xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Sông nước miền Tây" trên đất Bình Định

Đức Anh

Hệ sinh thái rừng ngập mặn hình thành có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu; bảo đảm tính đa dạng sinh học cao, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho con người

Thời gian gần đây, tỉnh Bình Định xuất hiện một điểm du lịch sông nước thu hút khá nhiều du khách chẳng khác nào ở vùng sông nước miền Tây. Đó là khu sinh thái Cồn Chim, thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.

Vùng đất sinh thái

Cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 15 km, khu sinh thái Cồn Chim nhìn từ trên cao như cánh quạt khổng lồ giữa sông nước mênh mông. Đây là nơi bảo tồn thiên nhiên kết hợp với du lịch sinh thái, nằm giữa đầm Thị Nại có rừng ngập mặn gần 500 ha.

Khu sinh thái Cồn Chim có khu rừng ngập mặn hàng chục năm tuổi, gồm đưng, đước, sú vẹt… tạo nên hệ sinh thái đa dạng, môi trường sống trong lành cho các loài thủy sản; thu hút nhiều loài cò, le le, sếu… từ khắp nơi về đây sinh sống. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ động vật nơi đây khá phong phú với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá và hàng trăm loài chim đến trú ngụ.

Theo ông Hồ Văn Nhân, Trưởng xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn), từ ngày rừng ngập mặn phục hồi, thủy sản sinh sôi nhanh chóng, các loài chim kéo từng đàn về Cồn Chim kiếm ăn, trú ngụ đông đúc. Người dân nơi đây nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thuận lợi nên có cuộc sống ổn định. "Bây giờ ai cũng thích sống ở đây bởi không khí trong lành, mát mẻ; không ô nhiễm hay ồn ào " - ông Nhân nói.

Không riêng gì Cồn Chim, hiện các vùng ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi ở tỉnh Bình Định đã hình thành nhiều khu rừng ngập mặn có tính đa dạng sinh học rất cao. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc khôi phục, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn trong suốt thời gian qua.

Sông nước miền Tây trên đất Bình Định - Ảnh 1.

Khu sinh thái Cồn Chim thu hút được nhiều loài chim về đây trú ngụ. Ảnh: Minh Hoàng

Sông nước miền Tây trên đất Bình Định - Ảnh 2.

Du khách tham quan khu sinh thái Cồn Chim Ảnh: Minh Hoàng

Sông nước miền Tây trên đất Bình Định - Ảnh 3.

Các nhà khoa học tham quan khu rừng ngập mặn mới trồng trên đầm Thị Nại Ảnh: Đức Anh

Phát triển rừng ngập mặn bằng lợi ích hài hòa

Trước đó, cuối năm 2010, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn giai đoạn từ năm 2010 đến 2020 với tổng diện tích 461,4 ha. Trong đó, trồng mới 391,4 ha và bảo vệ rừng hiện có 70 ha.

Diện tích quy hoạch rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở các bãi bồi ven 2 đầm Thị Nại và Đề Gi. Cụ thể, đầm Thị Nại quy hoạch 239,6 ha (diện tích có rừng 70 ha) và đầm Đề Gi có diện tích quy hoạch 221,8 ha.

Kể từ khi có quy hoạch trên, ông Trần Hữu Khánh (ngụ thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) được nhận khoán chăm sóc, bảo vệ 4 ha rừng bần ngập mặn ở đầm Thị Nại. Nhờ chăm sóc, bảo vệ cẩn thận của chủ rừng nên nơi này được đánh giá là một trong những khu rừng ngập mặn sinh trưởng, phát triển khá tốt; phát huy được chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống xói lở và cố định các bãi bồi ven đầm cũng như góp phần đa dạng sinh học.

"Mùa gió bấc, khu rừng ngập mặn che chắn cho các vùng nuôi tôm ở phía trong đầm Thị Nại. Đặc biệt, từ khi có khu rừng ngập mặn, nhiều loại cua, tôm, cá… tập trung sinh sống dưới tán rừng, tạo điều kiện cho người dân địa phương mưu sinh hằng ngày; các loài chim, cò về đây trú ngụ cũng rất nhiều" - ông Khánh cho biết.

Ông Hồ Văn Liền (ngụ thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cũng được giao khoán 9,1 ha rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại. Đến nay, khu rừng đã xanh tốt, bắt đầu có thu hoạch hải sản. "Trước đây, người dân địa phương chưa nhận thức được lợi ích từ rừng ngập mặn nên phá bỏ cây con để dễ khai thác thủy sản. Giờ thì ai nấy đều biết rằng giữ rừng ngập mặn cũng là giữ nơi mưu sinh của mình, cùng nhau ra sức chăm sóc, bảo vệ rừng" - ông Liên phấn khởi.

"Nhằm tạo hài hòa lợi ích kinh tế của hộ nhận khoán mà vẫn phát huy hiệu quả của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hiện Bình Định đang xây dựng các mô hình trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, có cơ chế chuyển đổi nghề đối với những hộ dân khai thác thủy sản trên các bãi bồi ven biển để giảm áp lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn", ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho hay. 

Mở rộng vùng sinh thái

Bình Định đang tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn nhằm giảm tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo sinh kế cho người dân.

Ông Trần Quang Nhựt cho biết hệ sinh thái rừng ngập mặn hình thành có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Đồng thời bảo đảm cho tính đa dạng sinh học cao, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho con người.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được sau 10 năm, năm 2021, Bình Định tiếp tục ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021-2025 với tổng diện tích được giao khoán bảo vệ là 55,41 ha. Trong đó, tiếp tục khoán bảo vệ đối với diện tích 42,77 ha rừng đã có, 12,64 ha rừng mới trồng và phát triển rừng trồng mới thêm 10 ha.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo