xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tháo điểm nghẽn trong xúc tiến du lịch

Yến Anh

Để hoàn thành mục tiêu thu hút 17,5 - 18 triệu lượt khách trong năm 2019, ngành du lịch phải đạt mức tăng trưởng 13% - 14% và thực tế cho thấy không đơn giản

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch được coi là giải pháp then chốt để tháo điểm nghẽn, đưa khách du lịch đến Việt Nam.

Chưa có văn phòng xúc tiến

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist - khẳng định công tác xúc tiến quảng bá điểm đến là tuyến đầu để thu hút du khách. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn.

Ông Thắng cho hay năm 1979, Thái Lan đã thành lập Hội đồng Xúc tiến du lịch, chuyên tâm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, có hẳn cơ quan làm việc đó và kinh phí hoạt động. Từ năm 1964, Singapore cũng quyết tâm phát triển du lịch và họ thành lập Hội đồng Xúc tiến du lịch.

"Ví dụ, khi nói đến Bali, du khách hình dung ra Indonesia. Việc nói đến du lịch là để khách hình dung ra một hình ảnh cụ thể. Về điều này, chúng ta chưa làm rõ được" - ông Thắng khẳng định và cho biết khâu quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta chưa đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác để có sức mạnh tổng thể. Chưa hết, việc triển khai xúc tiến quảng bá song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến quảng bá để thu hút du khách cũng còn yếu.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng chuyện quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam gói gọn trong mấy từ: Phấn khởi nhưng rất vất vả. Phấn khởi vì số lượng khách du lịch tăng trưởng tốt, vất vả vì tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn thấp, con người còn yếu…

Theo ông Đức, trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nhiệm vụ đầu tiên là hướng tới thị trường, thâm nhập thị trường và khai thác thị trường. Việc có văn phòng đại diện tại các thị trường là cực kỳ quan trọng. "Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có một văn phòng xúc tiến du lịch chính thức nào ở các thị trường. Tất cả đối tác, bạn bè quốc tế, những người làm du lịch ở các nước đều không tin về điều này" - ông Đức nói.

Chọn điểm đến quốc gia

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, ông Phùng Quang Thắng cho rằng để xúc tiến hiệu quả, nên chọn một điểm đến làm điểm đến quốc gia.

"Từ trước đến nay, đánh giá tiềm năng thì Hạ Long là địa điểm thu hút du khách đến Việt Nam và nên tập trung cho nó. Việc khách đến Hạ Long chắc chắn sẽ tìm hiểu, đi bằng nhiều tuyến du lịch khác nhau nên cần tập trung thu hút và đầu tư theo đúng năng lực chúng ta có" - ông Thắng nói và cũng cho hay từ điểm đến du lịch Hạ Long sẽ ra được tuyến du lịch mang tầm quốc tế thu hút nhiều khách như tuyến Hà Nội - Hạ Long. Sản phẩm cụ thể này rất đông khách. Giờ có thêm điểm đến nữa tạo thành tam giác phía Bắc là tỉnh Ninh Bình. Ba điểm này là sản phẩm cụ thể để chúng ta xúc tiến cho du lịch Việt Nam và từ đó lan tỏa cho các địa phương khác.

Theo ông Đức, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đang định hướng tập trung bốn dòng sản phẩm: Du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Những sản phẩm này đã định hình khu vực để phát triển.

Tháo điểm nghẽn trong xúc tiến du lịch - Ảnh 1.

Du khách đến suối cá thần ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Lương Duy Cường

"Theo tôi, nên tập trung phát triển một số điểm. Thí dụ ở miền Bắc là Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Hà Giang; miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa; miền Nam là Phú Quốc, TP HCM. Chúng ta tập trung những điểm đó, sau đó sẽ lan tỏa. Trên cơ sở chiến lược phát triển sản phẩm, chúng tôi mới có chiến lược marketing" - ông Đức đề xuất.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong, khẳng định việc chọn biểu tượng để quảng bá du lịch Việt Nam là rất đúng, nhưng để quảng bá xúc tiến đạt hiệu quả cao thì cần làm 4 nhiệm vụ. Thứ nhất, phải xác định thị trường quảng bá và phải có sản phẩm đi liền với nó. Thí dụ, tại Nhật Bản và Ấn Độ, nếu chúng ta dùng cùng một sản phẩm quảng bá cho hai thị trường này thì một trong hai thị trường sẽ hỏng. Thứ hai, phải chuẩn bị những sản phẩm gì làm thế mạnh để quảng bá. Thí dụ, tại Ấn Độ, nếu đem phở Việt Nam quảng bá thì không ai quan tâm. Thứ ba, công cụ sử dụng quảng bá. Nếu chúng ta có bộ công cụ quảng bá không tốt thì làm sẽ rất mất công và kéo dài thời gian. Thứ tư là khâu phục vụ. Nếu chúng ta xác định thị trường tốt, công cụ tốt nhưng phục vụ không tốt thì chắc chắn không thể đẩy mạnh thị trường du lịch Việt Nam phát triển.

"Làm du lịch không phải là mỗi đơn vị lữ hành khách sạn phục vụ mà tất cả các khâu từ lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, lữ hành, bán hàng… đều phải có thái độ niềm nở để khách thấy hài lòng khi trở về. Nếu chúng ta chỉ xoay quanh việc "chặt chém" sẽ có cơ quan chức năng đến phạt thì không ăn thua. Nếu khách đến cửa khẩu mà đã khó khăn trong nhập, xuất cảnh thì chắc chắn sẽ không có nụ cười nào khi họ trở về nước" - ông Khánh chia sẻ quan điểm.

Thành lập Bộ Du lịch?

Ông Phùng Quang Thắng đặt vấn đề cần có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp cơ sở nguồn lực. Campuchia làm xúc tiến du lịch không nhiều kinh phí nhưng qua các hội chợ du lịch quốc tế có thể thấy gian hàng của họ khá chuyên nghiệp.

"Họ luôn mang theo hình ảnh là đền Angkor để giới thiệu với thế giới. Từ chuyện đến đền Angkor, du khách sẽ đi khắp đất nước Campuchia" - ông Thắng nói. Quan điểm này được ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), tán thành. Ông Chính cho rằng cần phải thành lập một cơ quan quản lý về xúc tiến du lịch quốc gia. Tổng cục Du lịch đang phải đóng hai vai trò cùng lúc, vừa là cơ quan quản lý du lịch, vừa là cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia. Rất khó để cùng lúc hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ bởi sự chồng chéo và hạn chế về con người.

"Làm sao để vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch Việt Nam được thể hiện rõ rệt. Thậm chí, tôi còn muốn nếu được thì thành lập Bộ Du lịch như các nước, để cơ quan này thực sự có vai trò lớn và tập hợp được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành khác?" - ông Chính đặt vấn đề và đề nghị khi không thể có Bộ Du lịch thì thành lập một hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia, thành phần là cơ quan quản lý nhà nước và cả đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia để cùng có ý kiến, thậm chí là cùng đóng góp vào quỹ xúc tiến du lịch. 

Tìm những thị trường tiềm năng

Theo ông Phùng Xuân Khánh, công tác chọn thị trường để xúc tiến rất quan trọng. Chúng ta cần xúc tiến vào các thị trường có khả năng chi trả tốt, chứ không vào thị trường đông khách nhưng khả năng chi trả không tốt.

Lâu nay, Philippines là thị trường chúng ta bỏ ngỏ. Gần đây, Tổng cục Du lịch đã quan tâm xúc tiến và du khách Philippines cũng có khả năng chi trả rất tốt. Hiện Vietnam Airlines mới chỉ có một đường bay tới Philippines nhưng Philippines đã có 2 đường bay tới Việt Nam và thậm chí có đường bay thẳng trước cả chúng ta. Indonesia cũng nổi lên là một thị trường đang phát triển. Du khách Indonesia đến Hà Nội, Đà Nẵng rất nhiều và chi tiêu cao. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Jakarta.

Chúng ta thu hút du khách vào Việt Nam là cạnh tranh với các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc). Du khách thường lựa chọn những nơi đó trước khi đến Việt Nam.

Phát triển e-marketing

Ông Hoàng Nhân Chính cho biết: "TAB đã ký một thỏa thuận và hỗ trợ cho Tổng cục Du lịch để phát triển e-marketing. Với những trang web và trang mạng xã hội quảng bá do Tổng cục Du lịch quản lý, hiện mới có tiếng Anh do TAB đang tập trung vào thị trường khách nói tiếng Anh và dự kiến trong năm nay sẽ có thêm tiếng Nhật và năm sau sẽ có thêm nhiều ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, trước khi làm những việc này, cần nghiên cứu kỹ du khách đến Việt Nam thường có nhu cầu gì, thăm thú những gì và ảnh hưởng ra sao từ trang web của TAB đối với quyết định của họ.

Để viết bài cho phiên bản tiếng Anh thì sẽ có chuyên gia từ Mỹ, Canada… Sắp tới, TAB đã có thỏa thuận với một công ty có chuyên gia người Nhật biên tập các nội dung tiếng Nhật. Về trang mạng xã hội, TAB đang hỗ trợ Tổng cục Du lịch trên YouTube, Instagram, Facebook, Pinterest.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo