xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sâu lắng hẻm Chợ Lớn

Lữ Khách

Chợ Lớn không chỉ lớn mà còn đẹp - cái đẹp nội tâm, sâu lắng. Các con hẻm ở đây gần như là những bảo tàng thu nhỏ, ghi lại biết bao cuộc bể dâu của phố cổ 300 năm

Chợ Lớn bao phủ các quận 5, 6, 11 và phần lớn hai quận 8, 10 của TP HCM, có khoảng 400 con hẻm. Cư dân Chợ Lớn trước đây hầu hết là người Hoa nên đặt tên hẻm theo phương ngữ, gọi là hạng, lý, phường... mang tính ước lệ cộng đồng.

Tuyệt tác Hào Sỹ Phường

Người TP HCM trước đây có câu "đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa". Đầu thế kỷ trước, ở Sài Gòn - Chợ Lớn có thời điểm khoảng 40% bất động sản dưới quyền chú Hỏa (Huỳnh Văn Hoa). Trong đó, Hào Sỹ Phường là một tuyệt tác do chú Hỏa đặt tên, ngụ ý "hào hiệp văn sĩ". Nơi đây dường như mọi thứ trôi qua chậm hơn, người ta tận hưởng cuộc sống không vội vã, không khói bụi, không tiếng ồn, như một ốc đảo bình yên giữa chốn đô thành huyên náo. Hẻm hình chữ L mà nét dọc là số 206 Trần Hưng Đạo B, nét ngang ăn ra số 63 Ngô Quyền.

Bà Phún, một cư dân kỳ cựu của hẻm Hào Sỹ Phường, kể hẻm này trước đây thuộc quyền sở hữu của Công ty Hui Bon Hoa (chú Hỏa và các con). Đến giờ, vẫn còn một số gia đình ở đây lưu giữ kỷ vật là giấy tờ thuê nhà của chú Hỏa từ trước năm 1975. Từ đó, có thể suy ra hẻm này có tuổi trên cả 100 năm.

Sâu lắng hẻm Chợ Lớn - Ảnh 1.

Hẻm Hào Sỹ Phường

Hào Sỹ Phường có kiến trúc độc nhất theo kiểu cổ "tứ hợp viện": 4 mặt đều xây nhà, gồm nhà chính, các gian chái được nối bằng Đông Tây hồi lang. Hai đầu hẻm là 2 căn nhà không có tầng trệt, thay vào đó là 2 cầu thang song hành nối tiếp với hồi lang. Kiểu kiến trúc này ngày nay ở Trung Quốc đã trở thành quý hiếm và đang được bảo tồn ở Việt Nam, hấp dẫn nhiều hãng điện ảnh trong và ngoài nước đến quay ngoại cảnh.

Mặc dù Hào Sỹ Phường chỉ vỏn vẹn 67 căn nhà nhưng nhìn từ xa, tòa tháp trắng ở đây tạo cảm giác có chiều sâu hun hút. Cửa căn hộ ở Hào Sỹ Phường cũng rất đặc sắc, gồm 3 lớp, gọi là "thảng long môn". Cửa ngoài là bình phong với 2 cánh chớp lưng lửng để che chắn tầm nhìn từ bên ngoài; cửa thứ 2 là cửa lùa với một khung gỗ và những song ngang, dùng để chống trộm và tránh ảnh hưởng gió lùa, số song ngang phải là số lẻ (người Quảng Đông - Trung Quốc kiêng số chẵn); cửa trong cùng mới là cửa thực thụ.

Cũng như các ngõ xưa của người Hoa, tán gẫu trà dư tửu hậu là thú vui không thể thiếu của cư dân Hào Sỹ Phường. Cũng từ đó mà các chuyện "tám" bay mù trời, vui buồn đủ cả.

Huyền thoại Tường "giá đỗ"

Hẻm 720 Nguyễn Trãi của phường 11, quận 5 hiện nay là hẻm cụt vô danh, mặt tiền bị những kiến trúc mới che khuất. Hẻm này ban đầu không tên nhưng nhờ có chuyện ông Tường "giá đỗ" nên nổi tiếng.

Ông Tường, tên thật là Hoàng Cảnh Nam (1860-1923), từ Quảng Đông di cư qua Việt Nam vào đầu thế kỷ trước, sống bằng nghề ngâm giá đỗ. Ông mở tiệm "Hoàng Tường Ký" bán giá đỗ ngay đầu hẻm.

Năm 1902, nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc Tôn Trung Sơn đến Việt Nam cổ xúy cách mạng trong giới Hoa kiều. Hoa kiều thời đó hầu hết không cảm tình với chế độ phong kiến nhà Mãn Thanh nhưng ít ai hưởng ứng tư tưởng cấp tiến của Tôn Trung Sơn. Tại Hội quán Tuệ Thành ở đường Mai Sơn (đường Nguyễn Trãi bây giờ), khi Tôn Trung Sơn diễn thuyết, người ta chuẩn bị sẵn cà chua và trứng thối, sẵn sàng trút cơn thịnh nộ lên diễn giả. Thế nhưng, sau bài diễn văn của Tôn Trung Sơn, người nào cũng rơm rớm nước mắt, tranh nhau ghi tên vào tổ chức cách mạng "Hưng Trung hội" của ông.

Ông Tường là người dẫn đầu theo Tôn Trung Sơn và dốc toàn bộ 3.000 đồng bán giá đỗ ủng hộ cách mạng. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn cảm thấy số tiền tích cóp từ bán giá đỗ của ông Tường quý hơn bạc vạn của các thương gia giàu có nên đã ở lại nhà ông này. Ông Tôn Trung Sơn từng 6 lần tới Việt Nam vận động cách mạng thì 5 lần tá túc ở nhà ông Tường. Ông Tường bán được bao nhiêu giá đỗ đều gom vào heo đất, ủng hộ cách mạng. Có lần, bị mật thám Pháp lùng bắt, ông Tôn Trung Sơn phải chui vào lu sành dùng để ủ giá ở nhà ông Tường mới thoát nạn.

Năm 1911, ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo Cách mạng Tân Hợi thành công, ông Tường được mời về Nam Kinh dự lễ thành lập Trung Hoa Dân quốc. Khi Viên Thế Khải soán ngôi, ông Tường tổ chức "Quân cảm tử Hoa kiều Việt Nam" giúp Tôn Trung Sơn dẹp loạn. Lập công lớn nhưng ông từ chối mọi chức tước do Chính phủ Dân quốc ban tặng và chết tại quê nhà. Mộ ông được liệt vào di tích lịch sử quốc gia Trung Quốc. Từ đó, hẻm 720 Nguyễn Trãi được mang tên Giá Đỗ - con hẻm vô danh bỗng trở nên nổi tiếng.

Năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi, đoàn làm phim của Đài Truyền hình Trung Quốc đến TP HCM quay về huyền thoại Tường "giá đỗ". Ngôi nhà xưa của ông Tường không còn, thay vào đó là một chung cư. Ngày nay, đến Giá Đỗ, du khách chỉ còn thấy con hẻm bề ngang gần 2 m, vào sâu rộng hơn, toàn nhà mới xây, không còn dấu tích gì về một "mối tình" cách mạng Việt - Hoa.

Chợ nhỏ có 3 hẻm nổi tiếng

Năm 1990, đoàn làm phim "Người tình" (L’Amant) của Pháp đến Việt Nam quay ngoại cảnh. Phim mô tả mối tình lãng mạn giữa cô gái Pháp và chàng trai Hoa kiều con nhà đại điền chủ miền Tây. Đạo diễn Annaud đã chọn chợ Xã Tây là nơi ươm nở tình yêu giữa 2 người. Ông chỉ cần đền bù xứng đáng rồi cho "bãi thị" một buổi là dễ dàng hồi phục cuộc sống sôi động của người Hoa đầu thế kỷ trước, vì những ngôi nhà lợp ngói âm dương rêu phong bấy giờ còn nguyên.

Chợ Xã Tây bỗng chốc nổi tiếng như cồn.Chợ này nằm trọn trên đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5; tính từ đường Trần Hưng Đạo B và Nguyễn Trãi cắt ngang, đúng là nhỏ như một con hẻm, dài không quá 200 m. Dù hằng ngày người đi lại tấp nập nhưng ít ai để ý trên đoạn đường ngắn như vậy mà có tới 3 hẻm cũ từng mang tên Đại Khánh Lý (số 3), Dư Lạc Lý (số 23), Hải Nam Lý (số 18). Nhiều cảnh trong "Người tình" là thu hình tại những hẻm này.

Giữa thế kỷ trước, ở Dư Lạc Lý có bậc thầy danh họa thủy mặc thuộc phái Lĩnh Nam - Lương Thiếu Hàng. Ông sinh tại Quảng Đông, tầm sư học nghệ tại Hồng Kông rồi tới Việt Nam tìm đường phát triển nghệ thuật và cư trú tại số 12 Dư Lạc Lý. Ông lập Đông phương Nghệ uyển nhưng mãi đến năm 1960 mới thu nhận đệ tử, mỗi khóa chỉ chọn 2 người. Danh họa Lý Tùng Niên với biệt hiệu "cây trường thanh" là lớp đệ tử khóa 3 và là vai vế cao nhất hiện nay. Các danh họa tên tuổi như Trương Hán Minh, Lý Trung Lương, Lư Sùng Đạo đều là đàn em khóa sau. Tiếng tăm thầy Lương ngày một lớn, học sinh chen chúc nhau, nhà muốn vỡ tung. Vì thế, ông buộc học sinh sau 3 năm phải tốt nghiệp, còn thành đạt hay không tùy ở tư chất từng người. Ông mất trước khi miền Nam giải phóng, thọ 66 tuổi. Dư Lạc Lý là hẻm cụt hình chữ T.

Trong khi đó, vì hẻm Giá Đỗ quá hẹp nên năm 2011, đoàn làm phim của Đài Truyền hình Trung Quốc tái hiện cảnh ông Tường cặm cụi gánh nước (lúc đó chỉ có vòi nước công cộng) đã phải quay ở Đại Khánh Lý. Người đóng thế vai cũng là một thanh niên người Hoa ở số 7 Đại Khánh Lý.

Như vậy, có thể thấy Chợ Lớn không chỉ lớn mà còn đẹp - cái đẹp nội tâm, thầm lắng, đậm màu sắc dân di cư. Các con hẻm ở đây gần như là những bảo tàng thu nhỏ, ghi lại biết bao cuộc bể dâu của phố cổ 300 năm lịch sử và rất có thể sẽ mai một trong dòng thác thời gian.

Bỗng dưng, tôi chợt bâng khuâng khi nghĩ nếu không còn các lý, phường, hạng, e sẽ không còn văn hóa Chợ Lớn đúng nghĩa.

Chợ Lớn còn nhiều hẻm nữa và đều ẩn chứa những câu chuyện thú vị, có hẻm còn giữ được cổng chào và bảng tên từ thuở ban đầu.

Nổi danh nhờ ca sĩ

Ngày 23-7-1971, nữ ca sĩ nổi tiếng Đài Loan Đặng Lệ Quân đến Chợ Lớn biểu diễn và lưu trú ở khách sạn Bát Đạt (238-244 Trần Hưng Đạo B) để tiện diễn xuất tại rạp Lê Thanh B trên đường Phan Phú Tiên gần đó. Nhà báo Đào Nhiên có cơ hội tiếp xúc Đặng Lệ Quân và chụp được tấm hình quý giá khi cô đứng trước rạp hát, mặc mini jupe thời thượng, băng rôn phía trên ghi dòng chữ "Oa oa ca hậu" (Hoàng hậu ca hát em bé).

Ăn theo sự kiện trên,Tùng Quế Phường (hẻm 236 Trần Hưng Đạo kế cận) cũng nổi tiếng nhờ Đặng Lệ Quân đến tặng quà cho người nghèo trong hẻm. Chạy xe dọc đường, nếu không để ý kỹ sẽ khó thấy hẻm này vì không có bảng tên lại lọt thỏm giữa 2 tòa nhà lớn là khách sạn Bát Đạt và rạp Tân Việt cũ. Hẻm có hình chữ T. Bây giờ, hỏi các bậc kỳ lão trong hẻm cũng khó ai rõ cái tên Tùng Quế Phường từ đâu ra. Tùng Quế Phường là tên một khu phố ăn chơi sầm uất ở Hồng Kông. Có lẽ ông chủ (không ai biết mặt) thời đó do nhớ quê hương nên đã đặt tên hẻm vậy chăng?

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Sâu lắng hẻm Chợ Lớn - Ảnh 4. Sâu lắng hẻm Chợ Lớn - Ảnh 4. Sâu lắng hẻm Chợ Lớn - Ảnh 4. Sâu lắng hẻm Chợ Lớn - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo