xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngành sư phạm cần thay đổi toàn diện

Lưu Nhi Dũ

Thực tế, ngành sư phạm khủng hoảng từ lâu và nay đang ở giai đoạn bùng phát, buộc Bộ GD-ĐT và cả Chính phủ phải vào cuộc để giải quyết

Cuộc khủng hoảng sư phạm đang làm nóng dư luận khi điểm đầu vào của ngành này ngày càng đi xuống. Ai cũng biết muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Thế nhưng, nguồn đào tạo người thầy tệ đến nỗi mỗi môn 3 điểm vẫn có thể vào học một trường CĐ sư phạm thì những "chiếc máy cái" ấy sẽ cho ra sản phẩm như thế nào?

Tụt hậu

Trong tuần qua, liên tiếp 3 cuộc họp để giải quyết khủng hoảng ngành sư phạm đã diễn ra.

Trong hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 đối với các cơ sở sư phạm (tổ chức hôm 11-8), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ dù cho rằng thông tin "điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại" là không hoàn toàn chính xác nhưng đã công nhận hệ thống các trường sư phạm có vấn đề và cần thay đổi.

Ngay sau đó, ngày 16-8, Bộ GD-ĐT họp khẩn với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm cả nước. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận những bất cập trong đào tạo sư phạm, đồng thời đưa ra giải pháp bắt đầu từ năm 2018 sẽ có điểm sàn riêng cho ngành này.

Ngay hôm sau, ngày 17-8, khi họp với Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu triển khai phương án "đặt hàng" đối với đào tạo sư phạm, tạo cơ chế bảo đảm đầu ra cho người học.

Tất cả cho thấy ngành giáo dục nói chung, ngành sư phạm nói riêng đang tụt hậu so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi năm có hàng ngàn học sinh Việt Nam ra nước ngoài học phổ thông đã chứng minh sự tụt hậu đó.

Trong nhiều năm qua, hệ thống trường sư phạm lạm phát đến tận các địa phương, cứ cắm cúi đào tạo "mù" mà không theo nhu cầu xã hội. Từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã dự báo đến năm 2020 sẽ thừa 70.000 cử nhân sư phạm nhưng vẫn không có biện pháp ngăn chặn. Hàng ngàn giáo viên hợp đồng dạy cầm hơi chờ ngày được tuyển dụng. Thậm chí, Bộ GD-ĐT còn đề xuất tìm kiếm nghề khác cho giáo viên đào tạo dôi dư.

Ngành sư phạm phải thay đổi toàn diện nhưng chỉ riêng ngành giáo dục thì không thể làm được. Trước hết, phải tổ chức lại hệ thống các trường sư phạm, mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường yếu kém, tập trung nâng cấp các trường khu vực có chất lượng cao. Kết hợp địa phương khảo sát thực tế nhu cầu, dự báo chính xác nhân lực cho ngành sư phạm để có kế hoạch đào tạo. Thay đổi phương thức phân công nhiệm sở, dựa vào kết quả học tập chứ không phải đào tạo xong là trả về địa phương.

Đặc biệt, phải giải quyết cho được định chế hành chính, trả sự quản lý giáo viên về cho ngành giáo dục. Bởi lẽ, ngành này lâu nay không quản lý được khâu tuyển dụng giáo viên ở địa phương.

Ngành sư phạm cần thay đổi toàn diện - Ảnh 1.

Làm thủ tục tuyển sinh tại Trường ĐH Sư phạm TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Mấu chốt: Tiền lương

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng ngành sư phạm phụ thuộc vào chính sách của nhà nước về giáo viên. Nếu chính sách thu hút giáo viên tốt, đầu ra ổn định thì đầu vào khác ngay.

Ở ngành sư phạm, cơ hội thăng tiến rất ít nên tiền lương quyết định trong việc thu hút người giỏi. Thế nhưng, việc giáo viên sống được bằng lương chỉ là giấc mơ. Tiền lương giáo viên phải đủ sống.

Có một điều rất đáng suy nghĩ: Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới. Trong 12 năm (1998-2010), nước ta đầu tư cho giáo dục từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Vậy tại sao lương giáo viên vẫn cứ thấp trong nhiều năm qua?

Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên Hiệp Quốc, nếu năm 2005, Việt Nam chi cho giáo dục chiếm 8,3% GDP (Mỹ chi 7,2%), dựa vào tỉ lệ 62,3% chi phí thường xuyên cho giáo dục là để trả lương, đáng lẽ thu nhập bình quân của giáo viên phải 38 triệu đồng. Tuy nhiên, thực trạng lại khác hẳn, vì sao?

Muốn giải quyết cuộc khủng hoảng sư phạm một cách căn cơ, ngành này cần phải thay đổi toàn diện, từ đào tạo, tuyển dụng, quản lý đến tiền lương, trong đó tiền lương là mấu chốt.

Phải chấm dứt thi "2 trong 1"

Với 3 điểm/môn để trúng tuyển vào CĐ sư phạm thì khó có thể đào tạo các sinh viên này thành giáo viên đúng chuẩn cho trường THCS. Nhưng tại sao "điểm sàn" vào trường sư phạm lại thấp như vậy? Nguyên nhân không chỉ thuộc về nguyện vọng của thí sinh mà chủ yếu nằm ở cơ chế tuyển sinh.

Ai am hiểu khoa học giáo dục đều biết mỗi kỳ thi đều có mục tiêu riêng. Thi tốt nghiệp THPT là đánh giá thành quả đạt được của chương trình giáo dục phổ thông, tuyển sinh ĐH-CĐ là để đánh giá khả năng học tập cần có của học sinh ở bậc ĐH-CĐ. Vì vậy, việc tổ chức "Kỳ thi THPT quốc gia" theo nguyên tắc "2 trong 1" (vừa tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ) khiến mục tiêu tốt nghiệp THPT lẫn mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ đều bất cập.

Vì vậy, kể từ năm 2015 đến nay, tất cả các kỳ thi THPT quốc gia "2 trong 1" đều phát sinh những bất hợp lý và bất cập. Trong kỳ thi năm 2017, riêng mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ phát sinh chế độ "ưu tiên" một số đối tượng đã dẫn đến tình trạng các thí sinh đạt điểm cao vẫn "rớt", những em đạt điểm thấp hơn lại "đậu" ĐH-CĐ và vấn đề "điểm sàn" quá thấp cho ngành sư phạm.

Bộ GD-ĐT dự định giải quyết vấn đề "điểm sàn" sư phạm thấp bằng cách đưa ra quy chuẩn đầu vào riêng cho ngành này (nâng "điểm sàn" lên đến mức thỏa đáng), kết hợp cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh và giải thể các trường sư phạm yếu kém. Đó chỉ là giải pháp tình thế để trấn an dư luận mà thiếu tính khả thi. Với điểm sàn cao, liệu các trường sư phạm có thể tuyển đủ thí sinh để đào tạo? Vả lại, căn cứ vào đâu để cắt giảm chỉ tiêu và giải thể các trường yếu kém?

Vì vậy, giải pháp căn bản vẫn là chấm dứt các kỳ thi "2 trong 1" để trả lại kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT đúng nghĩa và không bị phá hoại vì "bệnh thành tích"; trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ để các trường tuyển sinh theo quy chuẩn riêng (bao gồm việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH-CĐ).

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có cơ chế tuyển sinh hợp lý, chất lượng đào tạo của các trường ĐH sư phạm ở "tốp trên" vẫn bất cập đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện; đồng thời vấn đề thất nghiệp của hàng loạt cử nhân sư phạm vẫn còn đó, thách thức sự tồn tại của các trường CĐ sư phạm và cả cơ chế đào tạo giáo viên hiện hành. Những vấn đề này đòi hỏi phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống sư phạm, đào tạo giáo viên các cấp theo các chuẩn mực quốc tế.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)

Mạnh dạn sắp xếp lại

Đâu là những nguyên nhân chính khiến ngành sư phạm lâm vào tình cảnh " thảm hại" về chất lượng đầu vào như hiện nay?

Thứ nhất, những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với ngành giáo dục - như không phải đóng học phí trong quá trình học tập, hưởng mức phụ cấp 0%-70% theo từng vùng, từng cấp khi ra trường giảng dạy, được tính chế độ thâm niên nhà giáo sau 5 năm công tác (khởi điểm 5%)… - một thời làm yên lòng đội ngũ thầy cô giáo song 7-8 năm nay không còn hấp dẫn.

Thứ hai, quy mô, số lượng học sinh các bậc học ở hầu hết các địa phương (trừ thành phố lớn) có xu hướng giảm mạnh, nhu cầu tuyển dụng mới giáo viên rất hạn chế; giáo sinh ra trường thất nghiệp, chờ việc gia tăng (ước tính trên 70.000 người đến năm 2020). Giáo viên thừa nhiều, thậm chí dạy 5-7 tiết/tuần vẫn hưởng lương đủ là điều rất đáng suy nghĩ.

Thứ ba, trường sư phạm mở ra quá nhiều.

Thứ tư, chính sách đãi ngộ, lương bổng cho giáo dục chưa thỏa đáng, chưa tương xứng công sức của các thầy cô tâm huyết với nghề đã bỏ ra. Chưa kể, tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một số cấp quản lý, cán bộ tổ chức, muốn có chân vào biên chế nhà nước hoặc được thuyên chuyển về trường gần nhà lại phải lo chạy chọt, tốn kém không ít khiến giáo viên bức xúc.

Thứ năm, nhiều phụ huynh, học sinh không muốn học sư phạm vì nghề này quá lặng lẽ, gò bó, công việc lặp đi lặp lại đến nhàm chán, thu nhập bình bình chẳng khá lên được. Kể cả gia đình giáo viên, nhiều người cũng không có ý hướng cho con nối nghiệp.

Phải mạnh dạn quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm theo hướng tinh gọn, sáp nhập hoặc giải thể nếu chất lượng đào tạo thấp, ít thí sinh học; tập trung đầu tư nguồn lực cho các trường trọng điểm, chất lượng tốt. Nếu cần thiết, ngừng tuyển sinh một vài năm để các trường tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang giảng dạy ở các trường phổ thông (nhiều người đã giảm sút "phong độ" về kiến thức, phương pháp dạy học mới… nên cần củng cố, bồi dưỡng một cách căn cơ).

Chính sách tinh giảm biên chế cần đẩy mạnh hơn nữa, bố trí ngân sách cho giáo viên có nguyện vọng, sức khỏe không bảo đảm, năng lực chuyên môn hạn chế được hưởng chế độ, về hưu trước tuổi. Muốn tăng lương cho giáo dục thì không thể tách rời việc tinh giảm biên chế dư thừa.

ĐỖ TẤN NGỌC

(Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo