xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sớm tiêm miễn phí vắc-xin Covid-19 cho người dân

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Bên cạnh đó còn có phần nhỏ vắc-xin dịch vụ dành cho người có khả năng chi trả cao hơn

Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh nguồn vắc-xin Covid-19 cung cấp còn hạn chế, Việt Nam sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 từ nguồn của COVAX cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền mạn tính…

Tiêm vắc-xin miễn phí

Tại cuộc họp sáng 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Ban Chỉ đạo, Việt Nam nỗ lực để sớm có vắc-xin ngừa Covid-19. Do chưa có đủ vắc-xin tiêm cho người dân nên trước hết phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới cơ bản về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, có phần nhỏ nguồn vắc-xin Covid-19 là vắc-xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.

Sớm tiêm miễn phí vắc-xin Covid-19 cho người dân - Ảnh 1.

Đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 giai đoạn 1 tại Học viện Quân y (TP Hà Nội)

Theo các chuyên gia y tế, vắc-xin AstraZeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng nên về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam, vắc-xin có thể tiêm ngay cho người dân. PGS-TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết các loại vắc-xin khi về Việt Nam như vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem hay ComBE Five đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị tiêm vắc-xin này cho những đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch. "Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Khoa học - Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Chúng ta sẽ không tiêm ồ ạt vắc-xin Covid-19 mà vừa làm vừa theo dõi, đánh giá. Đây là cách chúng ta vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn để bảo đảm đưa vắc-xin ngừa Covid-19 an toàn nhất đến người dân" - PGS Trần Đắc Phu nói.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó ngay cả những nước đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách… "Chúng ta phải hiểu rõ vắc-xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay trong khi đó virus có biến thể mới nên chúng ta càng phải cẩn thận, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa đủ vắc-xin để có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng" - PGS Trần Đắc Phu lưu ý.

Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước đã phát hiện tổng số 2.400 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1.502 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 809 ca.

18,4 triệu người được ưu tiên

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ.

Theo Bộ Y tế, COVAX Facility là một cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19. Mục tiêu bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vắc-xin, 95% đối tượng nguy cơ cao được tiêm, tiếp nhận và cung ứng kịp thời vắc-xin cho các đối tượng theo tình hình dịch… Theo đó, các nhóm đối tượng cần tiêm vắc-xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc-xin còn hạn chế tại Việt Nam bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…; những người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

COVAX dự kiến cung cấp cho Việt Nam gần 4,9 triệu liều, trong đó 25%-35% trong quý I/2021 và 65%-75% trong quý II/2021. Bộ Y tế cho biết ngay trong quý I/2021 sẽ có khoảng 600.000 người là nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch sẽ được tiêm khoảng 1,2 triệu liều vắc-xin. Quý II/2021 khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Đến quý III, COVAX Facility sẽ hỗ trợ vắc-xin cho các quốc gia để tiêm chủng cho tối đa 20% dân số. Theo đó, trong quý III, Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người được tiêm.

Trước đó, Việt Nam đã chính thức phê duyệt có điều kiện vắc-xin Covid-19 AstraZeneca (AZD1222) của AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Có 30 triệu liều vắc-xin AZD1222 sẽ được cung cấp cho Việt Nam, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021. Đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Công ty CP Vắc-xin Việt Nam (VNVC) là đơn vị phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, doanh nghiệp không được tự ý phân phối, phải tuân theo kế hoạch của Bộ Y tế trình Chính phủ để chương trình tiêm vắc-xin được triển khai công bằng, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm - chúng ta đang tuân theo các thông báo của WHO hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền. Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh. Do vậy, việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vắc-xin phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vắc-xin, cũng phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết. 

Giao lưu trực tuyến: "Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam"

Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về "Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam". Thời gian tổ chức từ 14 giờ đến 15 giờ ngày 24-2, tại đầu cầu Hà Nội: Văn phòng Hà Nội (số 16F Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm), đầu cầu TP HCM: Tòa soạn Báo Người Lao Động (số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3).

Khách mời gồm các chuyên gia y tế: PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia; PGS-TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; đại diện Viện Pasteur TP HCM...

Hàng hóa lưu thông bình thường

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện việc vận chuyển hàng hóa. Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; bảo đảm thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về)...

PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng một số địa phương đang có sự nhầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới "ngăn sông cấm chợ". Đến nay vẫn chưa có trường hợp nào mắc Covid-19 mà nguồn lây từ thực phẩm do đó nên cho hàng hóa thông thương và giao thông trở lại bình thường.

N.Dung

Làn sóng xã hội hóa mua vắc-xin trên thế giới

Nhiều nước trên thế giới đã tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân mua vắc-xin nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 giúp phục hồi kinh tế.

Tại Indonesia, theo hãng tin Reuters, gần 4.000 công ty, trong đó có nhiều công ty dệt may, đã đăng ký tham gia chương trình cho phép lĩnh vực tư nhân mua vắc-xin tiêm phòng cho người lao động.

Kế hoạch này đã được đề xuất bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia vào tháng trước và Bộ Y tế đang nghiên cứu các quy tắc dự thảo. Các nhà máy đang hoạt động 1/2 công suất có thể trở lại hoạt động bình thường sau khi công nhân được tiêm phòng đầy đủ. Góp phần nhanh chóng xã hội hóa việc mua vắc-xin ngừa dịch Covid-19, Tổng Thư ký Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Thái Lan Paisan Dankhum cho biết chính phủ nước này sẽ không ngăn các bệnh viện tư nhân nhập khẩu vắc-xin miễn là các loại vắc-xin đó phải được phê duyệt và đăng ký với FDA. Quan chức này cho biết nhà nước không độc quyền về vắc-xin Covid-19 và sẽ không ngăn nhập khẩu. Theo tờ The Nation (Thái Lan), các bệnh viện tư nhân có thể mua vắc-xin đã đăng ký với FDA hoặc với tư cách là bên được cấp phép tự đăng ký mua vắc-xin. Ông Paisan Dankhum cho biết để bảo vệ người tiêu dùng, FDA đang chuẩn bị giám sát chặt chẽ sự an toàn của vắc-xin. Hồi tháng trước, hai bệnh viện tư nhân ở Thái Lan cũng đã đặt mua hàng triệu liều vắc-xin.

4-phụ-4

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho người dân ở thủ đô Jakarta - Indonesia hồi tuần trước .Ảnh: REUTERS

Trong nỗ lực xã hội hóa việc mua vắc-xin tại Ấn Độ, lĩnh vực tư nhân cũng được tạo điều kiện để tăng cường vai trò trong chiến dịch tiêm phòng vắc-xin. Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng bảo đảm không có thách thức về nguồn cung thông qua việc cho phép lĩnh vực tư nhân thỏa thuận với các nhà sản xuất vắc-xin thay vì chỉ dựa vào các thỏa thuận mua sắm giữa chính phủ với doanh nghiệp. Tại Philippines, lĩnh vực tư nhân có thể mua vắc-xin thông qua thỏa thuận hợp tác với Bộ Y tế và Lực lượng đặc nhiệm quốc gia nước này. Từ tháng 1-2021 đến tháng 12-2023, việc mua sắm, nhập khẩu, trao tặng, bảo quản, vận chuyển, triển khai và quản lý vắc-xin thông qua chương trình tiêm chủng của chính phủ hoặc bất kỳ cơ quan chính trị và tư nhân nào cũng đều được miễn thuế hải quan, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí khác.

Trong khi đó, Pakistan sẽ cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu vắc-xin và đã đồng ý miễn trừ thuế nhập khẩu ngay cả khi quốc gia này đang chật vật để bảo đảm nguồn cung. Với hơn 550.000 trường hợp nhiễm và hơn 12.000 ca tử vong, Pakistan phần lớn phụ thuộc vào sáng kiến vắc-xin COVAX do Liên minh Vắc-xin Gavi và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế thế giới dẫn đầu. Pakistan hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin nào trong số 17 triệu liều mà nước này dự kiến nhận được thông qua sáng kiến COVAX. Tại Jamaica, Bộ Y tế và Sức khỏe hồi tuần trước đã hợp tác với các bên liên quan trong lĩnh vực tư nhân để đẩy nhanh quá trình mua và quản lý vắc-xin. Bộ trưởng danh mục đầu tư Christopher Tufton cho biết quan hệ đối tác với lĩnh vực tư nhân nhằm hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo