù hợp với mối quan hệ về lợi ích và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa TP và các tỉnh lân cận và dựa trên các quy định hành chính.

Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, còn đặt vấn đề: Có cần phải phát triển TP trên 10 triệu dân? TP có nên ôm nhiều việc? Bởi theo ông Hòa, nếu cái gì cũng ôm sẽ kéo theo người nhập cư ngày càng nhiều và dẫn tới mọi thứ quá tải. Ông Hòa dẫn chứng, trong khi nhà ở xã hội là vấn đề nan giải của TP thì tại Bình Dương, Đồng Nai, nhà ở xã hội làm ra lại không bán được. Ông Hòa cũng đặt câu hỏi TP có cần phải giữ lại các cảng biển hay nên "buông" dần về các địa phương lân cận cũng là chuyện cần phải tính.

Ông Hòa khẳng định TP muốn phát triển mạnh thì phải nhờ vào liên kết vùng bằng cách làm mờ ranh giới hành chính. Phải làm sao để TP vì vùng và vùng vì TP, đừng tự giải quyết các vấn đề của mình. Bởi nếu cạnh tranh để lấy thành tích thì sẽ cùng bị tắc trong tương lai. "Không thể có thành phố sống tốt nếu phát triển trên một cái nền không tốt, tức là quy hoạch không được, quản lý đô thị không được thì có nỗ lực thế nào TP cũng không sống tốt được, nhất là vấn đề kẹt xe, ngập nước đang hoành hành như hiện nay" - TS Hòa nhấn mạnh.

Xóa nhà lụp xụp

Theo Sở Xây dựng TP, sau hơn 20 năm chỉnh trang đô thị, tính tới thời điểm hiện tại, TP đã di dời được 35.700 căn nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch. Việc di dời trải qua 4 giai đoạn với các dự án lớn như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Đông Tây; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé và lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm…

Cùng với chương trình di dời nhà ven, trên kênh rạch, TP cũng đã thực hiện Chương trình cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp. Trong giai đoạn từ 1998 đến nay, TP đã tháo dỡ hàng chục chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân TP.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo